Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguyên liệu giảm, sao giá sữa lại tăng?
10 | 08 | 2010
Chỉ khi giá sữa tăng 20% cơ quan quản lý mới có thể can thiệp. Quy định này trong Thông tư 104 về quản lý giá của Bộ Tài chính đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sữa lách luật.

Đến hẹn lại lên, doanh nghiệp tăng giá sữa đều đặn ngay cả khi giá nguyên liệu trên thế giới giảm mạnh.

Những ngày đầu tháng 8, người tiêu dùng lại phải đối mặt với việc một số hãng sữa tiếp tục tăng giá lên 10%. Từ Dumex, XQ (Hàn Quốc) đến Wokodo, Meji (Nhật) cũng có giá tăng dưới 10%. Theo lý giải của các hãng sữa, việc tăng giá là do tỉ giá USD tăng cao và giá nguyên liệu sữa thế giới tăng. Thậm chí hãng sữa Cô gái Hà Lan còn tăng giá sữa chua với lý giải là do áp lực từ việc tăng giá của rất nhiều yếu tố đầu vào trong thời gian qua, kể cả biến động tỉ giá. Đây là lý do chung mà các doanh nghiệp đưa ra cho đợt tăng giá lần này.

Điều đáng nói là theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, giá sữa nguyên liệu trên thế giới đã đạt đỉnh vào tháng 5 vừa qua. Thời điểm hiện nay, giá sữa nguyên liệu trên thế giới đã giảm trung bình 300 USD/tấn. Giá sữa bột gầy tại châu Âu và châu Úc đã giảm từ 3.200 USD/tấn xuống 2.900 USD/tấn. Sữa bột nguyên kem cũng giảm từ 4.000 USD/tấn dao động xuống 3.200-3.600 USD/tấn.

Nhận định về việc tăng giá vô lý này, ông Nguyễn Tuấn Khải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa quốc tế (IDP) cho rằng thực chất tỉ giá USD tăng cao chỉ là cái cớ để các doanh nghiệp vin vào. Mặc dù nguyên liệu đầu vào có bị chi phối bởi tỉ giá khi nhập khẩu nhưng nó vẫn nằm trong khả năng chịu đựng được của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Khải, hiện nay sữa bột ngoại chiếm thị phần 80%-90%. Họ tiếp cận thị trường nhanh chóng, phương thức quảng cáo độc đáo, lôi cuốn người tiêu dùng. Đó là thế mạnh và tạo ra thế độc quyền trên thị trường nên họ có quyền áp đặt mức giá riêng.

Nội dung bất cập trong Thông tư 104 về quản lý giá của Bộ Tài chính đã được xem xét sửa từ cuối năm 2009 theo hướng: cơ quan quản lý nhà nước có quyền can thiệp vào thị trường (thay vì chỉ can thiệp vào khi giá sữa tăng quá 20%). Trong quản lý, bình ổn giá sẽ không phân biệt doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp sẽ phải đăng ký, kê khai giá bán với cơ quan quản lý giá.

Tuy nhiên, đến nay, sau hơn nửa năm với hai lần sữa tăng giá khá mạnh mà vẫn chưa thấy văn bản mới thay thế thông tư này. Điều này khiến cho các hãng sữa ngoại lách luật vẫn tự định giá theo kiểu độc quyền.



Theo Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường