Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phải đăng ký các yếu tố tạo giá sữa
16 | 10 | 2009
Nếu kiểm soát được các yếu tố hình thành giá sẽ đảm bảo sữa bán trong nước có mức giá hợp lý.

Ngày 15-10, trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho biết:

Bộ Tài chính sẽ không ra văn bản riêng để quản lý mặt hàng sữa như hướng trước đây. Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 104 năm 2008 để quản lý giá chung các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, trong đó có sữa.

Giá sữa sẽ hợp lý hơn

Điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được yếu tố hình thành giá. Do vậy sẽ phải sửa đổi quy định hiện hành là yêu cầu các doanh nghiệp (DN) đăng ký giá bán các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn.

Theo Thông tư 104: DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải đăng ký giá là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty cổ phần, công ty TNHH có trên 50% vốn điều lệ thuộc sở hữu nhà nước. Quy định như thế sẽ khiến không ít đơn vị lách luật. Họ sẽ vươn lên trên 50% vốn sở hữu nhà nước để phải đăng ký giá.

Hướng sửa đổi sẽ yêu cầu các DN phải nộp hồ sơ đăng ký giá bán trong đó thuyết minh mức giá. Cụ thể: cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá như giá nhập khẩu CIF, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, giá vốn nhập khẩu, lợi nhuận dự kiến, mức giá dự kiến... Sau khi DN gửi hồ sơ đăng ký giá, cơ quan quản lý giá thẩm định và trả lời có chấp thuận hay không mức giá mà DN đăng ký sau tám ngày nhận hồ sơ. Nếu không chấp thuận thì phải giải thích lý do.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sửa đổi Quyết định 06 năm 2005 về việc ban hành quy chế tính giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ, áp dụng phương pháp so sánh để xem giá mà DN đăng ký có hợp lý không. Không thể cùng dòng sản phẩm, chất lượng, danh tiếng, trọng lượng gần như nhau mà giá lại vênh nhau quá lớn. Khi kiểm soát được các yếu tố hình thành giá thì sẽ đảm bảo sữa được bán trong nước có mức hợp lý.

Khó quản được giá nhập từ nước ngoài

Tuy nhiên, điều khiến Bộ Tài chính lo ngại là không thể kiểm soát giá và yêu cầu các nhà phân phối từ nước ngoài đăng ký giá bán. Thực tế, nếu họ tăng giá từ nước ngoài thì chúng ta sẽ khó mà quản được giá sữa nhập.

đợt thanh tra giá sữa vừa qua cho thấy nhiều nhà phân phối đã chi kinh phí quảng cáo rất bất hợp lý, vượt mức cho phép nhiều lần. Nhưng cái khó là nhiều DN sản xuất sữa ở tận nước ngoài đã đăng ký quảng cáo thẳng với đơn vị truyền thông qua email và trả tiền qua tài khoản. Chi phí quảng cáo cho một dòng sản phẩm lên đến 100 tỷ đồng. Các DN này không đăng ký kinh doanh, không khai thuế, không hoạt động tại Việt Nam nên không thể yêu cầu họ khai các yếu tố cấu thành giá bán. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến giá sữa bột nhập ngoại bị đội giá. Ví dụ, một hộp sữa bột nhập ngoại có giá 300.000 đồng nhưng thực chất có đến mấy chục phần trăm là chi phí quảng cáo, tiếp thị... Giá bán đã được tính sẵn từ nước ngoài. Thế nên mới có chuyện cùng một loại sữa nhưng nhà nhập khẩu khai giá thấp hơn thì bị cơ quan hải quan “soi” vì sợ hạ giá để gian lận thuế. Còn với DN khai cao hơn thì không gặp vướng mắc gì. Dù khi giá nhập khẩu cao thì sẽ thu được nhiều tiền thuế hơn cho ngân sách nhưng nó khiến người tiêu dùng trong nước đang phải mua sữa với giá rất cao.

Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) nghiên cứu hướng giải quyết xử lý việc giá sữa bị đội từ bên ngoài trước khi nhập vào Việt Nam.



Theo Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường