Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sữa đồng loạt tăng giá
05 | 01 | 2010
Tăng liên tục trong nhiều năm, mỗi năm tăng giá vài lần. Vào đầu năm mới này, các bà mẹ lại đón nhận một tin không vui: giá sữa tăng thêm bình quân 10%.

Giữa năm 2009, trước sự bất bình của dư luận, nhiều hãng sữa đã "cam kết" không tăng giá đến hết năm (thực chất là đã tăng trước khi cam kết). Nhưng khi năm cũ chưa kịp đi qua, hàng loạt công ty sữa lại rục rịch tăng giá. Ngay trong đầu năm mới, các hãng sữa thông báo: giá sữa sẽ tăng thêm bình quân 10%.

Đồng loạt tăng giá

Từ ngày 1.1.2010, hầu hết các sản phẩm sữa bột trên thị trường đã thông báo tăng giá. Cụ thể các sản phẩm sữa của Công ty thực phẩm Hancofood tăng khoảng 10%; sản phẩm sữa Enfa A+ của Mead Johnson tại Việt Nam tăng giá thêm 7 - 9%, áp dụng từ ngày 9.1.2010. Sữa Abbott cũng áp dụng bảng giá mới với mức tăng 7,4%. Một số công ty và các siêu thị, cửa hàng cũng đã có mức tăng từ 5 - 15%.

Công ty Friesland Campina Việt Nam chưa chính thức công bố tăng giá, nhưng một số chủ cửa hàng bán lẻ cho biết nhân viên cung cấp hàng của hãng này đã thông báo chuẩn bị tăng giá sữa bột khoảng 10%, sữa nước 2%, nên một số chủ cửa hàng đã chủ động tăng giá trước 5%. Tại các siêu thị, cửa hàng, một số nhóm hàng nhập khẩu có liên quan đến nguyên liệu sữa như bánh, kẹo, bơ, phô mai... cũng đã tăng giá từ 5 - 15%. Với mức tăng này, giá sản phẩm sữa bột sẽ tăng lên từ 15.000 - 25.000 đồng/hộp. Theo đó, giá một số loại sữa của hãng Abbott đang bán trên thị trường đã được điều chỉnh như sau: Sữa Dollac IQ của Hancofood giá 84.000 đồng/hộp; sữa Dollac pro 900 gr: 170.000 đồng/hộp; sữa Mamalac (lớn) 125.000 đồng/hộp; sữa Similac Gain IQ 900 gr giá 330.000 đồng/hộp; Similac Gain IQ 400 gr: 161.000 đồng/hộp; sữa Gain Plus IQ 3 900 gr giá 304.000 đồng/hộp; sữa Ensure Gold 400 gr: 182.000 đồng/hộp; sữa Ensure Gold 900 gr: 398.000 đồng/hộp...

Theo khảo sát của chúng tôi tại một số đại lý ở Q.11, Q.Tân Bình (TP.HCM) nhiều đại lý sữa bột đã biết trước đợt điều chỉnh giá nên đã dự trữ hàng trước, vì vậy giá một số loại sữa chưa tăng ngay mà vẫn đang bán ở mức giá cũ, nhưng sau đó thì sẽ bắt đầu tăng. Đại diện Công ty sữa Vinamilk cũng cho biết do đã điều chỉnh giá sữa bột tăng thêm 6% vào đầu tháng 12.2009 nên không tăng thêm nữa.

Vẫn như những lần trước, các nhà kinh doanh đưa ra lý do đã quá quen thuộc cho việc tăng giá: với sữa nhập khẩu thì giá nhập không tăng, nhưng do tỷ giá đồng/USD tăng; hoặc do phải điều chỉnh lương nhân viên... nên phải tăng giá bán. Với sữa nội, nhà kinh doanh giải thích là nguyên liệu sữa bột nhập khẩu đã tăng giá 50% so cùng kỳ... Ông Lê Việt Hà - Chủ tịch HĐQT Công ty sữa Hancofood lý giải: “Không có sự thỏa hiệp nào giữa các hãng sữa đâu. Các công ty sữa đã cố gắng kiềm chế giá bán trong năm 2009 rồi. Hiện tại công ty nào sản xuất sữa trong nước đều chịu áp lực từ giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.

Nếu giá sữa nguyên liệu đầu năm 2009 chúng tôi ký kết là 2.000 - 2.100 USD/tấn thì hiện nay chúng tôi phải mua với giá 3.800 - 4.800 USD/tấn. Trong khi đó tỷ giá USD và tiền nội tệ chênh lệch lớn nên các hãng sữa buộc phải tăng giá”. Có một điều không thể chấp nhận được là khi nguyên liệu sữa nhập khẩu tăng giá, ngay lập tức các nhà sản xuất và nhập khẩu sữa trong nước điều chỉnh giá sữa tăng theo. Nhưng khi giá nguyên liệu giảm thì họ lại cố tình lờ đi việc giảm giá sữa mà "vin" vào đủ lý do. Thị trường nhiều năm trở lại đây hầu như không thấy việc giảm giá sữa dù năm 2008, 2009 nhiều lần giá nguyên liệu sữa trên thế giới giảm.

Sẽ sửa đổi các quy định về tăng giá sữa

Bên cạnh việc nâng giá sản phẩm quá cao, việc tăng giá từng đợt của các hãng sữa cũng cho thấy biểu hiện "lách luật". Thông tư số 104 hướng dẫn Nghị định 170 của Chính phủ liên quan đến giá sữa quy định: “Trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động, cơ quan chức năng có quyền áp dụng các biện pháp bình ổn giá". Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi lần điều chỉnh, các hãng sữa chỉ tăng khoảng 5 - 7% giá bán và nghiễm nhiên, vẫn nằm dưới mức quy định 20%. Do vậy, các hãng sữa thỉnh thoảng lại rình rập tăng giá mà không sợ vướng vào quy định của cơ quan quản lý.

Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa thừa nhận: “Có hiện tượng các hãng sữa "lách" quy định để tăng giá bán. Do vậy, chúng tôi đang tổ chức lấy ý kiến các bộ ngành để sửa đổi các quy định trên theo hướng: Không phân biệt thời gian tối thiểu 15 ngày và quy định 20% mỗi lần tăng giá bán lẻ mà căn cứ vào chi phí đầu vào. Trong trường hợp các hãng sữa tăng giá bán một cách vô lý, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra và áp dụng các biện pháp yêu cầu giảm giá” .

Một chuyên gia có thâm niên hơn 15 năm trong ngành sữa cho rằng, Nhà nước rất khó ép các doanh nghiệp nước ngoài giảm giá bằng các công cụ hành chính (ngay cả khi cơ quan chức năng làm rõ được giá bán đã cao hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu) bởi lẽ Việt Nam đã gia nhập WTO, việc bảo hộ hoặc dùng quyết định hành chính là rất dễ vi phạm các quy định về tự do thương mại. Một lĩnh vực Nhà nước có thể điều tiết là tạo mọi điều kiện để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, cho nhiều doanh nghiệp cùng nhập khẩu, phân phối sữa nhiều hơn nữa.

Vị chuyên gia này phân tích, khi giá sữa ngoại quá cao một cách bất hợp lý chính là cơ hội cho sữa nội. Sữa nội tốt, giá hợp lý sẽ tạo ra áp lực buộc sữa ngoại phải giảm giá để bán hàng. Điều cần tránh là tình trạng các doanh nghiệp sữa nội cũng vào hùa với doanh nghiệp sữa ngoại, cùng để mức giá cao nhằm thu lợi nhuận tối đa, khiến người tiêu dùng chịu thiệt.

Các đợt tăng giá sữa trong năm 2009

Tháng 2.2009, hãng sữa Abbott thông báo tăng giá 4-5%, lập tức trên thị trường các loại sữa của hãng này tăng thêm 5.000 - 10.000 đồng/hộp dù chưa có niêm yết chính thức. Một số loại sữa ngoại khác cũng tăng theo với mức tương tự.

Tháng 7.2009, với lý do thay đổi mẫu mã cùng lúc một số hãng sữa cắt giảm chiết khấu cho đại lý từ 10% xuống 7%, nhiều đại lý đã tự ý nâng giá bán để giữ được lợi nhuận như cũ.

Tháng 12.2009, với lý do giá đường và nguyên liệu tăng cao, một số hãng sữa trong nước đã điều chỉnh giá sữa lên thêm 6-10%.


Theo Thanh Niên Online
Báo cáo phân tích thị trường