Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá sữa: Châu Âu giảm, Việt Nam vẫn cao
16 | 10 | 2009
Dù giá nguyên liệu sữa bột nhập khẩu trên thế giới đã giảm khá mạnh từ đầu năm nay, nhưng giá sữa bày bán trên thị trường có xu hướng tăng thêm.

Trong những ngày gần đây, câu chuyện khủng hoảng sữa lan rộng ở châu Âu đã trở thành một trong những vấn đề được dư luận quan tâm. Dù giá nguyên liệu sữa bột nhập khẩu trên thế giới đã giảm khá mạnh từ đầu năm nay, nhưng theo khảo sát của TBKTSG Online, giá sữa bày bán trên thị trường không giảm mà còn có xu hướng tăng thêm.

Do tác động của khủng hoảng kinh tế, nhu cầu về sữa và sản phẩm làm từ sữa của người tiêu dùng ở các nước châu Âu, Mỹ… cũng giảm theo. Lượng sữa sản xuất ra vẫn ồ ạt, khiến cung vượt quá cầu, làm cho sữa rớt giá. Theo Hiệp hội Sữa châu Âu, giá sữa hiện chỉ bằng 75% chi phí sản xuất. Nông dân tại đây bị ép bán sữa với giá thấp và giá sữa giảm tới 50% trong thời gian qua.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp thay vì giảm giá theo xu thế thị trường thế giới thì ngược lại, vẫn giữ nguyên mức giá, thậm chí có nơi còn tăng thêm.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, giá nguyên liệu sữa nhập khẩu trong sáu tháng đầu năm 2009 giảm khá mạnh so với cuối năm 2008, với mức giảm khoảng 40-50% tùy loại nguyên liệu. Tuy nhiên, thời điểm này cũng là khoảng thời gian giá các sản phẩm sữa đua nhau tăng lên. Tháng 3-2009, giá sữa của các hãng Dutch Lady, Abbott, Namyang, Dumex… đều tăng, chẳng hạn sữa XO của Namyang tăng giá 9%, sữa Abbott tăng 4%, Friso Gold tăng gần 4%...

Theo khảo sát của TBKTSG Online tại một số siêu thị và cửa hàng sữa ở TPHCM, giá một số sản phẩm sữa nhập nguyên đai nguyên kiện mới bắt đầu giảm nhẹ trong hai tháng gần đây, trong khi sữa đóng hộp trong nước (nguyên liệu nhập khẩu) và sữa nội vẫn giữ giá. Chủ cửa hàng sữa Nguyễn Mười, số 1 đường Nguyễn Thông (quận 3, TPHCM) cho biết, từ đầu tháng 8, các dòng sữa nhập như Abbott, Enfagrow, Na Na… bắt đầu giảm giá với mức giảm trung bình là 5% ở một số mặt hàng.

Một khách hàng là anh Nguyễn Trung, nhà ở quận 1 (TPHCM), nói rằng, trước đây anh mua hộp sữa Pedia Sure 1,8 kg với giá 636.000 đồng thì bây giờ còn 625.000 đồng. Như vậy, giá sản phẩm này chỉ giảm nhẹ, khoảng 2%. Trong khi đó, các hãng sữa như Dutch Lady, Dumex, Friso… không giảm giá mà chỉ đưa ra các hình thức khuyến mãi dành cho khách hàng từ đầu tháng 10.

Ông Vân Lầm, sạp 48A tại chợ Cũ - một ngôi chợ bán nhiều sữa ngoại nhập trên đường Tôn Thất Đạm (quận 1, TPHCM) nói rằng, giá sữa không giảm nhưng vẫn thu hút người mua do có hình thức khuyến mãi đi kèm, cụ thể nếu khách mua sữa Dumex với số lượng bốn hộp thì được tặng một hộp. Tuy nhiên, ông Lầm nói rằng nhiều khách hàng phản ánh rằng có nhiều sản phẩm sữa giữ nguyên mức giá nhưng nhà sản xuất lại thay đổi bao bì, với loại hộp mới có trọng lượng giảm đi.

Một đại diện (đề nghị được giấu tên) của một công ty sữa lớn tại Việt Nam nhìn nhận rằng sự bất hợp lý của thị trường sữa hiện nay là giá sữa bột tại Việt Nam vẫn đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực và cả thế giới. Cụ thể, giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam vẫn còn cao hơn Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đến 20-50%.

Một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về thị trường sữa là ông Trần Bảo Minh, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Vinamilk, lý giải rằng thị trường sữa tại Việt Nam mang đặc thù của một thị trường mới và có tốc độ tăng trưởng hằng năm cao nhưng lại gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên liệu sữa nhập khẩu. Hiện tại sữa nguyên liệu nhập khẩu chiếm tới 80%, trong khi nguyên liệu sữa tươi mua từ nông dân và các trang trại bò sữa trong nước chỉ cung cấp được khoảng 20%.

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu sữa tươi từ các nông trại trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Do vậy, người tiêu dùng Việt Nam chủ yếu phải uống sữa được làm từ sữa bột nhập khẩu trong khi tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Úc thì người tiêu dùng chỉ uống sữa tươi có chất lượng cao nhất từ các nông trại.

Sự thống lĩnh thị trường của các thương hiệu sữa ngoại, chiếm hơn 2/3 thị phần sữa bột với các nhãn hiệu như Abbott, Enfagrow, Friso, Dumex…, theo ông Minh, cũng dẫn đến việc độc quyền trong việc nhập khẩu và phân phối của một số hãng sữa. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là thị hiếu và tâm lý người tiêu dùng, và điều này dẫn đến việc giá sữa ngoại nhập ở Việt Nam vẫn cao chót vót dù ngành sữa tại châu Âu đang rơi vào khủng hoảng với giá sữa sụt giảm liên tục.

Ông Minh cho biết, người tiêu dùng cho rằng chất lượng dinh dưỡng của sữa bột cao hơn sữa tươi nên vẫn bấm bụng cho con uống sữa bột vốn đắt tiền hơn. Thực chất thì sữa tươi có giá trị dinh dưỡng không thua kém so với sữa bột và thậm chí dễ hấp thụ hơn so với sữa bột.


"Tại các nước phát triển, trẻ em từ một tuổi trở đi chỉ uống sữa tươi chứ không uống sữa bột nữa. Do vậy, nếu vào siêu thị ở các nước này, sẽ chủ yếu thấy họ kinh doanh sữa tươi chứ không phải nhiều loại sữa bột cho trẻ em 1, 2, 3 thậm chí 4, 5 và 6 tuổi như ở Việt Nam, vừa đắt tiền mà lại không thật sự cần thiết cho sự phát triển của trẻ”, ông nói.



Theo TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường