Trao đổi với Thanh Niên tối 14.8, một lãnh đạo của Bộ Tài chính cho biết: một trong những tác động quan trọng của việc giảm thuế nhập khẩu sữa này là giúp người tiêu dùng Việt Nam có được những sản phẩm tốt hơn. Trước đó, theo thông tin từ Bộ Y tế, các loại sữa kém chất lượng thường được nhập khẩu từ nước thứ ba (một nước ASEAN) chứ không phải là sữa được đóng gói từ châu Âu. Nguyên nhân dẫn đến việc này là bởi sữa nhập từ ASEAN sẽ có thuế là 5%, còn từ châu Âu có thuế từ 7-10%. "Nếu nhập sữa trực tiếp từ châu Âu cũng giống như nhập từ một nước tại ASEAN, thì nhà nhập khẩu nhiều khả năng chọn nhập trực tiếp từ châu Âu để đảm bảo chất lượng. Kết quả là người tiêu dùng sẽ an tâm hơn về chất lượng sữa nhập khẩu", vị này nhận xét.
Một lý do khác cũng dẫn tới việc giảm thuế nhập khẩu sữa là để tránh việc gian lận trong tính thuế. Theo nguồn tin từ Bộ Tài chính, việc phải áp dụng các mức thuế suất khác nhau, các loại thuế khác nhau - trong khi rất khó phân biệt loại sữa nào thì áp mức thuế nào - rất dễ dẫn tới sự không bình đẳng khi mỗi nơi thực hiện một kiểu. Việc thống nhất chỉ còn mức thuế nhập khẩu đối với sữa nguyên liệu và sữa đã pha chế sẽ đơn giản hơn đối với hải quan và công bằng hơn trong việc tính thuế đối với các doanh nghiệp nhập khẩu sữa. Ngoài ra, việc thống nhất một mức thuế đối với sữa pha chế như vậy cũng sẽ giúp các cơ quan quản lý có thể tính toán giá thành sữa một cách dễ dàng.
Một cán bộ của Bộ Tài chính nhận xét thêm: với việc giảm thuế nhập khẩu sữa, giá thành của sữa nhập khẩu sẽ giảm và đây là một nhân tố quan trọng dẫn tới việc giảm giá sữa trong thời gian tới. "Nếu thuế nhập khẩu giảm mà giá sữa nhập khẩu không giảm thì các cơ quan quản lý cũng cần phải lên tiếng về giá sữa ngoại", vị này cho biết.
(Theo Thanh Niên)