Sữa bột Việt Nam đắt nhất thế giới?
Theo báo cáo của Trung tâm thông tin phát triển nông nghiêp- nông thôn, sản lượng sản xuất sữa của Việt Nam liên tục tăng từ năm 2001 đến nay với tốc độ trung bình khoảng 19%/năm. Tuy nhiên, sản lượng này chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu nội địa; hơn 70% nhu cầu còn lại là NK (trong đó 50% là nguyên liệu, 22% là sữa thành phẩm).
Trong nhiều năm qua, trong bối cảnh giá sữa XK của các nước giảm mạnh thì giá sữa nguyên liệu trong nước lại có chiều hướng tăng nhẹ. Đặc biệt, các mặt hàng sữa bột NK còn tăng mạnh mẽ hơn. Đây có thể nói là một sự bất thường của thị trường sữa Việt Nam. Thậm chí sau khi biểu thuế mới được áp dụng từ 9/3/2009 (thời điểm thuế NK các mặt hàng sửa đều giảm 5-10%) cộng hưởng với việc giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm mạnh nhưng giá bán các mặt hàng sữa bột tại Việt Nam không hề “giảm nhiệt” mà còn liên tiếp tăng lên.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Tổng Giám đốc Nutifood: “Thực tế ở Việt Nam, một sản phẩm cùng chức năng, cùng thành phần dinh dưỡng và cùng đối tượng như nhau, với dây chuyền sản xuất vượt trội do đầu tư sau và vùng nguyên liệu tương đương nhưng sản phẩm ngoại nhập lại đắt gấp 2- 3 lần”. Đồng quan điểm này, đại diện Vinamilk cũng bổ sung ý kiến, với trên 200 chủng loại sữa có chất lượng không thua kém hàng ngoại, việc cùng cạnh tranh như vậy lẽ ra người tiêu dùng càng phải được phục vụ tốt hơn về giá cả và chất lượng, nhưng thực tế thì mặt hàng sữa bột của Việt Nam lại đang quá đắt.
Tiến sĩ Vũ Thị Bạch Nga- Trưởng ban bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh- cho biết: kết quả khảo sát cho thấy, giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam so với các nước đang phát triển như Thái lan, Malaysia, Indonesia nhìn chung cao hơn từ 20 đến 60%, có trường hợp cao gấp hơn 2-3 lần. Chẳng hạn sữa Ensure gold (hãng ABBOT) nhập từ Mỹ tại một số điểm ở Việt Nam bán cao hơn 20- 30% so với Thái Lan, sữa Pedia Sure giá cao hơn 20% so với Thái Lan, 25- 30% so với Malaysia và Indonesia; sữa Enfa Grow A+ cao hơn Malaysia khoảng 50%; Enfa Grow 3A+ cao hơn giá Thái Lan 60%; sữa NAN H.A1 Pro (hãng Nestle) cao hơn giá Malaysia khoảng 65,2%; đặc biệt sữa Dugro 1, 2, 3 (DUMEX) cao hơn giá các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia 2- 3 lần.
Từ khảo sát trên cho thấy, hiện tượng giá sữa NK vào Việt Nam cao hơn so với nhiều nước là khá rõ ràng, đặc biệt đối với các nước có điều kiện sống tương tự như Thái Lan, Maylaysia, Indonesia. Tuy nhiên theo bà Nga, chưa có đủ thông tin để kết luận giá sữa Việt Nam cao nhất thế giới.
Nguyên nhân đẩy giá sữa lên cao
Theo ông Trần Văn Điển, Phó trưởng phòng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, hiện nay thị trường sữa Việt Nam còn phụ thuộc chủ yếu vào NK, vì thế các hãng nước ngoài bán vào Việt Nam chỉ giảm giá nguyên liệu chứ nhất định không giảm giá bán sữa thành phẩm nên đẩy giá sữa tăng cao rất nhiều so với nhiều nước. Bên cạnh đó, một nguyên nhân được cho là phi lý khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt, là dù kinh tế suy thoái, nhưng các công ty kinh doanh sữa trong nước vẫn để mức lợi nhuận như trước suy thoái mà không chia sẻ với người tiêu dùng.
Ông Vương Trí Dũng, Phó chi Cục trưởng chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định: Có vấn đề hạ thấp giá nhập khẩu khi tính thuế nhằm gian lận thuế, có sự thỏa thuận gửi giá, hạ giá NK của nhà nhập khẩu với công ty xuất khẩu mà chúng ta có thể kiểm chứng qua giá sữa cùng loại khi báo giá qua một số nước có thuế nhập khẩu sữa bằng 0% như Campuchia.
Trong khi đó, đại diện Hội người tiêu dùng nữ thì cho rằng, do giá nhập khẩu sữa bị đẩy lên quá cao và tâm lý người Việt Nam “xính” đồ ngoại, tiền nào của nấy nên các công ty nhập khẩu coi đây là một chiêu “hút hàng” và nhất định không giảm giá.
Làm gì để bảo vệ người tiêu dùng
Các chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát giá với các sản phẩm nước ngoài là chưa đủ, bởi các công ty đa quốc gia có thể chuyển giá “lách luật”. Do vậy, để giải quyết tận gốc việc tăng giá sữa hiện nay là phải thông tin rõ ràng cho người tiêu dùng về chất lượng các sản phẩm sữa chứ không phải áp dụng các biện pháp hành chính, vì người tiêu dùng vẫn sẵn sàng bỏ tiền cho các sản phẩm ngoại nhập.
“Về thành phần dinh dưỡng cơ bản, các loại sữa nội và ngoại đều giống nhau, sữa nội do đóng gói trong nước nên chi phí sản xuất rẻ hơn dẫn đến giá thành sản phẩm rẻ hơn”- bà Hương chia sẻ.
Tại hội thảo, đại diện Cục Quản lý giá khuyến cáo Hội bảo vệ người tiêu dùng cần phối hợp với các cơ quan chức năng định hướng cho người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm sữa có giá cả phù hợp với chất lượng, tăng tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước. Giá sữa cao với chất lượng cao có thể chấp nhận do nhu cầu sử dụng, nhưng giá sữa cao do chênh lệch giá mà Nhà nước không thu được thuế và người tiêu dùng bị mua đắt thì phải có sự xem xét can thiệp của các cơ quan nhà nước.
“Cần xem xét có sự tiếp tay, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý tại khâu này không ?”, ông Vương Trí Dũng khẳng định.
Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, sữa là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, vì vậy, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan cần triển khai quyết liệt hơn nữa các hoạt động thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm.