Giá cá tra sụt giảm thê thảm dẫn tới lắm chuyện: Người nuôi bị các mối đầu tư thức ăn cho mình tranh giành thu tiền bán cá, đề nghị phong tỏa tài khoản lúc họ thu hoạch; có người nuôi nợ thức ăn tiền tỉ, quay qua đổ thừa thức ăn không đạt chuẩn để quỵt nợ, rồi kéo nhau ra tòa ì xèo…
Bên trong việc nuôi trồng, chế biến cứ loay hoay mãi thì bên ngoài đạo luật nông trại của Mỹ (Farm Bill) một lần nữa lăm le bắt chẹt cá tra Việt Nam. Vì thế, chuyện con cá tra lại được đặt lên bàn tròn “Thủy sản Việt Nam: Tiềm năng phát triển và hội nhập” trong khuôn khổ Festival thủy sản Việt Nam lần 1 đang diễn ra tại Cần Thơ.
Có ý kiến đề nghị bây giờ cần chú ý mối liên kết hai nhà chứ không phải bốn nhà mà chúng ta hay nói lâu nay. Đó là nhà nông - nhà doanh nghiệp (DN), trong đó lấy DN làm trung tâm, còn nhà nước và nhà khoa học chỉ mang tính hỗ trợ. Bởi có một nguyên nhân xuất phát từ DN, cụ thể là dù có nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản mà giá cá tra Việt Nam vẫn cứ rớt. Có quá nhiều nhà máy ra đời và để cạnh tranh tìm chỗ đứng, nhiều DN ra chiêu hạ giá xuất khẩu từ xấp xỉ 4 USD/kg cá phi lê xuống còn 3 USD, thậm chí dưới 2 USD. Có DN còn “áp dụng” tăng tỉ lệ mạ băng, thuốc tăng trọng vượt mức cho phép… Những cách làm ăn chụp giật đó dù chỉ là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng lâu ngày đã gieo vào lòng người tiêu dùng nước ngoài những hoài nghi thường xuyên về an toàn thực phẩm đối với cá tra Việt Nam. Đó cũng là cái cớ để cá tra Việt Nam bị o ép mà đạo luật Farm Bill của Mỹ là một điển hình.
Theo một chuyên gia nước ngoài, trong 10 nước đứng đầu về nuôi trồng thủy sản thì Việt Nam đứng hàng thứ ba sau Trung Quốc, Ấn Độ và được đánh giá là nước phát triển nhanh nhất. Đã đến lúc người nuôi cần quan tâm làm ăn bài bản, hướng đến chuẩn quốc tế, chuẩn khu vực, còn nhà DN phải làm ăn uy tín. Như vậy thì mới có thể thành công trong việc xây dựng bộ mặt mới khẳng định thương hiệu cá tra Việt Nam trên trường quốc tế.