Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lâm Đồng: Băn khoăn trồng chè sạch theo GAP
19 | 05 | 2008
Lần đầu tiên mô hình trồng chè sạch theo hướng GAP được triển khai thử nghiệm tại TX Bảo Lộc, do Sở NN-PTNT và Chi cục BVTV tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Cty CP BVTV An Giang cùng xây dựng chương trình. Đây được xem là hướng đi đúng để sản phẩm chè có thương hiệu và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Trồng chè thời “bão giá”

Đánh giá thực trạng ngành chè Lâm Đồng và quá trình sản xuất phát triển chè nguyên liệu trên địa bàn, ông Phạm S, PGĐ Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết: Thời điểm trước giải phóng, diện tích chè của Lâm Đồng chỉ đạt khoảng 5.000 ha. Nhưng đến nay diện tích chè của toàn tỉnh đã tăng lên đến 26.692 ha, chiếm 22% diện tích chè của cả nước.

Lúc đầu, vùng Lâm Đồng chủ yếu canh tác giống chè Trung du hay chè lai tạp trồng bằng hạt. Tuy nhiên, những năm gần đây, các loại chè cao sản như TB 14, LĐ 97, LDP 1 và các giống chè cành Kim Tuyên, Tứ Qúy, Thúy Ngọc, Olong… đang được tập trung phát triển mạnh trên địa bàn. Chính vì diện tích chè cành cao sản hiện đang tăng nhanh, góp phần tăng năng suất lên 70- 75 tạ/ha, sản lượng chè cũng tăng từ 129.888 tấn (năm 2002) lên 182.833 tấn (năm 2007), tương đương 36.000 tấn chè thành phẩm. Bên cạnh đó, nhiều mô hình chè cành đạt năng suất tới 25-30 tấn/ha, cá biệt còn có vùng đạt 32-35 tấn/ha.

Nói về thực trạng canh tác chè hiện nay, nông dân Nguyễn Văn Pháp, ở thôn Thanh Hương I, xã Lộc Thanh, TX Bảo Lộc tâm sự: “Tôi trồng 2 ha chè, loại giống LĐ 97 và TB 14, với giá bán hiện nay 3.500 đ/kg, nhưng giá đầu tư phân bón, thuốc BVTV ngày càng tăng cao nên bình quân chỉ cho thu lời khoảng 20 triệu đồng/năm…”.

Theo ông Pháp, với mức thu này chỉ bằng phân nửa so với thời điểm “hoàng kim” năm 1996-1997, chè bán được giá 5.000-6.000 đ/kg nên bình quân thu từ 30-40 triệu đồng/năm. Hầu hết các nhà vườn đều cho biết, bà con vẫn giữ lối canh tác truyền thống, mạnh ai lấy làm, phun xịt thuốc theo cảm quan (thấy sâu bệnh là xịt). Đầu ra chủ yếu bán tươi cho thương lái tại vườn để cung cấp cho các nhà máy chè, nhưng nhiều khi nhà vườn vẫn bị ép giá, không bán nhanh sẽ bị già lứa, bán không được giá. Thời vụ thu hoạch rộ chè vào khoảng tầm tháng 7 đến tháng 8 hàng năm, đây cũng chính là thời điểm giá chè thường bị tụt xuống thấp nhất (tụt từ 1.000-1.200 đ/kg).

Ông Trương Cát Ích, HTX chè Thống Nhất, phường B’Lao cũng cho rằng, người trồng chè tuy có nguồn thu nhập thường xuyên (cứ 10 ngày lại cho hái một đợt), nhưng các nhà vườn hiện phải đối mặt với “thời bão giá”, vật tư tăng cao gần 50% so với năm ngoái. Do vậy, thu nhập từ chè bị giảm nên bà con không đủ tái đầu tư, dẫn đến năng suất và sản lượng chè ngày một giảm.

Băn khoăn với chè GAP

Ông Nguyễn Quốc Chiến, Cty TNHH chè Hùng Vương đánh giá thực tế diện tích sản xuất chè trên toàn địa bàn hiện vẫn còn rất manh mún, việc thay đổi tập quán canh tác truyền thống của người dân là rất khó. Có thể chỉ vì lợi nhuận riêng sẽ xoá nhoà nhận thức của các nhà vườn cần phải thực hiện theo GAP hay IPM trên chè...

Hơn nữa việc quản lý thuốc BVTV trên địa bàn cũng còn nhiều bất cập. Các loại thuốc BVTV nằm ngoài danh mục vẫn bày bán công khai, tràn lan và chính người dân cũng không thể phân biệt được loại thuốc để mua về sử dụng cho đúng. Cũng theo ông Chiến, đầu ra tại các cơ sở chế biến chè đang “nở rộ” trên địa bàn. Các loại dây chuyền chế biến nhỏ lẻ, trang bị rất thô sơ đơn giản, do đó nhiều cơ sở chế biến mini hiện không thể đáp ứng được VSATTP. Thực tế có cơ sở sản xuất, chế biến chè chỉ với 300 m2 nhưng mỗi ngày cho sản xuất ra được 30 tấn chè và tung ra nhiều loại chè từ thượng hạng đến bình dân… bán giá nào cũng có (?).

Còn ông Võ Quang Vỵ, Cty chè cà phê Tâm Châu (Lâm Đồng) cho rằng, là địa bàn đi tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất giống chè cao cấp, nay bắt đầu vào triển khai mô hình trồng chè theo hướng GAP là rất tốt. Các nhà vườn và doanh nghiệp chè cần phải phối hợp hỗ trợ nhau để cùng tạo ra sản phẩm và xây dựng thành công thương hiệu chè sạch, cao cấp.

Tuy nhiên, để triển khai rộng mô hình sản xuất chè theo GAP cũng không phải đơn giản vì chỉ cần so sánh giữa giá thành chè trong mô hình với ngoài mô hình đã khiến bà con nản. Làm theo GAP phải tuân thủ tuyệt đối các điều kiện ngay từ khâu giống, chăm sóc, thu hoạch… nhưng giá sản phẩm chè GAP liệu có tăng cao ngay được không hay vẫn bán đồng giá với chè…không GAP? Đây cũng là những băn khoăn của không ít các nhà vườn khi bắt tay vào làm mô hình trồng chè theo GAP!?





Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường