Bà Duyên An, chủ sạp số 11 Duyên An tại chợ Bình Tây (quận 6), một trong các chợ đầu mối của TPHCM chuyên kinh doanh hạt trân châu, cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hay, từ đầu tuần đến nay lượng hàng bán ra đã chậm lại so với lúc trước, sau khi một số tiệm giải khát trân châu tại TPHCM đã ngưng lấy hàng.
Theo bà An, mỗi ngày sạp của bà bán ra khoảng 10 bao trân châu (loại 3kg), nhưng mấy hôm nay mỗi ngày chỉ bán được khoảng 3 - 4 bao.
Theo khảo sát của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, hầu hết các sạp tại chợ Bình Tây kinh doanh mặt hàng này đều lấy hàng từ nguồn chủ yếu là các đơn vị sản xuất tại Việt Nam như nhãn hiệu Long Phú và Long Thành. Tuy nhiên, vẫn có một số sạp hàng lấy nguồn hàng từ Trung Quốc.
Hạt trân châu do Việt Nam sản xuất thường được bán tại chợ này với giá từ 40.000 đến 50.000 đồng/bao (3kg). Trong khi đó, mặt hàng hạt trân châu của Trung Quốc có giá bán chỉ khoảng 20.000 - 25.000 đồng/bao (3kg).
Ông Huỳnh Ngọc Bảo, Ban quản lý chợ Bình Tây cho hay, khu vực đường Trần Bình, quận 6 có nhiều tiểu thương kinh doanh các loại hạt trân châu do Đài Loan sản xuất được phân phối qua các công ty tư nhân. Trên thị trường còn có hàng sản xuất liên doanh giữa Đài Loan và Việt Nam tại khu công nghiệp Tân Tạo, có giá 10.000 đồng/kg đối với viên màu trắng và 11.000 đồng/kg loại có 3 màu xanh - đỏ - đen.
Còn tại khu vực chợ Kim Biên, các loại bột béo, bột sữa, bột trà với đủ loại hương để có thể pha chế các loại trà trân châu hay trà sữa được bày bán tràn lan. Giá các loại bột béo chỉ 30.000 đồng/kg, bột sữa 40.000 - 50.000 đồng/kg, bột trà trong khoảng 50.000 - 80.000 đồng/kg, còn bột tạo hương như xoài, cam, dứa, chocolate từ 80.000 - 100.000 đồng/kg.
Một số tiểu thương tại chợ Kim Biên cũng cho hay, mặt hàng hạt trân châu, bột sữa từ đầu tuần đến nay bán ra chậm hơn so với thời gian trước do có thông tin trà sữa có chứa hạt polyme.
Sản xuất hạt trân châu trái quy định
Trước thông tin trà sữa trân châu có chứa polyme và một số độc tố, thanh tra Sở Y tế TPHCM đã tiến hành kiểm tra hàng loạt các cơ sở sản xuất hạt trân châu trên địa bàn thành phố.
Sáng nay (12-8), đoàn thanh tra Sở Y tế TPHCM đã thanh tra cơ sở sản xuất Long Phú (89/10 Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú). Chủ cơ sở này đã xuất trình giấy đăng ký kinh doanh và cơ sở đã sản xuất hạt trân châu từ năm 2002 đến nay, nhưng không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Thêm vào đó, chỉ có 2/15 nhân viên của cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe do ngành y tế quận Tân Phú cấp. Chiều cùng ngày, sau khi kiểm tra cơ sở Long Phú, thanh tra sở Y tế đã có quyết định đóng cửa cơ sở sản xuất này cho đến khi khắc phục những sai phạm nêu trên.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, trưởng đoàn thanh tra cho biết, điều kiện vệ sinh của cơ sở sản xuất này không bảo đảm về nguồn nước và mặt bằng. Thêm vào đó, cách bố trí quy trình không đạt chuẩn. Theo đúng quy định của ngành y tế thì cơ sở này sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng vì vi phạm là không có giấy chứng nhận VSATTP.
Sau khi kiểm tra, đoàn thanh tra đã lấy mẫu hạt trân châu các loại để xét nghiệm có chứa độc tố hay không. Hiện, cơ sở Long Phú sản xuất 2 loại hạt trân châu có màu và không màu, giá các loại khoảng 13.000 - 15.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi ngày cơ sở này tung ra thị trường khoảng 1 tấn hạt các loại cho các chợ đầu mối tại TPHCM và các tỉnh lân cận.
Cùng ngày, đoàn thanh tra Sở Y tế đã tiến hành lấy mẫu các sản phẩm này tại một số sạp ở chợ Bình Tây để xét nghiệm.
Từ đầu tuần đến nay, thanh tra Sở Y tế TPHCM đã kiểm tra một số cơ sở giải khát có bán trà trân châu tại quận 1 và quận 5. Bà Mai cho hay, trong thời gian tới, thanh tra sở sẽ tiếp tục thanh tra các cơ sở kinh doanh và sản xuất hạt trân châu, dù cho đến thời điểm này chưa có kết quả xét nghiệm để kết luận trà sữa trân châu có độc hại hay không.
(Theo TBKTSG)