Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá bán sữa cao gần 2,5 lần giá vốn
26 | 06 | 2009
Một hộp Enfa Grow A+ giá vốn 113.000 đồng bán lẻ thành 277.000 đồng.

Đoàn kiểm tra liên ngành về giá sữa (gồm Sở Tài chính, Sở Y tế, Cục Thuế, Sở Khoa học và Công nghệ) của TP.HCM vừa hoàn tất đợt kiểm tra một số công ty sản xuất, kinh doanh sữa tại TP.HCM.

Dự thảo báo cáo kết quả của đợt kiểm tra này cho thấy một số loại sữa có giá bán cho người tiêu dùng đắt gần bằng 2,5 lần giá vốn.

Quảng cáo đè nặng người tiêu dùng

Đoàn kiểm tra đã kiểm tra Công ty Mead Johnson tại Việt Nam và Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến. Công ty Mead Johnson nhập khẩu sữa hộp Enfa A+ các loại (chủ yếu nhập khẩu từ Công ty Bristol Myers Squibb Thái Lan) và giao cho Công ty Tiên Tiến phân phối chính thức tại Việt Nam.

Qua kiểm tra cho thấy giá mà Mead Johnson đề nghị bán một số sản phẩm cho người tiêu dùng ở vào khoảng 220%-250% so với giá vốn. Cụ thể, với mặt hàng Enfa Grow A+ loại 900 g, giá vốn chỉ khoảng 113.000 đồng nhưng giá mà Mead Johnson bán ra cho Công ty phân phối Tiên Tiến là khoảng 200.000 đồng và Mead Johnson đề nghị bán cho người tiêu dùng với giá 277.000 đồng, bằng 245% so với giá vốn. Với mặt hàng Enfa Pro A+ loại 1,8 kg, giá vốn là 207.000 đồng, đến tay Tiên Tiến là 365.000 đồng và đề nghị bán cho người tiêu dùng với giá 505.000 đồng, gần bằng 2,5 lần giá vốn!

Qua kiểm tra về các chi phí cũng thấy trong quý IV-2008, chi phí quảng cáo, khuyến mãi... tại Công ty Mead Johnson chiếm trên 56% trong tổng chi phí, chiếm đến trên 53,5 tỷ đồng. Trong quý I-2009, chi phí quảng cáo, khuyến mãi chiếm khoảng 33%, gần 29 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá đề nghị bán sản phẩm sữa Enfa cho người tiêu dùng lên quá cao.

Đoàn kiểm tra cũng kiểm tra Công ty TNHH Thông Thịnh (kinh doanh sữa Dumex các loại). Công ty này nhập hàng từ Công ty cổ phần Dinh dưỡng Việt Nam (VNC) và bán ra với giá do VNC quy định sẵn. Khi kinh doanh các mặt hàng sữa này, Công ty Thông Thịnh được hưởng chiết khấu 12%/doanh thu.

Chi phí thay đổi mẫu mã cũng tính vào giá bán Dulac

Trong quý I-2009, chi phí vận chuyển lưu thông hàng hóa, chi phí tiền lương, chi phí thuê văn phòng... của Thông Thịnh không tăng. Tuy nhiên, có sáu mặt hàng sữa Dulac Gold các loại tăng giá bán từ 4,5% đến 7,7%. Nguyên nhân có phần do thay đổi mẫu mã, nhãn hàng từ VNC nên giá vốn của VNC tăng, kéo theo giá bán tăng. Ngoài ra, chi phí hội thảo khách hàng, chi phí tập huấn tại Công ty Thông Thịnh cũng tăng cao so với quy định của Bộ Tài chính cho phép.

Không sai nhưng quá hết hồn!

Kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết các đơn vị đều có hóa đơn, chứng từ, sổ sách, số liệu, báo cáo đầy đủ. Hiện không có quy định nào hạn chế giá bán của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể mua một bán mười, miễn sao thực hiện các nghĩa vụ về kế toán, báo cáo về thuế đầy đủ.

Tuy nhiên, chị HN (quận 7, TP.HCM) cho biết trước đây con chị uống loại sữa khác nhưng loại đó hay “dở chứng” tăng giá quá, thấy Enfa cam kết ổn định giá, lại có khuyến mãi nên chị chuyển sang cho con dùng Enfa, mặc dù mắc tiền hơn. “Mình nghĩ mua một hộp 300.000 đồng thì chắc giá nhập khẩu cũng phải cỡ 250.000 đồng rồi, chắc là loại nào cũng vậy thôi”. Tuy nhiên, chị N. hết hồn khi biết giá vốn chỉ khoảng 130.000 đồng. “Tôi không tiếc tiền mua sữa cho con, nghĩ là tiền nào của nấy, ai ngờ đó là cái giá của khuếch trương quảng cáo, khuyến mãi. Cơ quan quản lý đâu, sao lại để người tiêu dùng bị thiệt thòi dữ vậy?” - chị than thở.

Hiện nay, theo Nghị định 75/2008 hướng dẫn Pháp lệnh Về giá thì sữa là một trong những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Các cơ quan quản lý có thể áp dụng biện pháp bình ổn giá như quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu, đăng ký, kê khai giá,... Tuy nhiên, đối với mặt hàng sữa, trường hợp trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục mà giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước thời điểm có biến động (thiên tai, khủng hoảng kinh tế...) thì mới thực hiện bình ổn giá.

Đợt kiểm tra này chỉ trong phạm vi TP.HCM và vẫn chưa “sờ” đến nhiều nhãn hàng sữa khác. Sau khi Sở Tài chính có báo cáo chính thức, hy vọng các cơ quan quản lý có biện pháp thích hợp để người tiêu dùng đỡ phải mua sữa giá cao.

Hiện nay trên thị trường có hàng chục loại sữa bột dành cho trẻ từ một đến ba tuổi. Loại hộp thiếc 800, 900 g nhãn hiệu Dielac Alpha (của hãng Vinamilk) và Dutch Lady 1-2-3 (của hãng Dutch Lady) có giá khoảng 120.000 đồng, Dutch Lady Gold (Dutch Lady) 185.000 đồng, Friso (Dutch Lady) 212.000 đồng, Friso Gold (Dutch Lady) 330.000 đồng, Meiji (của hãng Meiji Nhật Bản) 230.000 đồng, Dugro (Dumex) 170.000 đồng, Dugro Gold (Dumex) 250.000 đồng, Enfa Kid (Mead Jonhson) 259.000 đồng, Enfa Grow A+ 4 DHA (Mead Johnson) 301.000 đồng, Nan (Nestlé) 305.000 đồng, Gain Plus (Abbott) 310.000 đồng...

Nguồn nguyên liệu nhập khẩu có giảm giá

Đoàn kiểm tra cũng kiểm tra Công ty cổ phần Đại Tân Việt (chuyên nhập khẩu nguyên liệu sữa như sữa tươi, sữa bột và bán ra các nguyên liệu sữa không qua chế biến) cho thấy trong quý I-2009, nguồn nguyên liệu sữa có giảm giá nhập khẩu. Giá vốn nhập khẩu giảm nên giá vốn một loại sữa bột năm 2008 là 16.200 đồng/kg nguyên liệu sữa bột, đến quý I-2009 giảm còn 14.000 đồng/kg, có loại sữa bột có giá vốn năm 2008 gần 51.000 đồng/kg nhưng đến quý I-2009 chỉ còn khoảng 32.000 đồng/kg.



Nguồn: www.phapluattp.vn
Báo cáo phân tích thị trường