Ban chỉ đạo 127 TƯ (chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại- PV) vừa có văn bản số 18/BCĐ-QLTT (ngày 24/3) kiến nghị lên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chuyển trách nhiệm chính trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát mặt hàng sữa cho Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia về Vệ sinh an toàn thực phẩm chủ trì.
Theo Ban chỉ đạo 127 TƯ, trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng Vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thực phẩm nói chung và sữa nói riêng trước hết thuộc về Bộ Y tế. Bộ Công Thương và Ban chỉ đạo 127 TƯ chỉ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên ngành trong công tác kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này.
Ban chỉ đạo 127 TƯ cũng kiến nghị Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế cần có các biện pháp để xác định và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các tiêu chí cụ thể và mức độ kém chất lượng của sữa và các sản phẩm từ sữa được xem là hàng giả và không đủ tiêu chuẩn chất lượng lưu hành để cơ quan chức năng có căn cứ pháp lý xử lý.
Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, kiêm Phó ban thường trực Ban chỉ đạo 127 TƯ cho rằng việc phân lại trách nhiệm nhằm giúp công tác thanh tra đạt hiệu quả cao, đúng quy định hiện hành của pháp luật và tránh chồng chéo giữa các cơ quan.
Về phía Bộ Công Thương- theo ông Tú- chỉ quản lý về quy hoạch phát triển ngành, duyệt về kế hoạch đầu tư và có quyền yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố thực hiện quy hoạch về phát triển khu công nghiệp, tránh mất cân đối đầu tư, quy hoạch, đảm bảo điều kiện phát triển sản xuất, công nghệ.
Được biết, Ban chỉ đạo 127 TƯ đã nhận được một văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (văn bản số 983, ngày 19/2/2009), giao cho Ban này chủ trì triển khai các giải pháp khắc phục, xử lý kiên quyết việc sản xuất và bán các sản phẩm sữa kém chất lượng từ nay đến tháng 6/2009 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2009.
Trước đó, hôm 4/2, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN (TCVBV NTDVN) đã chính thức công bố kết quả khảo sát chất lượng sữa bột. Cụ thể, vào tháng 9/2008, Hội TCVBV NTDVN đã tiến hành mua ngẫu nhiên 20 mẫu sữa bột gồm 20 loại sữa khác nhau - được bán tại các chợ, siêu thị ở TP.Hồ Chí Minh đưa đến cơ quan chức năng phân tích hàm lượng đạm có trong sữa. Kết quả là: 10 mẫu (chiếm 50%) số mẫu không đạt tỉ lệ đạm như công bố trên nhãn, trong đó có 1 mẫu không công bố hàm lượng đạm trên nhãn. Có 6 mẫu (chiếm 30%) có tỉ lệ đạm rất thấp dưới 10% và đặc biệt có 4 mẫu sữa có tỉ lệ đạm cực thấp - dưới 2%; điển hình là mẫu sữa bột béo Hà Lan trên nhãn ghi thành phần đạm là >24%, song kết quả thử nghiệm chỉ có 0,5%...