Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ma trận giá sữa: Loay hoay tìm cách quản
25 | 12 | 2009
Bộ Tài chính đang tỏ ra lúng túng trong việc bình ổn giá sữa. Sau đề xuất áp giá trần đối với mặt hàng sữa bột không được thực hiện, thì việc buộc các doanh nghiệp sữa đăng ký giá để quản lý sữa như thuốc tân dược xem ra cũng không khả thi.

Kết luận thanh tra giá sữa mới đây đã chỉ ra những bất hợp lý nhưng lại không có giải pháp để ngăn chặn các doanh nghiệp sữa tiếp tục “móc túi” người tiêu dùng.

Sữa khác thuốc

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, giải pháp của bộ này là “quản lý giá sữa như giá thuốc”. Cụ thể, mới đây, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có cuộc họp với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm dinh dưỡng để tìm biện pháp bình ổn giá sữa.

Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 104/2008/TT-BTC, hướng dẫn thực hiện Nghị định 75 về quản lý giá. Việc sửa đổi theo hướng các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa phải báo cáo chi phí sản xuất và các yếu tố hình thành giá, đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa dịch vụ với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Tổ liên ngành sẽ xem xét có chấp thuận hay không mức giá mà doanh nghiệp đăng ký. Khi muốn điều chỉnh giá các công ty sữa phải xin phép, nêu lý do tăng giá... Trong một thời gian nhất định, cơ quan quản lý sẽ trả lời về việc có được tăng giá hay không, tăng như vậy hợp lý chưa và quyết định mức tăng giá.

Tóm lại, việc quản lý giá sẽ rất chặt chẽ, doanh nghiệp không được tự điều chỉnh giá mà phải xin phép và thấy hợp lý thì cơ quan nhà nước mới cho tăng giá.

Theo đại diện Cty CP sữa Việt Nam (Vinamilk), việc quản lý giá sữa như giá thuốc là không hợp lý. Sữa là sản phẩm tiêu dùng hàng ngày của nhiều đối tượng từ người già, trẻ em, người bình thường, chứ không phải dành riêng cho người bệnh. Do vậy, sữa có rất nhiều chủng loại, đặc biệt là các sản phẩm từ sữa. Việc quản lý giá sữa như giá thuốc chữa bệnh, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chủ động sản xuất, kinh doanh, tạo cơ chế xin- cho của doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý.

Cần áp giá trần đối với sữa bột

Tổng giám đốc Cty CP sữa Quốc tế Nguyễn Tuấn Khải cho rằng, lợi nhuận chính của ngành sữa là mặt hàng sữa bột, nơi các tập đoàn đa quốc gia đang nắm giữ thị phần tại Việt Nam.

Hiện nay sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em, người già, người bệnh đều được độc quyền nhập khẩu, phân phối do các công ty mẹ từ bên ngoài chỉ định. Do vậy, việc quản lý giá sữa như giá thuốc sẽ không hiệu quả bởi chúng ta không biết được việc hình thành giá sản phẩm trước khi đưa vào Việt Nam như thế nào.

Giải pháp mà đại diện Vinamilk đưa ra là, cần quản lý theo giá trần đối với sữa bột dành cho trẻ em và người bệnh, người già. Bởi đây chính là dòng sản phẩm tăng giá vô tội vạ trong thời gian qua.

Bộ Tài chính, Công thương hoàn toàn có thể khảo sát giá tại các nước có điều kiện kinh tế tương đương Việt Nam, tính toán chi phi hợp lý từ thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, chi phí vận chuyển để xác định giá trần đối với những sản phẩm sữa bột chủ yếu đang bán tại Việt Nam. Khi đó, sẽ không có chuyện một dòng sản phẩm như Drugo 1,2,3 mà giá bán tại Việt Nam cao gấp đôi so với tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Thực tế, qua khảo sát của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), sữa Friso bán tại Việt Nam cao hơn trung bình 50- 60%, thậm chí có cửa hàng bán cao hơn 80% so với sản phẩm cùng loại tại Malaysia. Mặc dù sữa Friso tại Malaysia là sản phẩm nhập khẩu, chịu nhiều khoản thuế, chi phí vận chuyển. Trong khi loại sữa Friso này được Cty FrieslandCapina sản xuất ngay tại nhà máy ở Hà Nam và Bình Dương, Việt Nam, chứ không phải sản phẩm nhập khẩu nguyên hộp từ Hà Lan.

Hiện nay, đối với những dòng sữa ngoại nổi tiếng, chỉ có sản phẩm của hãng Abbott là nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu. Còn lại, các sản phẩm sữa ngoại khác như Enfa Graw, Enfa Kid (Mead Johnson), Dumex đều được sản xuất ở Thái Lan, Malaysia, những nước có yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm tương đương Việt Nam, chứ không phải sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu hay Mỹ. Riêng khoản chi phí nhập khẩu hộp thiếc của Abbott đã cao hơn khá nhiều so với các hãng khác. Nhưng giá bán của Mead Johnson, Friso cũng ngang với Abbott.

Chúng ta đều nhận thấy, nguyên nhân chính đẩy giá sữa tại Việt Nam tăng cao là do các hãng sữa ngoại phải đầu tư để hình thành mạng lưới phân phối và họ chi quá nhiều cho hoạt động quản cáo, tiếp thị, khuyến mại. Sau thanh tra, một số doanh nghiệp sữa đã phải chuyển số tiền chi quảng cáo vượt 10% chi phí doanh nghiệp sang khoản lợi nhuận trước thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, cuối cùng số tiền thuế này cũng tính vào giá bán sản phẩm và người tiêu dùng phải gánh chịu.

Kết luận thanh tra, Bộ Tài chính cũng chỉ “nhẹ nhàng” khuyến cáo doanh nghiệp không nên quảng cáo quá nhiều để có thể hạ giá cho người tiêu dùng, chứ không có biện pháp mang tính pháp lý nào để can thiệp vào giá, bởi quyền định giá là của doanh nghiệp. Do vậy, đối với giá sữa bột ngoại, biện pháp mạnh là áp giá trần xem ra mới có tác dụng.



Theo Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường