Sữa tươi ghi sai nhãn mác là đánh lừa khách hàngThị trường sữa tại TP HCM trở nên đìu hiu sau những thông tin sữa bột khô hô biến thành tươi. Ở phố sữa Nguyễn Thông, tình cảnh ế ẩm sữa tươi lây sang cả các mặt hàng sữa bột sản xuất trong nước, khiến tiểu thương càng thêm mất ăn mất ngủ.
Nhiều khách đến chỉ hỏi mua các loại sữa ngoại để thay thế, trong khi họ là khách quen lâu nay thường mua hàng nội", chủ cửa hàng sữa góc đường Nguyễn Thông - Lý Chính Thắng, cho biết. Bán được sữa ngoại, song chủ cửa hàng lấy làm buồn vì tồn đọng một lượng lớn sữa nội đã nhập từ trước.
Trao đổi với VnExpress, hầu hết khách hàng đều cho rằng: "Cảm giác bị nhà sản xuất lừa".
Bà Thái Ngọc Chi, phụ huynh học sinh một trường mầm non chuẩn quốc gia tại TP HCM, tâm sự, gia đình bà hụt hẫng khi biết những thông tin sữa tươi có thể không phải tươi. Do bận công việc, lại nghĩ rằng sữa tươi bổ hơn, nên bà thường xuyên cho con uống sữa bịch nylon của Vinamilk. Giờ bà chuyển hẳn sang sữa bột, mà còn rất băn khoăn: "Không biết lâu nay con mình dùng sữa tươi có đảm bảo chất lượng dinh dưỡng không, có ảnh hưởng đến sức khỏe không".
Bà Trần Thị Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, đại biểu Quốc hội: "Tôi chưa tìm hiểu kỹ lắm những thông tin xung quanh vụ sữa tươi sữa bột, nhưng nếu quả thực đúng như báo chí đưa thì các doanh nghiệp sản xuất sữa đang gian lận thương mại. Sữa không chỉ là mặt hàng tiêu dùng thông thường mà là mặt hàng tiêu dùng đặc biệt, có tác dụng rất lớn tới sức khỏe, nhất là trẻ em, vì thế nó được Bộ Y tế quản lý. Với những doanh nghiệp đã có tên tuổi như Vinamilk, được nhận danh hiệu đơn vị anh hùng mà vi phạm như thế thì không ổn. Bản thân họ phải xem lại mình". |
Bà Chi càng thất vọng hơn khi nghe lời phân bua của lãnh đạo của Vinamilk: "Thà họ cứ nói hẳn một câu xin lỗi đi, rồi giải thích thế này khác nghe vẫn thấy thỏa mãn hơn là nhận lỗi, rồi chỉ sửa bao bì. Nếu sức khỏe con tôi có vấn đề thì ai sẽ chịu trách nhiệm".
Nhiều chuyên gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở phía Nam mặc dù thận trọng cho rằng cần chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng, nhưng vẫn nhấn mạnh, các nhà sản xuất cần biết nói câu xin lỗi người tiêu dùng sau vụ việc sữa tươi. Việc cổ phiếu Vinamilk lập tức sụt giảm mạnh trong hôm nay, theo các chuyên gia bảo vệ người tiêu dùng, chính là câu trả lời của khách hàng đối với giãi bày của nhà sản xuất này về sữa tươi hôm qua.
Quyền lợi người tiêu dùng bị bỏ rơi
Một chuyên gia hoạt động trong tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ở TP HCM cho rằng, không thể chấp nhận tình trạng nhà sản xuất thực phẩm lợi dụng sự thiếu hiểu biết về dinh dưỡng của một bộ phận người tiêu dùng để ghi nhãn mập mờ, đánh lừa khách hàng.
Thậm chí, các dự luật sắp tới trình ra Quốc hội như Cạnh tranh, Quản lý chất lượng hàng hóa... cũng không nói nhiều đến vấn đề bảo vệ người tiêu dùng hoặc chỉ đề cập rất chung chung. "Nếu luật không quy định nghiêm và chặt chẽ thì rất khó đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng, cũng không chế tài nghiêm đơn vị vi phạm", chuyên gia này nhấn mạnh.
Mới đây, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng phía Nam đã cùng ngồi lại với đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) để bàn về các phương án tính toán bồi thường thiệt hại cho khách hàng trong vụ xăng pha aceton. Chưa có phương án chính thức nào được chốt lại sau cuộc họp, bởi lẽ không có quy định về cách thức xác định thiệt hại để đền bù, chi phí xã hội phát sinh, hay về chuyện thu hồi, giao trả xăng bẩn.
Giới luật sư cho biết, có các quy định về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng lại nằm rải rác ở các văn bản luật và chưa đủ mạnh để răn đe đối với hành vi làm giả hàng hóa, chất lượng kém gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Theo Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Văn phòng Luật sư Hồng Hà, nếu căn cứ vào Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì khách hàng thiệt hại khi mua phải hàng giả, kém chất lượng đều có quyền khởi kiện, nếu hòa giải không thành với người bán.
Khó tìm bằng chứng để thắng kiện
"Người tiêu dùng rất khó có cơ hội thắng kiện vì thiếu chứng cứ tố tụng, ở đây là hóa đơn và biên bản ghi nhận thiệt hại", cũng ông Bình nói.
Theo ông, Nhà nước cần tạo ra một thiết chế xã hội cũng như pháp lý đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của số đông người tiêu dùng (nhưng lại là thế yếu) trước những nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Đồng thời cần phải phát huy vai trò của Toà án trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong một xã hội phát triển. VN đang đứng trước ngưỡng cửa WTO, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm và đạo đức kinh doanh mới mong chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.
Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 quy định: - Điều 9: "Người tiêu dùng có quyền đòi bồi hoàn, bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, giá cả đã công bố hoặc hợp đồng đã giao kết; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với việc sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng và việc thông tin, quảng cáo sai sự thật". Điều 17: "Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có trách nhiệm thu thập, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của người tiêu dùng; bồi hoàn, bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng theo quy định của pháp luật". - Điều 26 cũng quy định: "Người nào sản xuất, kinh doanh hàng cấm, thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm giả và các loại hàng giả khác; thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường, nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của con người, trái với thuần phong mỹ tục; thông tin, quảng cáo sai sự thật; gian lận trong cân, đong, đo, đếm hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật". Bên cạnh đó, quyền lợi của người tiêu dùng còn được bảo vệ bởi nhiều quy định trong các văn bản pháp luật khác như Bộ Luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Bảo vệ môi trường, Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa, Pháp lệnh Đo lường, Chất lượng… Luật Cạnh tranh 2004. |