Thị trường chủ yếu của trái cây đạt tiêu chuẩn GAP là xuất khẩu nhưng đầu ra vẫn loay hoay với số lượng không đáng kể khiến chúng vẫn phải lăn lóc trong nội địa như hàng thường.
Những tưởng thực hiện theo tiêu chuẩn GAP (thực hành canh tác tốt), người trồng cây ăn trái ở ĐBSCL sẽ được hưởng lợi nhiều do lợi thế chất lượng nông sản cạnh tranh và xuất khẩu ra nước ngoài. Không ngờ, bao nhiêu kỳ vọng của nhà vườn đều tan tành vì những năm qua, họ vẫn chưa tìm ra “nhạc trưởng” dìu dắt hướng đi bền vững cho trái cây GAP.
Rớt giá thê thảm
Người trồng bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh -Vĩnh Long hiện không còn đặt nhiều kỳ vọng vào GAP nữa. Họ không phải chịu thảm cảnh “được mùa rớt giá” nhưng giá bán hàng tiêu chuẩn GAP chẳng cao hơn hàng thường là bao, dù toàn bộ đều dành xuất khẩu.
Ông Trần Văn Sang, Chủ nhiệm HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, cho biết: “Chúng tôi bao tiêu toàn bộ sản phẩm bưởi Năm Roi GAP của xã viên với giá cao hơn loại thường 1.000 đồng/kg”.
Tuy nhiên, ông Ba Nhị, một nhà vườn ở Mỹ Hòa, kêu ca: “Ngày trước, khi vận động nông dân ứng dụng GAP vào sản xuất, cơ quan chức năng đã “vẽ” ra những hướng đi và giá trị kinh tế cao hơn cách trồng truyền thống rất nhiều. Bây giờ thì mức chênh lệch 1.000 đồng/kg không đủ trả công cho các công đoạn thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình. Tính ra, nông dân chẳng được hưởng lợi gì từ GAP”.
Ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm HTX Thanh long Chợ Gạo - Tiền Giang, cho biết diện tích trồng thanh long ruột trắng tiêu chuẩn GAP quanh vùng khoảng 2.000 ha, sản lượng khoảng 80.000 – 100.000 tấn/năm. “80% sản lượng thanh long dùng để xuất khẩu, 20% còn lại là hàng không đủ tiêu chuẩn mới bán trong nội địa.
Khi trái vụ, giá thanh long ruột trắng từ 10.000 đồng rớt xuống còn 6.000 đồng, thậm chí chỉ còn 4.000 đồng/kg lúc thu hoạch chính vụ. Có lúc thanh long tiêu thụ hết sức khó khăn, giá bán chỉ còn 700 – 800 đồng/kg, nhà vườn khóc ròng vì thua lỗ, dù trồng tiêu chuẩn GAP vẫn rớt giá thê thảm” - ông Ửng nói.
Chưa có kênh tiêu thụ riêng
Theo ông Huỳnh Hồng Ửng, khi triển khai ứng dụng GAP vào vườn cây ăn trái, nông dân đã nhiệt tình hưởng ứng. Ông Ửng cho rằng cái lợi trước nhất là ý thức của nhà vườn được nâng lên để bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của chính mình cũng như người tiêu dùng.
“GAP rất hữu dụng về lâu dài, như làm đất ít bị bạc màu, giảm ô nhiễm môi trường do hạn chế chất hóa học nhưng bất công trong thời điểm hiện nay. Chế tài đủ mạnh để xử lý hàng gian, hàng giả chưa có đã khiến trái cây GAP bị ảnh hưởng rất nặng.
Phải tạo được kênh phân phối, tiêu thụ riêng nông sản GAP và cần sự quyết liệt của Nhà nước vào lĩnh vực này thì mới thay đổi được khó khăn trước mắt cũng như lâu dài. Nếu cứ mãi loay hoay với đầu ra bế tắc thì làm sao nông dân không quay lưng với GAP?” - ông Ửng băn khoăn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, huyện Châu Thành – Tiền Giang, cho biết do vụ trước vú sữa ở đây chưa được cấp giấy chứng nhận GAP nên mới xảy ra tình trạng không xuất khẩu được nhiều hàng. Theo ông Ngàn, kênh tiêu thụ của vú sữa Lò Rèn GAP chủ yếu là xuất khẩu, thế nhưng năm 2009, HTX này chỉ xuất được 5/500 tấn.
“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi mới xuất khẩu được 10 tấn vú sữa” - ông Ngàn cho biết. Tuy nhiên, HTX vừa được nhiều công ty đặt hàng và dự kiến tháng 12-2010 sẽ xuất khẩu nhiều lô vú sữa sang các nước châu Âu. “Chúng tôi đã có đơn hàng từ các thị trường Anh, Canada... cho vụ tới. Tôi tin chắc có thể tiêu thụ hết lượng vú sữa của nông dân” - ông Ngàn tỏ ra lạc quan.