Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kết thúc thanh tra sữa tươi, chưa công bố kết quả
02 | 08 | 2007
Đợt tổng thanh tra sản xuất sữa tươi trên toàn quốc do Bộ Y tế chủ trì bắt đầu từ 29/9 và cơ bản đã hoàn tất. Chánh thanh tra bộ Trần Quang Trung xác nhận thông tin này, song cho biết vẫn chưa thể công khai kết quả.

Người tiêu dùng e ngại, sữa 'tươi' ế ẩm

Sữa tươi ghi sai nhãn mác là đánh lừa khách hàng

Ông Trung khẳng định đợt thanh tra vừa qua được tiến hành rất nghiêm và không "bỏ sót" bất kỳ cơ sở sản xuất nào. Lúc này, các chuyên gia đang tiến hành thẩm định và xét nghiệm mẫu thử để đưa ra kết luận chính thức về chất lượng các phẩm sữa tươi lưu hành trên thị trường.

"Sở dĩ chúng tôi chưa công bố vì sữa là mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đông đảo người tiêu dùng, không thể đưa ra kết luận tùy tiện nếu chưa đủ chứng cứ. Nếu nói sữa chất lượng kém mà không có cơ sở khoa học, người tiêu dùng sẽ hoang mang mà chúng tôi cũng có thể bị nhà sản xuất khởi kiện", ông Trung giải thích.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thông thường 15-30 ngày sau mỗi lần kiểm tra là có kết quả. Việc Bộ Y tế chậm trễ công bố kết quả có thể tạo tâm lý không tốt cho người tiêu dùng. Trong khi đó, kết quả của đợt thanh tra này lại là cơ sở để Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học Công nghệ quyết định có nên tiến hành đợt kiểm tra tiếp theo hay không, để làm rõ hơn chất lượng sản phẩm sữa lưu hành trên thị trường.

Trước đó, Bộ Khoa học Công nghệ đã có công văn gửi Sở Khoa học Công nghệ các tỉnh, thành phố, yêu cầu tiến hành thanh tra chất lượng các mặt hàng tiêu dùng trên toàn quốc. "Đợt ra quân này, mặt hàng sữa cũng được chúng tôi đặt vào diện chú ý đặc biệt. Thông thường mỗi đợt kiểm tra phải kéo dài khoảng 1 tháng. Khi nào có kết quả chúng tôi sẽ công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng", ông Đặng Quang Huấn, Phó chánh thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ cho biết thêm.

Đạo đức kinh doanh

Câu chuyện sữa tươi bắt đầu vỡ lở khi các bộ ngành liên quan ngồi lại rút kinh nghiệm về chuyện phá sản chương trình nuôi bò sữa. Theo các chuyên gia chăn nuôi, tổng sản lượng sữa tươi nguyên chất sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 22% nhu cầu của các nhà máy. Đa số các doanh nghiệp sản xuất sữa tươi đều thừa nhận phải nhập thêm sữa bột về chế biến.

Trong khi đó, theo tiêu chuẩn Việt Nam, để được gọi là sữa tươi tiệt trùng, sản phẩm phải được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu, qua xử lý ở nhiệt độ cao và nếu phải bổ sung sữa bột hoặc chất béo sữa để chuẩn hoá nguyên liệu thì hàm lượng pha chế thêm không quá 1% (tính theo khối lượng của sữa tươi nguyên liệu). Những sản phẩm sữa được chế biến bằng cách pha trộn từ nguyên liệu sữa bột và chất béo sữa các loại, nước, qua xử lý nhiệt độ cao, được gọi là sữa hoàn nguyên tiệt trùng. Sản phẩm này khi lưu hành, trên nhãn phải ghi rõ là sữa hoàn nguyên tiệt trùng.

Ấy vậy mà hầu hết các sản phẩm sữa nước sản xuất tại Việt Nam đều được ghi trên nhãn là sữa tươi tiệt trùng hoặc lập lờ hơn: sữa tiệt trùng, và công bố rất sơ sài về thành phần nguyên liệu, không rõ hàm lượng sữa tươi, sữa bột hay phụ gia.

Khi dư luận lên tiếng, một số nhãn hiệu lớn như Vinamilk, Dutch Lady thừa nhận sử dụng phần lớn nguyên liệu là sữa bột nhập khẩu để chế biến. Vinamilk cam kết sẽ thay đổi cách ghi nhãn mác đối với một số sản phẩm.

Tuy nhiên, điều mà số đông người tiêu dùng chờ đợi chính là chất lượng sữa nước đang lưu hành trên thị trường Việt Nam hiện nay thực hư ra sao, đến nay vẫn chưa ai trả lời.

Dự kiến, tuần sau, Quốc hội sẽ có buổi thảo luận về dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Trong một cuộc trao đổi mới đây với VnExpress, Phó chủ nghiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, sẽ đưa vấn đề bảo vệ người tiêu dùng ra diễn đàn Quốc hội, sau hàng loạt vụ việc nghiêm trọng xảy ra như xăng pha aceton, sữa tươi pha chế từ sữa bột...



Linh Anh
Báo cáo phân tích thị trường