Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mãi lực sữa nội tăng
30 | 06 | 2009
Kết quả kiểm tra sơ bộ của các cơ quan chức năng về giá sữa, cho thấy giá nhiều sản phẩm sữa ngoại nhập hiện nay cao hơn giá vốn 200% và cao hơn giá các sản phẩm sữa của các doanh nghiệp trong nước từ 2 đến 3 lần. Điều này đã khiến nhiều người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang dùng sữa nội.
Sữa ngoại: 1 vốn, 2 lời

Vừa qua, báo cáo sơ bộ của đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Tài chính, Cục Thuế TP, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ làm việc với các đơn vị sản xuất, kinh doanh sữa một lần nữa cho thấy người tiêu dùng sử dụng sữa bột ngoại nhập với giá quá cao.

Dù từ quý 4-2008 đến nay, giá sữa bột nguyên liệu nhập khẩu liên tục giảm. Tại Công ty cổ phần Đại Tân Việt, giá mua bán hầu hết các sản phẩm sữa bột nguyên liệu nhập khẩu trong quý 1-2009 đều thấp hơn quý 4-2008. Theo đó, sữa bột nguyên liệu Instant Wholemilk giá vốn trong năm 2008 là 50.761 đồng/kg nhưng trong quý 1-2009 chỉ còn 31.445 đồng/kg…

Tuy nhiên, trên thị trường TPHCM hiện nay giá hầu hết các loại sữa bột ngoại nhập đều cao hơn năm ngoái. Thậm chí mặc dù cùng một chủng loại và cùng trọng lượng nhưng giá bán các sản phẩm sữa bột ngoại nhập và của các công ty liên doanh bao giờ cũng cao hơn các sản phẩm sữa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Chọn mua sữa do một công ty sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: Đức Trí

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, tại các cửa hàng bách hóa trên đường Nguyễn Thông, quận 3, với các sản phẩm dành cho trẻ ở 4 - 6 tuổi, có cùng trọng lượng 900 gram nhưng Gain Plus Advance IQ 3 của Abbot giá 307.000 đồng/hộp; Enfa Grow 3 (của Mead Johnson) 293.500 đồng/hộp và Friso Gold 3 (của Dutch Lady) 315.000 đồng/hộp… Trong khi đó, hai sản phẩm trong nước là Dielac Anpha 3 của Vinamilk và Nuti IQ 3 của Nutifood giá chỉ ở mức 122.000 – 130.000 đồng/hộp.

Theo đoàn kiểm tra liên ngành, phần lớn các sản phẩm sữa bột ngoại nhập sở dĩ có giá cao là do chi phí bán hàng (định mức chiết khấu), chi phí quảng cáo quá cao. Cụ thể, tại Công ty TNHH Mead Johnson Việt Nam và Công ty TNHH Thông Thịnh (đơn vị nhập khẩu và phân phối sản phẩm sữa nhãn hiệu Dumex), chi phí quảng cáo, khuyến mãi và hội thảo… đều chiếm tỷ lệ rất cao so với quy định của Thông tư 134/2007/TT của Bộ Tài chính.

Không biết có phải vì lý do đó không mà giá nhiều sản phẩm của Mead Johnson đều cao gấp 2 đến 3 lần so với giá vốn: sản phẩm sữa Enfapro A+ loại 900 (của Mead Johnson) giá vốn là 130.338 đồng/hộp nhưng bán ra cho đơn vị phân phối lên đến 207.270 đồng/hộp và giá Mead Johnson đề nghị bán cho người tiêu dùng đến 286.364 đồng/hộp, tăng 210,7% so với giá vốn.

Càng bất hợp lý hơn khi trong số các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa cũng có không ít những đơn vị vẫn tìm cách để liên tục nâng giá bán. Đơn cử là trước khi có thông tin một số sản phẩm sữa có chứa melamine, một doanh nghiệp sữa đã tăng giá 10%, sau đó ngay trong thời điểm diễn ra biến động giá doanh nghiệp này lại tiếp tục tăng thêm 10%. Để hợp thức hóa giá bán, doanh nghiệp này đã thực hiện các chiêu quảng cáo rất kêu như tăng cường nhiều lần DHA, thay đổi bao bì mẫu mã…

        Sữa nội lên ngôi?

Chọn lựa loại sữa thích hợp cho sự phát triển của con em mình trước sự tăng giá đến chóng mặt của các sản phẩm sữa hiện nay quả là vấn đề nan giải cho các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, sau hàng loạt vấn đề về chất lượng vừa xảy ra như vụ sữa có melamine, sữa thiếu đạm… thì có khá nhiều doanh nghiệp trong nước đã tự hoàn thiện mình và đã tạo được uy tín với người tiêu dùng bằng chất lượng.

Và một điều dễ dàng nhận thấy là so với một số loại sữa ngoại nhập, các sản phẩm sữa trong nước hoàn toàn không thua kém mà giá lại rẻ hơn; đồng thời hầu hết các thương hiệu như Vinamilk, Nutifood, Hanco Food… đều đã áp dụng các tiêu chí quản lý chất lượng quốc tế như ISO, HACCP, GMP…

Đặc biệt, sau báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành về giá sữa ngoại đang cao bất hợp lý thì tại các hệ thống phân phối, các đại lý, người dân đã bắt đầu chuyển sang dùng sữa nội. Chiều 29-6, theo số liệu thống kê từ phòng kinh doanh của hệ thống CitiMart, trong 3 ngày gần đây doanh số hầu hết các loại sữa nội như Vinamilk, Nutifood, Hanco Food… đều tăng từ 3% - 5%.

Ngược lại, dù đang có chương trình khuyến mãi giảm giá 20.000 - 25.000 đồng/hộp nhưng sức mua các sản phẩm sữa bột của nhãn hiệu Mead Johnson lại giảm nhẹ so với đầu tuần trước…  



Nguồn: www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường