Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kiểm soát giá sữa trước khi tăng thuế
24 | 07 | 2009
Giá sữa bán lẻ có thể tiếp tục tăng nếu phương án điều chỉnh thuế nhập khẩu sữa của Bộ Tài chính được chấp thuận? Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có biện pháp kiểm soát giá sữa hiệu quả trước khi tăng giá. Dưới đây là góc nhìn của các chuyên gia, nhà quản lý...

Trẻ em là một trong những đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên khi giá sữa tăng cao. Trong ảnh: các cháu mẫu giáo Trường mầm non tư thục Hoa Sứ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM ăn sáng, sau đó uống sữa - Ảnh: N.C.T.

Ông Hồ Tất Thắng
(phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng VN - Vinastas):

Không nên tạo cớ cho tăng giá

Giá sữa nguyên liệu thế giới thời gian qua đã giảm mạnh và dù có tăng thuế cũng khó có khả năng tăng giá sữa. Tuy nhiên, trên thực tế giá một số sản phẩm sữa vẫn đang có xu hướng tăng. Gần đây các hãng sữa đã giảm hoa hồng cho các đại lý sữa nên nhiều đại lý tự ý tăng giá để không giảm lợi nhuận. Do đó chỉ cần một thông tin chung chung như tăng thuế sữa sẽ là cớ để các đại lý, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh tăng giá. Với khả năng quản lý giá sữa của VN và “thói quen” tăng giá vừa qua, nếu điều chỉnh thuế sữa, khả năng tăng giá sẽ đi ngay sau đó là rất hiện thực. Vì vậy, Vinastas đề nghị không nên tạo cớ khiến giá sữa có cơ hội tăng, gây thiệt hại thêm cho người tiêu dùng.

Hai phương án của Bộ Tài chính

Phương án 1: Giữ nguyên thuế đối với mặt hàng sữa bột chưa pha thêm đường hoặc chất tạo ngọt khác ở mức 3%, các loại sữa bột đã pha thêm đường, các thành phần khác ngoài thành phần sữa tự nhiên hoặc sữa dùng cho y tế từ mức 5-10% thống nhất về mức 7%.

Phương án 2 (Bộ Tài chính cho là hợp lý và sẽ nghiêng về hướng này): Nâng thuế sữa chưa pha thêm đường và các chất tạo ngọt khác từ 3% lên 5%. Sữa dùng cho y tế sẽ được giữ nguyên ở 5%. Các mặt hàng sữa đã pha thêm đường, có thêm các thành phần khác không có trong sữa tự nhiên, mức thuế sẽ thống nhất ở 7% thay vì từ 7-10% như hiện tại.

Vinastas không phản đối việc điều chỉnh thuế sữa, điều này có thể giúp tăng nguồn thu ngân sách, nhưng theo chúng tôi chưa nên chọn thời điểm này. Cần sửa quy định để kiểm soát giá sữa trước khi thực hiện các biện pháp có thể khiến giá sữa biến động thêm, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Vũ Văn Trường
(vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính):

Có tăng có giảm

Hiện cùng mặt hàng sữa bột, mức độ chế biến khác nhau không nhiều nhưng mức thuế suất lại khác nhau sẽ gây bất hợp lý và không thống nhất. Vì vậy, Bộ Tài chính đã đưa ra hai phương án để điều chỉnh lại mức thuế đối với một số sản phẩm sữa bột.

Trong văn bản xin ý kiến các bộ ngành và Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng, chúng tôi đã nêu rõ lần điều chỉnh thuế sữa lần này của Bộ Tài chính không chỉ tăng thuế mà có tăng có giảm.

Về việc tăng 2% thuế sữa chưa pha thêm đường và các chất tạo ngọt khác (từ 3% lên 5%), chúng tôi tính toán tác động là rất nhỏ, cơ bản không thể khiến tăng giá sữa. Nhiều loại sữa trên thị trường hiện nay, với việc áp mức thuế mới, giá thành của một số loại tăng cao nhất cũng chưa đến 100 đồng. Vả lại với mức thuế sẽ thống nhất ở 7% thay vì 7-10%, thực chất là một số loại sữa được giảm. Vì thế, Bộ Tài chính sẽ lắng nghe ý kiến của Vinastas nhưng cũng phải tổng hợp và xem xét sẽ tiếp thu.

TS Nguyễn Minh Phong
(Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội):

Đề nghị kiểm định sữa ngoại

Theo Vinastas, hiệp hội này đang đề nghị kiểm định lại các mặt hàng sữa đang quảng cáo có nhiều vi chất vượt trội xem có thật có những chất đó hay không. Đây là cơ sở để người tiêu dùng có thể lựa chọn các mặt hàng theo đúng chất lượng, tránh mua của đắt để thỏa mãn tâm lý là chính, tạo cơ hội cho nhiều hãng sữa tăng giá.

Lãnh đạo Vinastas cũng cho biết sẽ chính thức đề nghị sửa thông tư 75-2008 của Bộ Tài chính quy định điều kiện để có thể áp dụng các biện pháp bình ổn giá là giá sữa tăng liên tục trong 15 ngày và mức tăng lên đến trên 20% so với thời điểm trước tăng giá. Nếu cứ theo quy định này, theo Vinastas, doanh nghiệp sẽ dễ dàng lách và Nhà nước không thể kiểm soát được giá sữa.

Có thể đưa giá trần cho sữa

Với mức điều chỉnh chỉ 2-3%, theo tôi, giá sữa sẽ không bị tác động nhiều. Tuy nhiên, giá sữa tại VN hiện đã ở mức cao, người tiêu dùng bị thiệt hại một thời gian dài nên cần chuẩn bị cho những tác động xã hội khó lường không tốt khi điều chỉnh thuế sữa, đặc biệt là khả năng tăng giá của các nhà kinh doanh.

Theo tôi, trong quản lý giá sữa hiện nay theo cơ chế thị trường là đúng nhưng chúng ta còn quá nhiều kẽ hở. Cần khép ngay kẽ hở này lại. Đặc biệt là quy định doanh nghiệp phải tăng liền trong 15 ngày và mức tăng lên đến trên 20% so với thời điểm trước tăng giá mới bị đưa vào diện bình ổn giá là kẽ hở cần lấp ngay.

Doanh nghiệp quá dễ dàng khi lợi dụng quy định trên. Ngoài ra, do còn độc quyền nên Nhà nước có thể đưa ra giá trần với sữa. Mức trần này được soạn thảo dựa trên giá các nước trong khu vực, có điều kiện tương đồng cộng với chi phí vận chuyển và lợi nhuận hợp lý. Nên quy định lợi nhuận cho phép chỉ khoảng 20-50% là cao. Mức lợi nhuận có nơi lên tới 250% hiện nay là không thể chấp nhận khi các doanh nghiệp khác lãi 15% trên vốn đã khó.

TS Đỗ Kim Tuyên
(trưởng phòng gia súc lớn, Cục Chăn nuôi):

Thuế thấp nhưng giá vẫn cao

Đối chiếu mức thuế hiện tại VN đang áp dụng đối với một số loại sữa là 3-5% với lộ trình điều chỉnh thuế theo cam kết WTO, chúng tôi nhận thấy VN đang dùng mức thuế quá thấp. Nhưng nghịch lý là thuế thấp, giá thế giới giảm nhưng giá sữa tại VN vẫn cao và vẫn tăng. Nếu theo phương diện cá nhân, tôi cũng như nhiều người sẽ không đồng ý điều chỉnh thuế sữa vì việc này có thể khiến giá sữa tăng. Tuy nhiên tại VN đôi khi giảm thuế sữa giá sữa vẫn tăng, nên vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao quản lý được mặt hàng này, cả về giá và chất lượng để đảm bảo cơ chế thị trường lành mạnh.

(Theo Tuổi Trẻ)



Báo cáo phân tích thị trường