Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Siêu thị dừng bán sữa thiếu đạm
19 | 03 | 2010
Đề nghị nâng giá thu mua sữa nguyên liệu lên 8.000 - 9.000 đồng/kg
Sau khi Thanh tra Sở Y tế TPHCM công bố danh sách 11 loại sữa có mẫu kiểm nghiệm hàm lượng protid và lipit không đạt tiêu chuẩn lưu hành trên thị trường, nhiều siêu thị đã rút các loại sữa bột được cho là thiếu đạm như Milk Milk, Gold Milk Gold IQ, sữa bột Gold Milk Gold grow Gold Milk, Uclady, MilkTos… ra khỏi các quầy kệ. Tại hệ thống Co.opMart, Citimart, hệ thống siêu thị Big C... đều xác nhận không kinh doanh những loại sữa vừa bị công bố thiếu đạm. Các siêu thị này chỉ kinh doanh những sản phẩm có thương hiệu đã tạo được uy tín như Vinamilk, Nutifood, Hancofood…

Khác với các siêu thị, tại một số sạp ở các chợ lẻ như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Cũ (quận 1)… vẫn còn bày bán các loại sữa này. Theo giới kinh doanh các sản phẩm sữa, giá của các sản phẩm sữa vừa bị liệt kê thiếu đạm có giá thấp hơn so với những sản phẩm cùng loại nên cũng có khách hàng thu nhập thấp chọn mua. Tuy nhiên, thị phần các sản phẩm này trên thị trường chỉ chiếm chưa đến 1%.

Ngày 18-3, thượng tá Lê Minh Châu, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC 36) Bình Dương, cho biết, số lượng sữa quá hạn sử dụng mà cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ tại khu chứa phế liệu của Công ty TNHH một thành viên Thế Giới Xanh vào ngày 16-3 (Báo SGGP đã đưa tin trong hai ngày 16 và 17-3) có tổng khối lượng 72 tấn. Số sữa này nằm trong lô hàng 105 tấn sữa nghi nhiễm melamine của Công ty Anco bị cơ quan chức năng phát hiện vào ngày 10-8-2008 và sau đó Sở TN-MT Bình Dương yêu cầu Anco tiêu hủy trước ngày 30-10-2009. Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ vì sao số sữa hỏng này bị tuồn ra ngoài và những đối tượng có liên quan.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TPHCM cho rằng người tiêu dùng nên xác định rõ khi chọn mua sữa vì những sản phẩm sữa vừa bị phát hiện thiếu đạm, được sản xuất trong nước nhưng phần lớn là sản phẩm của những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chiếm thị phần rất ít trên thị trường. Chính vì thế không nên vội vàng tẩy chay sữa nội.

Để không xảy ra trường hợp “tiền mất tật mang”, người tiêu dùng nên chọn mua những sản phẩm đã có thương hiệu. Riêng vấn đề quản lý nhà nước, ông Hòa cam kết sẽ thường xuyên kiểm tra định kỳ hàng tháng, lấy mẫu bất kỳ thử nghiệm để phát hiện và loại trừ dần dần những sản phẩm kém chất lượng ra khỏi thị trường bằng cách công bố rộng rãi danh sách những cơ sở làm ăn gian dối lên các phương tiện truyền thông nhằm bảo vệ sức khỏe người dân vừa góp phần làm trong sạch thị trường, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ngày 18-3, Hội Nông dân (HND) TPHCM cho biết, nhiều người nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… đang phải lao đao vì giá sữa nguyên liệu chỉ tăng có vài trăm đồng cho mỗi ký sữa trong khi chi phí, thức ăn chăn nuôi tăng gấp đôi, khiến người nuôi thua lỗ, buộc phải bán tháo bớt đàn bò sữa. Cụ thể, giá cám tăng hơn 25.000 đồng/bao 25kg, hèm bia và xác mì tăng 4.000 đồng/bao 30kg và giá cỏ khô tăng gấp 2 lần, khoảng 800 - 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, hơn tháng qua, Vinamilk chỉ mới tăng giá thu mua sữa nguyên liệu với mức cao nhất từ 7.450 lên 7.670 đồng/kg (tăng 320 đồng/kg).

Với giá thu mua sữa nguyên liệu trên của Vinamilk, chỉ những hộ chăn nuôi quy mô từ 20 con bò sữa trở lên mới có lãi. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số hộ nuôi quy mô như trên lại ít, trong khi đó phần lớn là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ 3 - 5 con với hơn 1.700 hộ, nên người nuôi khó có thể cầm cự nếu tình trạng này kéo dài. Với chi phí, thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, giá thu mua sữa phải từ 9.000 đồng/kg, người nuôi bò sữa mới có lãi. Hiện nay, doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng với nông dân thu mua sữa nguyên liệu với giá dao động 5.500 - 7.670 đồng/kg tùy thuộc vào các chỉ tiêu (vệ sinh chuồng trại, độ vi sinh trong sữa…) đạt được, nhưng rất ít hộ nuôi bán được giá 7.000 đồng/kg.

Thực tế qua khảo sát 100 hộ nuôi bò sữa của HND TP vừa qua, kết quả cho thấy giá thu mua sữa bình quân hiện nay chỉ đạt 6.500 đồng/kg. Trong thời gian tới, HND TP sẽ có văn bản gởi các cơ quan chức năng và DN thu mua sữa đề nghị xem xét nâng giá thu mua sữa lên 8.000 - 9.000 đồng/kg để người dân có lời, duy trì và phát triển đàn bò sữa.



(SGGP)
Báo cáo phân tích thị trường