Sức tiêu thụ tăng
Năm 1990, mức tiêu thụ sữa của nước ta mới đạt 0,5 kg/người nhưng đến năm 2007 đã tăng lên 7 kg/người. Hiện nay, sữa tươi trong nước mới chỉ đáp ứng 25% nhu cầu người tiêu dùng. Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu tăng đàn bò sữa lên 200 nghìn con vào năm 2010. Sản lượng sữa 377 nghìn tấn. Vì vậy, thị trường tiêu thụ các mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam với sức mua của gần 86 triệu dân đang có sức thu hút và là điểm đến của các tập đoàn sữa lớn trên thế giới. Ðể làm ăn lâu dài ở
Việt Nam, một số hãng sữa, tập đoàn nước ngoài liên tục tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện truyền thông về các mặt hàng sữa bột, sữa nước, sữa đặc có thể thay thế sữa mẹ, các bé mới đẻ uống vào sẽ thông minh, lớn nhanh. Ngoài chi phí quảng cáo, các hãng sữa cũng tranh thủ khuyến mãi, tăng tỷ lệ phần trăm cho các bệnh viện, trường học, tạo nên hiệu ứng "thương hiệu quý tộc" trong tâm lý tiêu dùng của các bậc phụ huynh học sinh và người tiêu dùng. Cũng theo Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ có 10% số trẻ em Việt Nam được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu và các bà mẹ Việt Nam đã lãng phí 270 triệu USD/năm do nuôi con bằng sữa bột trong khi nuôi bằng sữa mẹ giàu chất kháng thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, tim mạch...
Ðại diện các phòng tiếp thị, kinh doanh, đối ngoại của các hãng sữa nước ngoài đều cho biết, sức tiêu thụ sữa và các mặt hàng sữa của hai thành phố là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khá lớn, chiếm 80% lượng sữa cả nước. Mặt khác do giá sữa khá đắt, một kg sữa tiệt trùng bằng giá ba kg gạo, cho nên bà con ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa không dám uống sữa. Ngoài ra, do tâm lý người tiêu dùng ưa chuộng hàng ngoại cho nên các hãng nhập khẩu sữa đã tạo nhiều chiêu phân tích về tác dụng, hiệu quả của từng loại sản phẩm sữa ngoại, tung ra vào những thời điểm thích hợp khiến người tiêu dùng, các bà nội trợ, phụ huynh... không khiếu nại về giá cả tăng quá cao.
Giá sữa tăng liên tục
Từ tháng 2-2009 đến tháng 7-2010 giá sữa nhập ngoại đã tăng sáu lần. Các cơ quan quản lý thị trường, ngành công thương, Bộ Tài chính đã đưa ra một số quyết định, thông tư nhằm quản lý giá song việc bình ổn giá sữa vẫn chưa đạt kết quả như ý muốn. Ðầu tháng 8, ở thị trường TP Hồ Chí Minh giá nhiều mặt hàng sữa bột, sữa nước, sữa đặc lại tiếp tục tăng giá. Ðiển hình như hãng XO (Hàn Quốc) tăng 2,5% các loại sữa bột và sắp tới Abbot cũng thông báo tăng giá 7%. Trước đó, ngày 19-7, Dumex điều chỉnh giá cho 17 loại sữa bột với mức tăng 10% (30 nghìn đồng/hộp). Bên cạnh đó, Công ty Friesland Campinavietnam cũng tăng giá một số sản phẩm sữa nước, sữa đặc từ 5 đến 7% như sữa nước từ 4.500 đồng/hộp lên 4.750 đồng/hộp. Sữa đặc Trường Sinh từ 11.500 đồng lên 12.000 đồng/hộp... Giải thích cho lý do tăng giá, đại diện các hãng sữa nhập ngoại cho rằng, do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, chi phí các loại... tăng, tỷ giá hối đoái tăng cho nên buộc phải tăng giá các sản phẩm sữa.
Tuy nhiên, theo Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (thống kê về giá sữa nguyên liệu từ tuần 1-2010 đến tuần 29-7-2010) trên thị trường thế giới, giá nguyên liệu sữa xuất khẩu đã giảm trung bình vài trăm USD/tấn sau khi vọt tăng vào tháng 5. Cụ thể, giá sữa bột gầy trên thị trường châu Âu và châu Ðại Dương (những thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam) đã giảm từ 3.200 đến 3.800 USD/tấn (tháng 5-2010) xuống 2.950-3.300 USD/tấn. Sữa bột nguyên kem từ 4.150 còn 3.200-3.600 USD/tấn (tháng 7-2010). Nhưng ở thị trường Việt Nam, từ giữa tháng 7 đến nay, các hãng sữa ngoại lại tăng giá đợt thứ sáu. Về tỷ giá, Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương cho biết, tỷ giá VNÐ/USD năm 2010 có tăng (2,2%) là không cao và đã nằm trong kế hoạch kinh doanh từ đầu năm của doanh nghiệp. Ðáng chú ý là thuế nhập khẩu sữa của Việt Nam đang ở mức rất thấp so với khu vực, trong đó thuế nhập khẩu sữa bột nguyên kem hoặc tách kem đã giảm từ 20% xuống 5% vào tháng 9-2009. Thế nhưng, giá các sản phẩm sữa, sữa bột nguyên liệu và nguyên hộp nhập khẩu trên thị trường lại tăng hơn sữa ở các nước khu vực (giá cao hơn Thái-lan từ 20 đến 60%, có loại tăng 100%) là điều không thể chấp nhận.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng kinh doanh nhiều mặt hàng cùng loại với các hãng sữa ngoại vẫn giữ giá ổn định (trừ một lần điều chỉnh giá vào dịp Tết 2010). Ðồng thời, nhằm ổn định giá sữa, Vinamilk liên tục khuyến mãi hơn 200 mặt hàng sữa vào các siêu thị, đại lý, cửa hàng với giá giảm từ 5 đến 10% (tùy từng loại hàng).
Giải pháp bình ổn giá sữa
Theo các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, việc Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương quyết định điều tra, xử phạt 19 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm về hành vi thỏa thuận tăng giá phí bảo hiểm xe cơ giới cần áp dụng với mặt hàng sữa khi giá sữa tăng lần thứ sáu trong vòng hơn một năm. Việc xử lý với giá sữa bằng biện pháp hành chính như hiện nay chưa có hiệu quả. Hơn nữa, Thông tư mới về quản lý giá sữa, đang chờ đợi phê duyệt thì Thông tư 104 về quản lý giá một số mặt hàng, trong đó có sữa, đang bị các doanh nghiệp sữa ngoại vô hiệu hóa bằng "chiêu" kéo dài thời gian giữa các lần tăng giá (hơn 15 ngày) và giảm tỷ lệ tăng (dưới 20%) nhưng tăng làm nhiều lần trong năm. Doanh nghiệp dưới 50% vốn chủ sở hữu Nhà nước không cần đăng ký, kê khai giá.
Vậy thì tại sao các cơ quan chức năng không sử dụng Luật Cạnh tranh (ra đời năm 2004) vừa có giá trị pháp lý, chế tài lại phù hợp thông lệ quốc tế. Cụ thể như Luật cấm các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường như áp đặt giá bán, thỏa thuận tăng giá bán, ấn định giá bán tối thiểu... gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Luật cũng cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng. Vấn đề cần làm ngay hiện nay là phải có nghiên cứu toàn diện về thị trường sữa từ cấu trúc thị trường, cách thức phân phối, cơ cấu giá thành, lợi nhuận để xử lý bằng luật. Thí dụ, khi xử lý doanh nghiệp lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường cần phải chứng minh một doanh nghiệp chiếm thị phần từ 30% trở lên, tỷ lệ này từ 50% đối với hai doanh nghiệp; 65% với ba DN; 75% đối với bốn DN. Như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ðăng Vang nêu rõ: "Nên có điều tra cụ thể về cơ cấu giá thành làm nên sản phẩm, so sánh giá bán, lợi nhuận cũng như có sự liên kết tăng giá, làm giá các mặt hàng sữa nhập khẩu đồng thời có những biện pháp hỗ trợ, khuyến khích, phát triển thị trường sữa nội. Tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước làm ra nhiều mặt hàng sữa đa dạng, phong phú, chất lượng đáp ứng nhu cầu của nhiều lứa tuổi. Chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cần được đẩy mạnh, cụ thể hơn giúp người tiêu dùng trong nước có ý thức ủng hộ và tiêu dùng hàng Việt Nam.