Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sữa ngoại phân bua chuyện bán giá cao
03 | 07 | 2009
Lần đầu tiên sữa ngoại lên tiếng giải thích về những "cáo buộc" cho rằng giá ở Việt Nam đang đắt nhất nhì thế giới. Thậm chí đại diện Mead Johnson còn so sánh ly sữa đầy đủ dinh dưỡng rẻ hơn tô phở ở Hà Nội hay TP HCM.

Mới đây TP HCM đã lập đoàn kiểm tra liên ngành về 7 đơn vị kinh doanh, phân phối sữa trên địa bàn thành phố. Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy, hầu hết nhà kinh doanh sữa nhập khẩu đều bán sản phẩm với giá cao gấp 2-3 lần so với giá vốn (bao gồm chi phí nguyên liệu, nhập khẩu, bán hàng...).

Cụ thể, sữa Enfagrow A+ loại 900g giá bán ra cho công ty phân phối tăng hơn 76% so với giá vốn và giá mà công ty nhập khẩu đề nghị bán cho người tiêu dùng tăng trên 143%.

Tương tự mã hàng sữa Enfamama A+ loại 400g giá bán cho nhà phân phối tăng trên 78% so với giá vốn, còn giá mà đơn vị nhập khẩu đề nghị bán cho người tiêu dùng tăng 146%... Căn cứ vào các số liệu, giá sữa của Mead Johnson cao hơn hai lần so với giá vốn.

Kết quả kiểm tra những chi phí trong quý 4/2008 của các hãng sữa cũng cho thấy, giá vốn chiếm trên 62% giá sữa trên thị trường, còn lại chi phí quảng cáo, khuyến mãi... Đến quý 1 năm nay, giá vốn đã tăng cao hơn, chiếm hơn 70%, còn lại là những chi phí khác.

Tổng giám đốc Công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam Mark Hely chiều 1/7 đã bày tỏ bức xúc và khẳng định, thông tin trên là sai lệch và không phản ánh đúng thực tế. Bởi những số liệu lợi nhuận của công ty như báo cáo đã không phản ảnh toàn bộ chi phí mà Mead Johnson phải chi trả khi kinh doanh tại Việt Nam như hoạt động, phân phối (nhà xưởng, vận chuyển...), quảng cáo và đặc biệt là các loại thuế: VAT, thu nhập doanh nghiệp... "Tất cả loại thuế này làm giảm đáng kể lợi nhuận", ông nhấn mạnh. Chưa kể còn có các đầu tư cho đào tạo huấn luyện nghề nghiệp, nghiên cứu phát triển sản phẩm dinh dưỡng...

Tổng Giám đốc Mead Johnson cũng phủ nhận kết luận rằng chi phí quảng cáo của hãng chiếm 54% tổng chi phí khiến giá đội lên cao. Ông dẫn nguồn từ nghiên cứu của một công ty nghiên cứu thị trường có tiếng tại TP HCM, trên thực tế các số liệu cho thấy những công ty Việt Nam cũng chi tiêu cho quảng cáo không kém gì đồng nghiệp nước ngoài, đặc biệt là khi có các chiến dịch tung sản phẩm mới.

Một trong những lý do khiến thông tin ban đầu của đoàn kiểm tra liên ngành chưa chính xác, theo ông Mark Hely, là đã dựa vào việc so sánh giá mua và giá bán ở hai thời điểm khác nhau, cách nhau đến 10 tháng. Ông Mark Hely khẳng định: "Chi phí một ly sữa chất lượng cao và đầy đủ dinh dưỡng hợp lý khoảng 16.000 đồng, thấp hơn giá một tô phở ở TP HCM và Hà Nội".

Cùng trọng lượng 400g, giá các nhãn hiệu sữa bột dành cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi có sự chênh lệch lớn. Nhãn hiệu Dielac Alpha (Công ty Vinamilk) chỉ có giá 60.000 đồng một hộp, Cô gái Hà Lan (Dutch Lady Việt Nam) giá 60.000 đồng một hộp; trong khi sữa ngoại Enfagrow (của Mead Johnson) và Gain Advance (hãng Abbott) có giá đến 135.000-149.000 đồng/hộp. 

Khảo sát của VnExpress.net trên thị trường ngày 2/7, dù giá sữa ngoại cao gấp 2-3 lần sữa sản xuất trong nước nhưng người tiêu dùng vẫn có xu hướng ưa chuộng sữa ngoại với nhiều lý do.

Chị Lưu Thị Vân Yên (quận Bình Thạnh, TP HCM) chia sẻ: “Cu tí nhà tôi đã hơn một tuổi, từ trước tới giờ chỉ cho bé uống toàn sữa ngoại. Vợ chồng cũng không khá giả gì, lúc đầu định cho bé uống sữa trong nước, nhưng bé lại không hợp khẩu vị, thường nôn ọe và thỉnh thoảng đau bụng. Trong khi uống sữa ngoại bé lại không bị gì lại rất thích uống. Thế là tôi quyết định chuyển hẳn qua dùng sữa ngoại, tuy hơi đắt nhưng lại thấy an tâm”.

Còn chị Xuân Hương ở quận Bình Tân thì bộc bạch, đã nghe nhiều ý kiến về chất lượng sữa nội và sữa ngoại tương đương nhau nhưng giá cả lại chênh lệch lớn khiến đôi khi chị thấy băn khoăn và do dự, định mua sữa được sản xuất trong nước cho con. Nhưng đến khi bước vào quầy hàng, không hiểu sao vẫn cứ quyết định chọn mua hộp sữa ngoại. "Có lẽ do tâm lý 'tiền nào của nấy' đã ăn sâu vào tâm trí rồi, nên rất khó thay đổi", chị Hương nói.

Ghi nhận tại một số cửa hàng sữa ở TP HCM, những ngày qua giá sữa ngoại quá cao không làm giảm đi sức mua hàng ngoại trên thị trường mặc dù nhiều khách hàng phần nào bị tác động đến tâm lý khi lựa chọn.

Chủ cửa hàng thương mại Bàn Cờ, quận 3, cho biết: “Mấy ngày gần đây, lượng tiêu thụ sữa ngoại của cửa hàng vẫn bình thường, chỉ khác một điều là khách hàng có vẻ hơi dè dặt trước khi quyết định mua”. Còn tại tạp hóa Anh Thư trên đường 3/2, quận 10, sức mua sữa ngoại có phần bị giảm đôi chút. Chị Thư, chủ tiệm cho hay, bình quân mỗi ngày bán khoảng 13-18 hộp sữa ngoại thì nay hầu như không tiêu thụ hết 12 hộp.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Đỗ Ngọc Chính, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng cho rằng, hiện nay để tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng về giá cũng như chất lượng sữa ngoại, các cơ quan chức năng nên tiến hành kiểm tra thành phần dinh dưỡng của sữa ngoại bằng các xét nghiệm và nghiên cứu khoa học. Đó là căn cứ để kết luận có đúng là sữa ngoại có chứa các vi chất giúp trẻ phát triển trí não và chiều cao... như công bố hay không.

Đồng thời, ông Chính đề nghị cơ quan chức năng cũng cần xem xét nhãn hiệu sữa nào thực sự thống lĩnh thị trường không (nếu thị phần chiếm trên 30%) để vào cuộc bình ổn giá. Trước mắt UBND TP HCM đã gửi văn bản kiến nghị Chính phủ đưa mặt hàng sữa ngoại vào danh sách phải đăng ký giá; chỉ đạo Bộ Y tế công khai chất lượng sữa nội để người dân có cơ sở chọn lựa mua hàng.

"Người tiêu dùng phải hết sức tỉnh táo và nên tìm hiểu đầy đủ thông tin về thành phần các loại sữa trước khi quyết định mua để tránh rơi vào tình thế tiền mất tật mang", ông Chính khuyến cáo.



Nguồn: VnExpress.net
Báo cáo phân tích thị trường