Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sữa vào đợt tăng giá mới
14 | 12 | 2009
Giá sữa Dielac 123 của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) bán ra tại các đại lý đã tăng 124.000 - 132.000 đồng/hộp. Mức tăng giá lần này theo tính toán của Vinamilk là 6%.

Nguyên nhân buộc Vinamilk phải tăng giá sữa, theo bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Vinamilk, là do giá nguyên liệu đầu vào tăng quá cao (giá đường tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2008, tỷ giá USD cũng tăng khoảng 6%), khiến chi phí nhập khẩu sữa nguyên liệu bị đội thêm 900.000 USD/tháng.

“Trong làn sóng tăng giá sữa năm 2008, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp cam kết giữ giá ổn định nhất. Dựa theo mức tăng giá nguyên liệu đầu vào, để bù đắp chi phí, giá bán sản phẩm của Vinamilk phải tăng trên 30%, nên việc chỉ tăng giá bán 6% là một nỗ lực lớn của Công ty”, bà Hương nói.

Giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất sữa tăng cao được các doanh nghiệp đưa ra làm lý do chính cho việc tăng giá, hoặc chuẩn bị tăng giá. Với thực tế giá đường, giá sữa nguyên liệu nhập khẩu, giá bao bì... tăng do tỷ giá biến động, nhiều doanh nghiệp sản xuất sữa cũng đang tính đến việc tăng giá trong nay mai.

Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) với các sản phẩm chủ yếu là sữa tươi thanh trùng thương hiệu Purina, z’Dozi, sữa chua Ba Vì... cũng đang tính đến khả năng tăng giá bán sản phẩm sữa, vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Ông Phan Sỹ Minh, Phó tổng giám đốc IDP cho biết do sản phẩm chủ yếu của IDP là sữa tươi và sữa chua, nên lượng sữa nguyên liệu nhập về không lớn như các doanh nghiệp sản xuất sữa bột, nhưng khối lượng bao bì nhập khẩu lại tăng rất cao.

“Với đà tăng giá nguyên liệu đầu vào như hiện nay, chắc chắn, doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh giá bán sản phẩm, vì nếu không điều chỉnh, doanh nghiệp sẽ bị lỗ”, ông Minh nói. Đề cập việc tăng giá bao nhiêu với sản phẩm sữa, ông Minh cho biết, mức tăng giá sản phẩm của IDP sẽ phụ thuộc vào tổng thể chung của nền kinh tế, với mức tăng dự kiến không quá 10%.

Giải thích cho việc chưa tăng giá bán ở thời điểm này, ông Minh nói: “Sở dĩ nhiều doanh nghiệp vẫn cam kết bình ổn giá bán sản phẩm trong điều kiện giá nguyên liệu đầu vào tăng là do còn tùy thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt là yếu tố cơ cấu sản phẩm của mỗi doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có sản phẩm đa dạng, làm được số lượng lớn, thì sẽ bù đắp được trong ngắn hạn và tạm thời chưa phải điều chỉnh giá. Tất nhiên, khi sự co kéo của doanh nghiệp đã đến giới hạn, thì việc tăng giá là tất yếu”.

Cùng chung quan điểm với IDP, đại diện Công ty Hancofood cho biết, do giá nguyên liệu đầu vào, tỷ giá và các chi phí khác đều tăng, nên việc giá sữa tăng 5% - 10% là hợp lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Công ty sẽ cố gắng thực hiện không tăng giá bán sản phẩm đến hết năm và để làm được điều này, Hancofood sẽ phải cắt giảm một số chi phí khác như quảng cáo, marketing...

IDP hoặc Hancofood là những doanh nghiệp đều đã có kế hoạch cụ thể cho việc cân đối sản xuất và tiêu thụ, cũng như giá bán sản phẩm ra thị trường. Tuy vậy, khả năng thị trường phải tiếp nhận thêm thông báo tăng giá mới của những doanh nghiệp khác là điều khó tránh, đặc biệt là thời điểm cuối năm đang cận kề và sức mua của nguời tiêu dùng như thông lệ sẽ có sự gia tăng mạnh mẽ.



Theo Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường