Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường sữa: Nên khống chế lợi nhuận không quá 20%
06 | 01 | 2010
“Khống chế lợi nhuận ở mức không quá 20% là một phương án mà Bộ Tài chính cần tính tới để hạ nhiệt thị trường sữa”- Một chuyên gia kinh tế đề xuất.

Nếu phương án này được đưa vào thông tư hướng dẫn tới đây thì sẽ chấm dứt tình trạng giá bán sữa bột ngoại gấp đôi giá vốn mà Thanh tra Bộ Tài chính vừa phát hiện.

Theo hướng sửa đổi, doanh nghiệp sữa phải đăng ký giá và đưa ra mức lợi nhuận hợp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định. Theo một số chuyên gia, mức lợi nhuận 20% là hợp lý đối với ngành kinh doanh sữa.

Sau thanh tra, một số doanh nghiệp như Mead Johnson Việt Nam, Nestlé Việt Nam đã phản hồi: “Kết luận về giá sữa của Mead Johnson, Nestlé cao vì phải chi quá nhiều quảng cáo là thiếu căn cứ”. Trao đổi với Tiền Phong, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính.

Trần Huy Trường cho rằng, thanh tra đã căn cứ trên sổ sách kế toán chính thức, còn doanh nghiệp phải chịu chi phí khác ngoài sổ sách thì không thể tính toán được.

Trước khi có kết luận thanh tra các doanh nghiệp đã được thông báo về nội dung còn việc doanh nghiệp không đồng tình cũng là chuyện bình thường.

Theo Cục Quản lý giá, nếu không sửa Thông tư 104 thì doanh nghiệp sữa sẽ tiếp tục lách luật. Theo quy định hiện hành, trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động, thì cơ quan chức năng mới có thể áp dụng các biện pháp bình ổn giá.

Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi lần điều chỉnh, các hãng sữa đều tăng dưới mức này và tăng theo nhiều đợt trong thời gian cách nhau khá xa. Điều này khiến quy định của Nhà nước bị vô hiệu hóa.

Thông tư sửa đổi đã đưa sữa vào mặt hàng bình ổn giá, căn cứ vào chi phí đầu vào của sản phẩm để Nhà nước can thiệp nếu thấy bất hợp lý chứ không cần lý do tăng giá 20% trong tối thiểu 15 ngày.

Một số doanh nghiệp cam kết chưa tăng giá

Cùng chịu áp lực tỷ giá và các yếu tố đầu vào tăng cao nhưng một số hãng sữa quyết định giữ giá. Theo thông tin Tiền Phong có được, 3 hãng sữa lớn là Dumex, Nestlé, NamYang (Hàn Quốc) vẫn giữ giá như năm 2009.

Ông Vũ Quốc Tuấn- Trưởng phòng Truyền thông đối ngoại- Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cũng khẳng định, hiện Nestlé chưa có bất kỳ kế hoạch tăng giá sữa nào tại thị trường Việt Nam.

Ông Tuấn cho rằng, để ổn định thị trường sữa, biện pháp tốt nhất là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Hiện nay đang có 85 nhãn sữa từ hơn 50 nhà sản xuất đang cạnh tranh với nhau tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, các yếu tố để lành mạnh thị trường như các quy định về cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 12 tháng tuổi theo Nghị định 21 vẫn chưa được thực hiện triệt để. Đây cũng là kẽ hở để các doanh nghiệp tiếp thị sữa trong bệnh viện, trường học mà Tiền Phong đã phản ánh.

Các chi phí quảng cáo, tiếp thị, hoa hồng cho bác sỹ, y tá các bệnh viện nhi, phụ sản… cũng được tính vào giá thành, đẩy giá sữa bột ngoại tại Việt Nam tăng cao.



Theo Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường