Với kết luận này, nhiều người cho rằng các ngành chức năng đã không quản lý chặt giá sữa, để các hãng sữa ngoại tùy tiện nâng giá, móc túi người tiêu dùng. Rồi họ trách người tiêu dùng sính hàng ngoại, không dùng các sản phẩm sữa bột sản xuất trong nước “có chất lượng tương đương” nên sữa ngoại được dịp tăng giá. Ý kiến khác cho rằng người tiêu dùng không có lỗi, lỗi ở các cơ quan chức năng không kiểm soát nội dung quảng cáo, khiến người tiêu dùng tin vào lời quảng cáo tuyệt vời của sữa ngoại, để rồi mua sữa bất chấp giá cả.
Lại có người khẳng định “tiền nào của nấy”, sữa đắt tiền thì chất lượng cũng tương ứng… Vậy nên nhìn nhận vấn đề như thế nào? Sữa giá cao chất lượng có cao tương xứng không và có nên chỉ lên án chuyện sữa ngoại giá cao?
Tìm lời giải cho những câu hỏi không đơn giản này, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần đã tổ chức một cuộc tọa đàm tại Press Café, với thành phần khách mời khá đa dạng. Đại diện các hãng sữa có bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk và ông Trần Quốc Huân, Giám đốc Thương mại Công ty Dutch Lady Việt Nam. Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Liên Hiệp HTX Thương mại TP.HCM - Saigon Co.op đại diện cho một đơn vị trực tiếp phân phối, bán lẻ sữa ra thị trường.
TS. BS Trần Thị Minh Hạnh đến từ Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM. Bác sĩ Nguyễn Lân Đính, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, đến với tọa đàm trong vai trò ủy viên Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM. Ông Huỳnh Bửu Sơn là chuyên gia kinh tế của báo DNSGCT và nữ doanh nhân Phạm Thị Mỹ Lệ, Tổng Giám đốc Công ty Giải pháp Nguồn nhân lực L&A, sẽ vào vai một người tiêu dùng các mặt hàng sữa.
Sự thống lĩnh thị trường của sữa ngoại
|
Nhiều loại sữa ở VN giá cao hơn các nước trong khu vực - Ảnh: Thanh Đạm/Tuổi Trẻ |
Có lẽ chuyện giá sữa ngoại (nhập khẩu) của một số hãng danh tiếng có cao hơn gấp nhiều lần sữa nội (sản xuất trong nước) cũng chẳng được nhiều người quan tâm nếu các loại sữa ngoại này không thống lĩnh thị trường và đa số người dân (ở thành thị) cho rằng sữa bột là không thể thiếu đối với trẻ nhỏ.
Hệ thống siêu thị Co.opMart là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, nên những số liệu về thị phần sữa bột của hệ thống này cũng có thể phản ánh được thị trường nói chung. Bà Bùi Hạnh Thu cho biết năm 2007, tỷ lệ thị phần các loại sữa bột dành cho trẻ em nhập khẩu là 75%, sữa bột sản xuất trong nước là 25%. Sang năm 2008, tỷ lệ này là 72% - 28%. Sáu tháng đầu năm 2009, đã có một sự dịch chuyển mạnh, tỷ lệ là 60% - 40%.
Trong số những nguyên nhân tạo nên sự chuyển dịch này, theo bà Thu, phải kể đến một chương trình chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng do hệ thống Co.opMart chủ động thực hiện. Bà cho biết: “Cách đây chừng 4-5 tháng, giữa lúc kinh tế nước ta đang rất khó khăn, người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng thì một số đại gia sữa ngoại dẫn đầu thị trường thông báo sẽ tăng giá các loại sữa bột nhập khẩu với mức tăng từ 4-15%.
Trước tình hình đó, chúng tôi đã mời hai nhà sản xuất lớn trong nước (Vinamilk, Dutch Lady) và nhà phân phối sữa nhập khẩu Dumex tham gia một cam kết cùng với Co.opMart không tăng giá sữa trong năm 2009. Song song đó, Saigon Co.op đã ưu tiên diện tích trưng bày cho ba nhà cung cấp thực hiện cam kết, tổ chức họp báo, công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, căng băng-rôn cam kết bình ổn giá sữa trước cổng siêu thị.
Nhờ sự cam kết này, niềm tin của người tiêu dùng dành cho những nhãn hiệu tham gia chương trình tăng rất cao, doanh số của các hãng sữa bán tăng giá bị giảm đáng kể. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, các loại sữa ngoại vẫn đang chi phối thị trường”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết với sản phẩm sữa bột, Vinamilk xác định chất lượng là tiêu chuẩn sống còn, nên luôn chú ý đến vấn đề công nghệ và nguyên liệu phải là loại tốt nhất có thể, như gần đây là bổ sung sữa non tăng cường kháng thể cho trẻ vào sữa bột. Vinamilk còn kết hợp với Viện Dinh dưỡng Quốc gia nghiên cứu thể trạng của trẻ em Việt Nam để đưa ra những loại sữa phù hợp, và những kết quả thực nghiệm cho thấy sữa bột của Vinamilk rất phù hợp với trẻ em Việt Nam.
Dù đã cố gắng như vậy và Vinamilk luôn được nhắc đến như một công ty sữa hàng đầu Việt Nam, nhưng theo bà Hòa “Vinamilk chỉ chiếm hơn 10% thị phần sữa bột cho trẻ em, hằng năm tiêu thụ khoảng 11.500 tấn, số còn lại (khoảng 14.500 tấn) được dành cho xuất khẩu, trong đó có những thị trường rất khó tính”.
Giá sữa bột cho trẻ cao vì đâu?
| |
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Vinamilk chỉ chiếm hơn 10% thị phần sữa bột cho trẻ em | Ông Trần Quốc Huân: Không phải người dân chỉ uống sữa đắt tiền |
Bà Hòa cho biết thêm là sữa bột của Vinamilk chủ yếu sử dụng nguyên liệu ngoại nhập, do sữa từ đàn bò nuôi mới cung cấp khoảng 20% nhu cầu sữa nguyên liệu. Công nghệ sản xuất sữa bột của Vinamilk mới được nhập từ các nước tiên tiến. Là một công ty lớn nên Vinamilk dễ dàng đàm phán để mua được nguyên liệu với giá cạnh tranh, cộng thêm với việc tiết kiệm để giảm giá thành, nên từ nhiều năm qua công ty luôn đưa ra được mức giá bán hợp lý.
Ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất cũng là một nguyên nhân đẩy giá thành sữa lên cao. Với Dutch Lady, bên cạnh nhãn hàng Cô gái Hà Lan dành cho số đông, công ty còn có nhãn hiệu cao cấp Friso, luôn được ứng dụng những thành tựu khoa học dinh dưỡng mới nhất. Như để bổ sung vi khuẩn sống (probiotic) có lợi cho đường ruột vào sữa Friso, người ta phải áp dụng phương pháp làm lạnh dần dần cho vi khuẩn “ngủ” để trộn vào sữa. Khi pha sữa vào nước ấm, vi khuẩn này sẽ phát huy tác dụng trở lại.
Ông Trần Quốc Huân kể một câu chuyện thật 100% về giai đoạn “hậu sản xuất” loại sữa cao cấp này: “Đến ngày dự định tung ra thị trường, chúng tôi được tin báo lô hàng không vượt qua được khâu kiểm tra, vì nhiễm khuẩn! Toàn bộ ban giám đốc đến ngay nhà máy để rà soát quy trình sản xuất, máy móc thiết bị. Cuối cùng, mới phát hiện vì sản phẩm có vi khuẩn sống nên kiểm tra cho ra kết quả nhiễm khuẩn là đúng rồi! Chúng tôi phải cài đặt hệ thống kiểm tra sao cho máy “nhận ra” con vi khuẩn này là có lợi, cho qua, chỉ ách lại những con vi khuẩn khác. Như vậy, để tung một sản phẩm cao cấp ra thị trường không hề đơn giản”.
Là thành viên Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bác sĩ Nguyễn Lân Đính đặt câu hỏi: “Nguyên liệu để sản xuất sữa bột là sữa nguyên liệu nhập ngoại. Tôi vẫn thường mua loại sữa nguyên liệu này để dùng nên biết rõ giá sữa nguyên liệu đang giảm mạnh so với cách đây nửa năm. Vậy vì sao giá sữa bột vẫn tăng?”.
Ông Huân trả lời rằng nếu chỉ tính giá trong ngắn hạn sẽ không phản ánh được vấn đề: “Năm 2006-2007, ngành sữa khủng hoảng thiếu nguyên liệu, bột sữa nguyên liệu tăng giá gấp đôi so với trước. Năm 2008, lạm phát của nước ta lên đến 22%. Cộng cả hai yếu tố đó, không hãng sữa nào có thể giữ nguyên giá bán sữa thành phẩm được.
Vậy nhưng chúng tôi quyết định chỉ tăng giá Friso lên 20%, sữa Cô gái Hà Lan lên 10%, vì vẫn còn nguyên liệu giá rẻ tồn kho và dự báo rằng giá sữa nguyên liệu sẽ giảm trở lại. Sữa Friso tuy đắt nhưng loại sữa này ở phân khúc cao cấp, với lượng bán ra chỉ bằng 1/10 sữa Cô gái Hà Lan. Xét trên mặt bằng thu nhập chung, giá sữa Cô gái Hà Lan - sản phẩm chủ lực của chúng tôi - là phù hợp với số đông”.
Chọn sữa chủ yếu vì…quảng cáo? Câu chuyện của một người tiêu dùng
| |
Bác sĩ Nguyễn Lân Đính: Giá sữa nguyên liệu đang giảm mạnh, vì sao giá sữa bột vẫn tăng? | Ông Huỳnh Bửu Sơn: Can thiệp từ phía Nhà nước chỉ là công cụ thuế, kiểm soát chất lượng và tạo sự cạnh tranh công bằng |
Bác sĩ Nguyễn Lân Đính cho rằng chúng ta đang bị bao vây bởi quảng cáo của các hãng sữa lớn. Từ lâu Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo không được quảng cáo các sản phẩm thay thế cho sữa mẹ. Các bệnh viện phụ sản và nhi đồng phải hỗ trợ quảng bá cho sữa mẹ, không được quảng bá cho sữa bột.
Thế nhưng ngay tại phòng truyền thông một bệnh viện phụ sản hàng đầu của TP.HCM, đập vào mắt là hình ảnh nhà tài trợ - một đại gia sữa ngoại. Đó là chưa kể đến những quảng cáo trên truyền hình, những cuộc thi bé khỏe bé ngoan được các hãng sữa tài trợ...
Chính vì những điều đó, theo bà Thanh Hòa, người tiêu dùng có tâm lý cho rằng sữa đắt mới là sữa tốt, nên giá cao mấy cũng mua. “Lỗi không chỉ ở phía người tiêu dùng - bà Hạnh Thu không đồng ý - bởi nghe điều gì đó lặp đi lặp lại thì dần dần sẽ đi vào nhận thức. Đó là chưa kể ai cũng muốn mua sữa tốt nhất có thể cho con”.
Vụ sữa Trung Quốc bị nhiễm melamine cách đây không lâu, theo ông Huỳnh Bửu Sơn, cũng đánh mạnh vào tâm lý tìm sự an toàn của người tiêu dùng. Thà mua cho con mình một lon sữa 500 ngàn đồng mà biết chắc rằng tốt, còn hơn mua một lon sữa 200 ngàn đồng mà không an tâm. Nghĩa là hãng sữa nào khiến người tiêu dùng tin rằng sữa của họ an toàn sẽ được ưu tiên chọn lựa.
Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh tán đồng và cho biết đa phần người tiêu dùng không hề biết nên chọn loại sữa nào phù hợp cho con mình: “Mỗi hãng sữa có một cách tiếp cận, quảng cáo, nào là thông minh, cao lớn… Ai không muốn trong tương lai con mình sẽ thông minh và cao lớn? Khi tư vấn cho các bà mẹ, chúng tôi không nói nên dùng một loại sữa cụ thể nào, chỉ là chọn một trong những loại sữa tương ứng với tháng tuổi của trẻ, có khẩu vị được trẻ chấp nhận và quan trọng là đủ khả năng mua lâu dài, chứ đừng gắng mua một vài lon rồi chuyển sang sữa khác hoặc ngưng luôn”.
|
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ: Nếu người tiêu dùng có điều kiện, cứ để họ có quyền lựa chọn hàng cao cấp |
Cũng có không ít người không phải băn khoăn về giá cả khi mua sữa, mà chỉ muốn điều tốt nhất cho con. Bà Phạm Thị Mỹ Lệ chia sẻ câu chuyện của mình: “Con tôi từ lúc mới sinh đã không thích bú sữa mẹ, chỉ chịu bú khi quá đói và lưng lửng rồi là thôi, nên tôi phải cho cháu uống thêm sữa bột. Trong việc chọn sữa, theo tôi, đổ lỗi cho người tiêu dùng là không đúng, bởi họ như bị bao vây trong vòng quảng bá của các hãng sữa.Từ khi có bầu, tôi đã được họ mời tham dự những buổi hội thảo, nói sữa của họ tốt như thế nào. Rồi khi tôi sinh con, họ gửi quà tặng, khuyến mãi…, dần dần cũng “thấm” thôi. Tôi không sính ngoại theo kiểu “ngoại tốt hơn nội”, nhưng khi bị bao vây trong sự “tốt hơn” đó, thật khó để không bị ảnh hưởng.
Mua sữa bình thường, dù tiết kiệm được vài trăm ngàn đồng một lon so với sữa mắc tiền thật, nhưng tôi vẫn chọn sữa mắc và coi đó như một loại “chi phí xa xỉ”. Chỉ cần con mình thêm được một chút “tốt hơn” như quảng cáo là đã cảm thấy hài lòng. Nhưng phải tính đến một thực tế là trẻ có chịu uống sữa mình chọn hay không nữa.
Lon đầu tiên con tôi uống là của hãng A., nhưng chưa được nửa lon đã phải bỏ vì cháu bị bón. Chuyển qua sữa của hãng M., vì khi có bầu tôi đã dùng sữa dành cho bà mẹ của hãng này nên hy vọng sẽ thích hợp, nhưng cũng chỉ vài ngày thì phải ngưng, vì cháu vẫn bị bón. Đến khi dùng sữa của công ty D. có chất tảo trộn vào sữa cho tăng chất xơ, mới được. Khi con tôi gần hai tuổi, tự cháu đòi chuyển qua uống sữa… Vinamilk, do cháu rất thích mẫu quảng cáo “trăm phần trăm” của hãng”.
Chọn sữa phù hợp trong mối tương quan chất lượng - giá cả
Vậy câu “tiền nào của nấy” có đúng với trường hợp sữa bột cho trẻ không? Theo bác sĩ Minh Hạnh, đối với trẻ nhỏ sữa mẹ là tốt hơn cả, còn các loại sữa công thức khác, về cơ bản, đều có mức năng lượng, hàm lượng protein, lipid, vitamin, chất khoáng được bổ sung hoặc điều chỉnh gần giống với sữa mẹ và đảm bảo cho sự phát triển của trẻ.
Đa số các loại sữa cho trẻ nhỏ đều có bổ sung các chất thiết yếu như DHA, ARA (giúp phát triển trí não ở trẻ). Một số công ty sữa còn bổ sung thêm các thành phần khác như chất xơ, vi khuẩn có lợi cho đường ruột, hoặc một vài vi chất không bắt buộc khác để tạo nên nét đặc trưng của loại sữa thuộc công ty mình.
Tuy nhiên, những chất bổ sung thêm này đối với trẻ trên sáu tháng nếu có được thì tốt mà không có cũng không đến nỗi ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ vì vẫn có thể bổ sung qua thức ăn. Nếu điều kiện kinh tế không cho phép mà vẫn chọn sữa mắc tiền do nghe quảng cáo trong sữa được bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng là không nên. Nếu được bác sĩ tư vấn, có lẽ họ đã không bị lệ thuộc vào các loại sữa đắt tiền.
Bác sĩ thẳng thắn: “Là một người tiêu dùng, tôi không chọn mua những loại sữa giá cao, không phải vì tiếc tiền mà vì tôi vẫn có thể bổ sung cho con tôi những chất còn thiếu trong sữa bột qua thức ăn hằng ngày”.
Bác sĩ Minh Hạnh nhấn mạnh, nếu trẻ dưới sáu tháng vì lý do nào đó không thể bú sữa mẹ thì mới cần phải uống loại sữa tốt nhất, đầy đủ dưỡng chất nhất có thể, đặc biệt là những chất phát triển trí não, vì sữa khi ấy là nguồn dinh dưỡng duy nhất của trẻ. Với trẻ hơn sáu tháng tuổi, chúng ta có thể bổ sung thêm dưỡng chất từ thịt, cá, rau, các loại thực phẩm khác trong các bữa ăn để giúp trẻ có được dinh dưỡng đầy đủ. Khi ấy, sữa công thức là một nguồn dinh dưỡng cần thiết bên cạnh các bữa ăn dặm chứ không phải là “nguồn dinh dưỡng duy nhất”.
Trẻ trên một tuổi đã có thể uống được sữa tươi vì trẻ đã có khả năng tiêu hóa và hấp thu các dưỡng chất từ sữa này. “Không thể phủ nhận sữa bột được bổ sung thêm dưỡng chất vẫn rất tốt đối với trẻ. Tuy nhiên, một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cũng có thể bù đắp những dưỡng chất còn thiếu từ sữa tươi không được bổ sung thêm dưỡng chất như trong sữa bột - bác sĩ Minh Hạnh lưu ý.
Như trường hợp của chị Mỹ Lệ, do có khả năng tài chính nên có thể mua bất cứ loại sữa nào. Còn khi phải cân nhắc giữa hai loại sữa giá trung bình với sữa mắc tiền vì được bổ sung thêm vài dưỡng chất nào đó, theo tôi nếu mắc hơn một chút thì chấp nhận được, còn mắc hơn nhiều lần thì không nên”.
Giá cả phải theo quy luật thị trường
| |
Bà Bùi Hạnh Thu: Lỗi không chỉ ở phía người tiêu dùng, bởi nghe điều gì đó lặp đi lặp lại thì dần dần sẽ đi vào nhận thức | TS. BS Trần Thị Minh Hạnh: Nên hạn chế tối đa việc quảng cáo các sản phẩm thay thế cho sữa mẹ |
Nhìn chung, dư luận khi đề cập đến chuyện sữa ngoại giá quá cao đều cho rằng cần phải có sự can thiệp từ phía Nhà nước. Bà Bùi Hạnh Thu cho biết Saigon Co.op đã có những văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền phải xem sữa bột cho trẻ em là mặt hàng cần có sự quản lý của Nhà nước, phải được kiểm soát về giá và được bình ổn giá.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Bửu Sơn không tán thành. Ông cho rằng người tiêu dùng có quyền quyết định khi chọn mua sữa: “Những người bỏ tiền ra mua sữa mắc tiền không than phiền gì đâu, nếu than phiền thì họ đã quyết định bằng hành động, nghĩa là mua sữa rẻ hơn. Bỏ tiền ra mua sữa tốt cho con, họ sẽ rất vui. Trong kinh tế, có một nguyên tắc gọi là khả năng đài thọ. Người ta có khả năng mua được thì mới bỏ tiền mua, ra quyết định từ chính túi tiền của mình. Thử hỏi những loại sữa mắc tiền này đưa về vùng sâu, vùng xa liệu có bán được không?
Giá mỗi loại sữa được quyết định tùy vào chất lượng và năng lực tiếp thị sản phẩm của mỗi công ty. Nếu họ định giá quá cao thì sẽ không ai mua sữa của họ. Can thiệp từ phía Nhà nước chỉ là công cụ thuế, kiểm soát chất lượng và tạo sự cạnh tranh công bằng, chứ làm sao có thể bảo họ: Anh không được bán với giá đó!”.
Ông Trần Quốc Huân đồng tình: “Anh Sơn nói đúng, vì giá bán còn phản ánh vị trí trên thị trường của hãng đó nữa, ai là người dẫn đầu thị trường (leader) thì có ưu thế để quyết định giá. Điều này cũng giải thích phần nào sự khác biệt giá sữa của cùng một nhãn hiệu tại nhiều nước khác nhau. Ví dụ ở Malaysia thì D. là leader, ở Hồng Kông là M., ở Indonesia là N., còn ở Việt Nam thì A. là leader.
Ở các thị trường khác A. không phải muốn bán với giá thế nào cũng được, mà phải “nhìn” leader của thị trường đó; còn ở Việt Nam, A. bỏ xa người thứ hai, nên họ có ưu thế để quyết định giá. Tuy nhiên, tôi cũng nêu một góc nhìn khác về thị phần. Số liệu của AC Nielsen, hay ở chỗ chị Thu, chị Hòa về thị phần sữa ở Việt Nam là thị phần giá trị, nếu tính về thị phần số lượng lon sữa bán ra, tôi tin chắc rằng Vinamilk cộng với Dutch Lady, Nutifood và Hancofood phải chiếm đến 50%, nghĩa là không phải người dân chỉ uống sữa đắt tiền đâu”.
Đồng ý với những lập luận trên, bà Bùi Hạnh Thu cho biết mình rất vui khi thấy càng lúc sản phẩm nội địa càng được tiêu thụ mạnh: “Giá sữa nội rẻ hơn sữa ngoại từ 1,6-2 lần, vì vậy giá trị chiếm 40% thì số lượng tiêu thụ phải hơn 60%. Đúng là trong xã hội có nhiều thành phần với những mức thu nhập khác nhau, chuyện yêu cầu người ta dùng sữa này, không dùng sữa kia là phi lý, nhưng vẫn phải thấy rằng các chiến dịch truyền thông, quảng bá của các hãng sữa ngoại quá tuyệt, các nhà sản xuất trong nước nên học hỏi”.
Ông Sơn nhận xét rằng số liệu bà Thu vừa đưa ra chứng tỏ đông đảo người tiêu dùng vẫn mua hàng trong nước có giá vừa phải, có thiếu chút đỉnh chất thì bổ sung qua thức ăn như bác sĩ Minh Hạnh tư vấn. Ông nói: “Dưới góc độ kinh tế, nên xem chuyện giá cả cao thấp là bình thường và nếu đặt vấn đề là quảng bá thì các công ty sữa nội hãy quảng bá mạnh hơn, tăng cường công nghệ mạnh hơn. Thời đại toàn cầu hóa, nếu có công nghệ tốt và quảng bá tốt thì anh không những chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Chứ nếu quá đặt nặng vấn đề giá cả, không chừng sẽ tạo thêm bức xúc không đáng có cho xã hội”.
Theo bà Mỹ Lệ, chuyện xã hội có bức xúc về giá sữa cao cũng hợp lý vì nước ta còn nghèo, nhưng đồng ý với ông Sơn là nếu Nhà nước sử dụng các biện pháp quản lý mạnh thì lại không được. Bà đưa ra ý kiến: “Theo tôi, có lẽ việc quản lý chỉ dừng ở mức “bottom line”, nghĩa là làm sao cho đại đa số dân chúng vẫn có sữa giá chấp nhận được để mua. Còn nếu người tiêu dùng có điều kiện thì cứ để họ có quyền lựa chọn hàng cao cấp”.
Hạn chế quảng cáo sữa bột. Quảng bá cho sữa mẹ và nâng cao hiểu biết cho người tiêu dùng
Bác sĩ Minh Hạnh nhắc nhở rằng chúng ta gần như không hề quảng bá cho sữa mẹ, chính vì vậy nên nhiều bà mẹ cho con dùng sữa bột từ rất nhỏ. Nếu quảng bá tốt, hướng dẫn các bà mẹ cho con bú sữa mẹ, thì sự lệ thuộc vào sữa bột sẽ giảm đi. Cũng có một thực tế là nhiều bà mẹ không đủ sữa cho con bú do nguyên nhân là stress, nên phải sử dụng sữa bột cho con.
Bà đặt vấn đề: “Chúng ta nên hạn chế tối đa việc quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng các sản phẩm thay thế cho sữa mẹ. Câu “Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ” trong các mẫu quảng cáo được đọc rất nhanh, hầu như không nghe thấy, rồi sau đó ca ngợi công dụng của sữa bột, nào là cao lớn, thông minh…”.
Ông Trần Quốc Huân đồng tình, cho rằng kể cả những đoạn phỏng vấn “em tên…, con em tám tháng tuổi, trước con em uống sữa này, giờ sữa đắt quá chuyển sang uống sữa kia…” trên truyền hình, có ý khuyến khích người dân dùng sữa nội giá vừa phải, cũng phạm vào chuyện bảo vệ và khuyến khích trẻ bú sữa mẹ, vì tám tháng tuổi không cần cho uống sữa công thức, trừ trường hợp trẻ không bú được sữa mẹ. Ông Huân đề nghị Nhà nước siết chặt hơn nữa việc thực hiện nghị định 21/2006/NĐ-CP về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, song song với việc quảng bá mạnh cho toàn dân biết nên cho trẻ bú sữa mẹ.
Các khách mời đều thống nhất rằng, làm sao để người dân hiểu biết đúng và đủ, từ việc nên cho con bú sữa mẹ, những chất thiết yếu nào nên có và đã có trong các loại sữa bột, những chất nào chỉ là “cộng thêm” không quan trọng, có thể bổ sung qua thức ăn, thì sau đó chuyện người dân chọn mua sữa nào là tùy vào khả năng và các hãng sữa phải định mức giá thế nào để bán được hàng sẽ diễn ra một cách tự nhiên.
Bác sĩ Nguyễn Lân Đính trong lần “trở về” vai trò bác sĩ dinh dưỡng đã tâm sự: “Chúng tôi thường được các công ty sữa mời tham gia các chương trình truyền thông để nói về sản phẩm của họ. Những lúc như vậy tôi rất thận trọng, chỉ nói đúng những gì sữa ấy có, ai nên dùng, ai không nên dùng... Tôi nghĩ vai trò của người bác sĩ dinh dưỡng nói riêng, các cơ quan truyền thông và những người có trách nhiệm nói chung, là rất cần thiết, giúp mọi người hiểu đúng về các loại sữa để có quyết định phù hợp”. Đó cũng chính là điều mà các khách mời của cuộc tọa đàm này mong muốn hướng đến.
(Theo LY LAM
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)