Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các chi cục quản lý thị trường, sở tài chính, công thương, cục thuế và các ban ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra giá các hàng hoá nói chung và mặt hàng sữa nói riêng, kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về quản lý giá, bán hàng hoá, dịch vụ theo đúng giá; việc đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết và công khai thông tin về giá hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật, không để các DN, cá nhân lợi dụng tăng phí tuỳ tiện, trái pháp luật.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND các địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá sữa trên địa phương bằng các biện pháp: Chỉ đạo các cơ quan tiến hành kiểm tra ngay các DN sữa và các đại lý trên địa bàn về thực hiện kết quả thanh tra tài chính và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý giá, thực hiện các biện pháp về kinh tế, hành chính theo thẩm quyền.
Cụ thể, những biện pháp nóng có thể được áp dụng là: Đình chỉ thực hiện các mức giá hàng hóa và dịch vụ do DN đã quyết định và yêu cầu thực hiện các mức giá trước khi có biến động bất thường; phạt cảnh cáo, phạt tiền, thu hồi chênh lệch giá do tăng giá bất hợp lý hoặc tăng giá do tăng phí hoa hồng, phí quảng cáo so với quy định hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý giá; kiểm soát chi phí, cơ cấu hình thành giá của các DN sữa, kiểm tra việc niêm yết giá.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương cần xử lý nghiêm minh các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt... không để xảy ra tình trạng đột biến về giá tại địa phương. Sở tài chính có báo cáo nhanh về tình hình và kết quả kiểm tra, thanh tra, tình hình thị trường, giá sữa tại các địa phương hiện nay và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 20.1.2010.