Lợi dụng biến động những yếu tố đầu vào, một loạt hãng sữa điều chỉnh tăng giá 10-18%. Theo các chuyên gia, mức tăng trên quá cao so với những biến động ở đầu vào.
Bước vào tháng 3, thị trường sữa bột lại đón nhận thêm những đơn hàng tăng giá mới từ 10-18%. Đây là mức điều chỉnh khá cao so với các chi phí đầu vào sau biến động tỉ giá và biến động chi phí xăng dầu, điện...
Tăng 80.000 đồng/hộp
Bà Hương, kinh doanh sữa trên đường Lê Văn Sĩ (Q.3, TP.HCM), cho biết tỉ lệ tăng giá chưa phản ánh được tác động như thế nào đối với người mua. Bởi cùng một tỉ lệ tăng nhưng bao giờ mức chênh lệch giữa giá cũ và giá mới của hãng sữa ngoại cũng cao hơn sữa trong nước.
Chẳng hạn theo thông báo của nhà phân phối, sữa Abbott tăng giá 5-17%, mỗi hộp sữa Ensure 900g giá cũ 474.000 đồng/hộp tăng lên 557.000 đồng/hộp, tăng hơn 80.000 đồng/hộp.
Mặc dù bảng báo giá được cho áp dụng từ ngày 1-3 nhưng từ giữa tháng 2, nhiều đại lý phản ảnh không nhập được hàng. Vì vậy, mặt bằng giá thực chất được thiết lập từ giữa tháng 2.
Nhìn lại những đợt tăng giá của các hãng sữa trong những năm gần đây dễ dàng thấy được chu kỳ tăng giá khá đều đặn. Như một quy luật hằng năm, cứ sau tết các hãng sữa lại có đợt điều chỉnh tăng giá.
Tuy nhiên năm nay, lý do được hợp thức hóa bởi sự điều chỉnh tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước. Giám đốc một công ty trong ngành thực phẩm chia sẻ lợi nhuận của các hãng sữa phải luôn đảm bảo từ 30% trở lên, trong khi các hãng sữa nội chỉ dừng ở mức 15-20%.
Với việc đặt ra áp lực này, các hãng sữa ngoại thà tăng giá chứ không thể giảm lợi nhuận.
Tăng 5-7% doanh nghiệp vẫn có lãi!
Theo ông Ngô Đức Bình - phó tổng giám đốc Công ty sữa và thực phẩm dinh dưỡng Humana VN, trong năm 2011 công ty cam kết không tăng giá các sản phẩm do hầu hết được nhập khẩu từ Đức, biến động tỉ giá đồng USD không ảnh hưởng nhiều đối với các công ty nhập khẩu sữa từ châu Âu.
Vì vậy, nếu lấy lý do tỉ giá tăng để tăng thêm 10-17% như hiện nay của các hãng sữa ngoại là quá cao và thiếu sự chia sẻ đối với người tiêu dùng. Nhiều chuyên gia cho rằng tác động của tỉ giá chỉ làm các hãng nhập khẩu sữa ngoại mất thêm chi phí cho khâu vận chuyển; các yếu tố phí bảo quản, quản lý, marketing... hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Công ty bánh kẹo Bibica, cho biết thông thường nếu đầu vào tăng khoảng 10% thì giá bán ra sẽ tăng thêm 5-7%/sản phẩm. Ví dụ nếu một gói kẹo giá 10.000 đồng, giá đầu vào tăng thêm 10% tức 1.000 đồng thì giá bán ra sẽ ở mức 10.500-10.700 đồng/gói.
Trên cơ sở này, một chuyên gia cho biết trong cấu thành giá sữa, giá đầu vào chiếm khoảng 50% giá bán. Các chi phí còn lại phân bổ cho quản lý, phân phối, khuyến mãi, quảng cáo... và lợi nhuận. Như vậy, tỉ giá tăng 9% nghĩa là so với giá bán chỉ chiếm khoảng 4,5%, nếu cộng thêm các biến động khác thì mức tăng chỉ khoảng 5-7%. Vấn đề tăng tỉ giá chưa phải là yếu tố quyết định.
Dù có nhiều biện pháp kiểm soát giá nhưng cơ quan quản lý vẫn bất lực hoặc làm ngơ trước các đợt tăng giá. Theo quy định của thông tư 122, sau hai ngày nộp đơn xin tăng giá, nếu cơ quan quản lý không có phản hồi thì doanh nghiệp được phép tăng. Đây chính là điều kiện để các doanh nghiệp vô tư lách luật.
Trước đợt tăng giá, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký, giải trình với cơ quan quản lý, còn mức tăng đó có hợp lý hay chưa thì chỉ có... doanh nghiệp biết.
Giá sữa trong siêu thị cao hơn thị trường?
Để giữ khách, một số đại lý kinh doanh sữa tự động hạ chiết khấu, giảm giá bán cho khách. Ví dụ một hộp sữa Enfagrow 900g giá đại lý nhập vào 301.000 đồng, giá đề nghị của công ty khoảng 313.000 đồng/hộp, nhưng để tăng tính cạnh tranh giữa các cửa hàng, người bán sẽ tự cắt giảm chiết khấu và bán với giá khoảng 308.000 đồng/hộp. Trong khi tại các siêu thị, do chi phí bảo quản các mặt hàng sữa bột khá cao nên thường bán theo giá đề nghị của nhà phân phối (mức giá bán ra cao nhất). Vì vậy mới có trường hợp giá sữa Abbott mua bên ngoài chỉ khoảng 546.000 đồng/hộp 900g nhưng vào siêu thị lại có giá từ 552.000 đồng/hộp, một số siêu thị bán 592.000 đồng/hộp.