Đây là cảnh báo của nhiều chuyên gia thương mại khi nói về xuất khẩu trái cây Việt Nam trong bối cảnh gia nhập WTO. Sản phẩm trái cây Việt Nam đã và đang bộc lộ những nhược điểm trong quá trình tổ chức sản xuất, bảo quản sau thu hoạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi yêu cầu của người tiêu dùng trên thế giới ngày càng cao. Gia nhập WTO, một trong những thách thức mà các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, trong đó có trái cây phải đối mặt là các luật, hiệp định, cam kết của Việt Nam. Trong đó có Hiệp định SPS (Hiệp định vệ sinh dịch tễ kiểm dịch động, thực vật) được các nước thành viên đưa ra nhằm bảo đảm người tiêu dùng được cung cấp các sản phẩm an toàn cho sức khoẻ.
Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, công tác tại Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, luật chơi về an toàn thực phẩm đòi hỏi trái cây Việt Nam cần có chứng chỉ nông nghiệp an toàn (GAP). Một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá uy tín cho trái cây tham gia thị trường là trái cây đó được sản xuất theo quy trình nào. Người trồng phải cho người tiêu dùng biết được trái cây của họ được trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hái, bảo quản ra sao. Tất cả các công việc đó phải có hồ sơ theo dõi và theo quy trình sản xuất nhất định, chẳng hạn như thực hiện tiêu chuẩn EUREP GAP.
Khi nhà vườn đạt tiêu chuẩn EUREP GAP thì thị trường châu Âu sẽ tin cậy và trên cơ sở đó thị trường Mỹ cũng tin cậy. Vì vậy khi có chứng nhận EUREP GAP thì trái cây Việt Nam có thể vào được nhiều thị trường khó tính. Mục tiêu của EUREP GAP là đảm bảo nền kinh tế sản xuất nông nghiệp tốt và bền vững ở châu Âu và trên thế giới, phát huy một nền sản xuất bền vững và hợp nhất. Đồng thời giảm thiểu rủi ro của an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp và có một tiêu chuẩn được quốc tế công nhận...
Theo tiêu chuẩn của EUREP GAP, về kỹ thuật sản xuất, nhà vườn phải quản lý phòng trừ dịch bệnh tổng hợp (IPM), quản lý mùa vụ tổng hợp (ICM), giảm thiểu ảnh hưởng dư lượng hóa học trong sản phẩm. Sản phẩm yêu cầu không bị nhiễm vi khuẩn, hóa chất, không tự nhiên bị nhiễm. EUREP GAP đòi hỏi môi trường làm việc phải có phương tiện chăm sóc sức khoẻ và cấp cứu công nhân... Với tiêu chuẩn EUREP GAP, người ta có thể truy tìm nguồn gốc của sản phẩm từ nơi chúng được sản xuất. Nếu có vấn đề gì xảy ra thì có thể truy tìm được nguyên nhân từ nơi tiêu thụ về lại nơi chúng được sản xuất ra.
Thanh long là một trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng dễ thực hiện chương trình GAP. Bình Thuận là địa phương có diện tích thanh long lớn nhất nước. Nơi đây đã thí điểm thành công mô hình sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn EUREP GAP thông qua Dự án VNCI (Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh).
Với dự án này, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hỗ trợ, vận động nông dân thành lập Hợp tác xã thanh long Hàm Ninh tại Hàm Thuận Nam gồm 11 thành viên. Người tham gia hợp tác xã phải có diện tích sản xuất từ 1.000 trụ thanh long (1 ha) trở lên. Xã viên phải thực hiện những yêu cầu chung như trang bị kho vật tư, nhà ủ phân, nhà vệ sinh; kiểm tra đất, nước, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái thanh long; làm biển báo phân lô, thùng khóa bảo vệ cầu giao điện, hòm thư góp ý, đậy giếng nước... Mỗi xã viên phải có quyển số ghi chép những việc đã thực hiện trong quá trình sản xuất. Khâu quản lý chất lượng gồm: người phụ trách nhóm, kỹ thuật viên, kiểm soát viên, phụ trách đóng gói... đều được đào tạo và có bằng cấp.
Ông Nguyễn Thuận, Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long EUREP GAP Hàm Ninh cho biết, bước đầu, một số thành viên cảm thấy “khó chịu” với cách sản xuất mới, nhưng qua thời gian “rèn luyện”, mọi người quen dần với cách thức sản xuất mới.
Mô hình thí điểm sản xuất thanh long sạch tạo tiền đề cho người trồng thanh long sản xuất theo hướng an toàn cho người trồng, người tiêu dùng và bền vững cho môi trường. Tuy nhiên, đây là chương trình nhỏ lẻ so với cả nước hiện có 760 ngàn ha trồng cây ăn trái nhưng diện tích trồng manh mún theo từng hộ gia đình nhỏ lẻ. Theo ông Tiến, vấn đề là cần nhân rộng mô hình trên toàn bộ diện tích trồng thanh long và không chỉ trên cây thanh long, một số cây ăn quả khác cũng có thể và phải thực hiện quy trình GAP.
Vì vậy, việc tăng cường tập huấn chuyển giao quy trình sản xuất GAP cho các vùng trồng cây ăn trái là cần thiết. Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2005 đã có mô hình liên kết GAP sông Tiền, gồm 7 tỉnh và thành phố tham gia (Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp và thành phố Hồ Chí Minh).
Một trong những nội dung trọng tâm là Ban liên kết GAP đã tổ chức hội thảo, các lớp tập huấn về GAP cho các hợp tác xã, nhà vườn, trung tâm khuyến nông..; giúp các hợp tác xã thành viên thực hiện chương trình huấn luyện cho xã viên sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật sơ chế, bảo quản trái; thực hành GAP tại các hợp tác xã như hợp tác xã thanh long, hợp tác xã xoài, bưởi...