Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2008
02 | 10 | 2008
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 144,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; bao gồm nông nghiệp đạt 103,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8%; lâm nghiệp đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5%; thuỷ sản đạt 36,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,91%.
Tình hình sản xuất cụ thể như sau:

Nông nghiệp

Tính đến trung tuần tháng 9, cả nước đã thu hoạch 1,8 triệu ha lúa hè thu, đạt 76,3% diện tích gieo cấy với năng suất ước tính đạt 47,8 tạ/ha và sản lượng đạt 11,3 triệu tấn (so với vụ hè thu năm trước năng suất tăng 1,8 tạ/ha, sản lượng tăng 1,13 triệu tấn), trong đó đồng bằng sông Cửu Long 9,2 triệu tấn (tăng 86,1 vạn tấn). Tính chung sản lượng lúa đông xuân và hè thu năm nay ước tính đạt 29,6 triệu tấn, tăng 2,4 triệu tấn so với năm trước. Hiện nay, cả nước đã cơ bản kết thúc gieo cấy lúa mùa, diện tích gieo trồng ước tính đạt 2004 nghìn ha, giảm 3,3 nghìn ha so với vụ mùa trước chủ yếu do mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ làm một số diện tích gieo cấy bị hỏng.

Nếu những tháng cuối năm, vụ mùa không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và sâu bệnh thì sản lượng có thể đạt gần 9 triệu tấn và sản lượng lúa cả năm ước tính đạt 38,6 triệu tấn, tăng 2,6 triệu tấn so với năm 2007. Do sản lượng lúa tăng cao nên mặc dù các ngân hàng và các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đã thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ đẩy mạnh thu mua lúa cho nông dân nhưng lúa hàng hoá vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn tồn đọng lớn.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và rét đậm, rét hại đầu năm ở nhiều địa phương phía Bắc nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và triển khai kịp thời công tác khắc phục hậu quả trong phòng chống dịch nên chăn nuôi vẫn duy trì được xu hướng phát triển. Đàn trâu cả nước không giảm; đàn bò tăng 3-4%; đàn lợn tăng 1%; đàn gia cầm tăng 6-7%. Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản đã được khống chế. Tính đến ngày 23/9/2008, trong cả nước chỉ còn tỉnh Bến Tre có dịch cúm gia cầm; tỉnh Hà Tĩnh có dịch lở mồm long móng và tỉnh Cà Mau có dịch bệnh tai xanh chưa qua 21 ngày. Tuy nhiên, hiện nay hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ tại các hộ gia đình còn phổ biến nên cần đề phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm tái bùng phát.

Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng tập trung 9 tháng ước tính đạt 150,3 nghìn ha, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 165,1 triệu cây, giảm 0,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 2435,3 nghìn m3, tăng 4,3%. Công tác bảo vệ rừng tiếp tục được tăng cường, các dự án khuyến nông, lâm theo các Chương trình quốc gia được triển khai và thực hiện tốt tại các địa phương nên hiện tượng cháy rừng và chặt phá rừng 9 tháng đã giảm nhiều. Trong 9 tháng, cả nước có 2417,8 ha rừng bị thiệt hại, bằng 44,3% cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy 1033,6 ha, bằng 24,3% cùng kỳ năm trước.

Thủy sản

Sản lượng thủy sản 9 tháng ước tính đạt 3408,5 nghìn tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: nuôi trồng 1828,5 nghìn tấn, tăng 20,9%; khai thác 1580 nghìn tấn, tăng 0,1%. Sản lượng thuỷ sản 9 tháng tăng chủ yếu là do những tháng đầu năm giá các loại thuỷ sản nói chung và giá cá tra, cá ba sa tăng cao đã khuyến khích ngư dân nhiều địa phương mở rộng diện tích nuôi và đẩy mạnh đầu tư thâm canh. Tại thời điểm cuối tháng 6/2008 diện tích nuôi cá tra của An Giang đạt 1400 ha, tăng 20,6% so với thời điểm cuối năm 2007; Cần Thơ 1200 ha, tăng 22,1%; Vĩnh Long 450 ha, tăng 13,2%; Bến Tre trên 360 ha, gấp 5 lần. Do phát triển ồ ạt và tự phát nên những tháng vừa qua sản lượng cá tra đến kỳ thu hoạch tăng đột biến, tồn đọng lớn. Vừa qua Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo ngân hàng cho các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản vay vốn với lãi suất thấp để thu mua cá tra cho các hộ. Tuy đến nay lượng cá tra tồn đọng ở các địa phương đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đã được giải quyết nhưng sẽ ảnh hưởng lớn đến sản lượng thuỷ sản những tháng cuối năm vì nhiều hộ đã thu hẹp diện tích nuôi trồng.





Nguồn: Thông tin thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường