“Có doanh nghiệp kêu lỗ vài chục tỷ đồng nhưng lại sẵn sàng chi tới gần trăm tỷ cho quảng cáo, khuyến mại; họ cũng kêu phải chi nhiều cho nghiên cứu y tế nhưng mức vênh còn chưa hợp lý...Về công tác quản lý, ngoài các kiến nghị xử lý, tới đây, nhất định chúng tôi sẽ có động thái bình ổn giá”- ông Nguyễn Anh Tuấn, nhấn mạnh.
Liệu có thể chỉ ra đâu là nguyên nhân khiến giá sữa Việt Nam luôn đắt hơn so với các nước cùng khu vực?
Với tư cách là trưởng đoàn thanh tra Mead Johnson tôi thấy đáng lưu ý nhất là chi phí bán hàng của DN quá lớn. Đơn cử như Mead Johnson: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định mức quảng cáo là 10% doanh thu nhưng cả năm 2008, chi phí quảng cáo, khuyến mại của họ lên tới 30%.
Hay như chi phí hỗ trợ y tế và chi phí lâm sàng tạo ra sản phẩm đều chiếm một con số khá lớn và rất khó bóc tách. Bộ y tế nói chủ yếu việc nghiên cứu của các hãng sữa ở Việt Nam chỉ dừng ở mức thay đổi mùi vị.
Giá sữa ở Việt Nam cao do 3 yếu tố: giá nguyên liệu. Đây là số liệu cố định liên quan đến vấn đề nguồn cung, ảnh hưởng của giá sẽ tác động trực tiếp; Chi phí liên quan nghiên cứu và chi phí quảng cáo. Mặc dù hai yếu tố sau chủ yếu do các hãng sữa trực tiếp làm (chủ yếu ở nước ngoài) nhưng qua thanh tra thấy hoàn toàn có thể khống chế để tiết giảm giá.
Sữa tăng giá năm 2008, dư luận từng nghi ngờ có chuyện doanh nghiệp gửi giá nguyên liệu ở nước ngoài, ông thấy sao?
Đây là một vấn đề lớn, không trong phạm vi quản lý của Cục quản lý giá. Cần sự tham gia của nhiều cơ quan như tham tán Việt Nam ở nước ngoài, hải quan, thuế nội địa mới xác minh được. Còn nữa là thông tin ngoài nước rất hạn hẹp.
Có một nghịch lý cần lưu ý là dù kêu lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn sẵn sàng chi khoản tiền lớn cho quảng cáo và họ sẵn sàng chịu đóng thêm hàng chục tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây cũng có thể là cơ sở đặt vấn đề cho việc gửi giá.
Từ 1-1, đa số các hãng sữa đã tăng giá bán trong khi một số hãng sữa trong đó có Mead Johnson cũng khẳng định không thể giảm giá vì tác động từ giá nguyên liệu, tỷ giá. Như vậy, kiến nghị của Thanh tra Bộ đã không có giá trị?
Theo Luật thanh tra, những kiến nghị của cơ quan thanh tra buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Có thể xem kết luận thanh tra đã là yếu tố pháp lý để xử lý được rồi. Ở đây, để thấy doanh nghiệp có thực hiện được hay không, cần phải bóc tách cái hợp lý và những bất hợp lý để tiết giảm. Tôi xin khẳng định nếu doanh nghiệp tiết giảm được những cái bất hợp lý như chúng tôi nêu trên, chắc chắn sẽ giảm được ít nhất 10% chi phí.
Theo Thông tư 104 Bộ Tài chính đang sửa đổi, tới đây sữa sẽ là một trong hơn 20 mặt hàng doanh nghiệp buộc phải đăng ký giá. Liệu có hợp lý khi đưa sữa vào danh mục này, và có ảnh hướng tới cam kết khi hội nhập, thưa ông?
Chúng ta tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp; tôn trọng nguyên tắc cam kết khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, nước nào cũng phải dành cho mình một số mặt hàng bình ổn giá có liên quan thiết yếu tới người dân và cần kiểm soát trong chừng mực cho phép và sữa là mặt hàng cực kỳ thiết yếu.
Thông tư 104 sửa đổi tới đây có điểm nhấn quan trọng nhất là không phân biệt 15 ngày tăng giá liên tục 20% hay không mà khi tăng giá, tất cả doanh nghiệp đều phải đăng ký giá bán theo địa bàn (DN ở địa phương nào phải đăng ký ở địa phương đó).
Khi thực hiện công cụ đăng ký giá, cùng lúc, Cục quản lý giá sẽ trình Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 06. Theo đó, với những mặt hàng Nhà nước cần bình ổn giá, sẽ khống chế một mức nhất định. Sở dĩ chúng tôi kiến nghị các hãng sữa nên dừng chi phí quảng cáo khuyến mại ở mức 10% (cũng có thể sẽ cao hơn một chút- PV), bởi đây là mức hợp lý để đưa giá sữa cùng loại tương đương với mặt bằng giá sữa trong khu vực mà vẫn đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Vậy liệu tới đây, giá sữa có thể giảm?
Nếu khống chế quảng cáo ở mức 10% chắc chắn giá thành sẽ giảm mạnh, mức giảm có thể tới 30%.