Siêu thị Big C - một trong những nhà phân phối bán lẻ lớn của nước ngoài tại Việt Nam đã không ít lần tạm ngừng nhập một số sản phẩm sữa vì các hãng này đã yêu cầu tăng giá mà theo Big C là chưa hợp lý vào thời điểm đó. Không những vậy, đối với mỗi sản phẩm, khi có ý định tăng giá thì siêu thị này đều yêu cầu nhà sản xuất đàm phán để có được mức giá hợp lý nhất.
Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C Hà Nội: "Với mỗi mặt hàng chúng tôi đều duy trì từ 2 - 3 nhà cung cấp, vì thế đảm bảo yếu tố cạnh tranh lành mạnh về giá, chất lượng. Nếu có sản phẩm nhập khẩu mà tăng giá bất hợp lý và quá đáng thì chúng tôi sẽ ngừng nhập khẩu những sản phẩm đó, thay vào đó là tăng cường nhập hàng của những nhà cung cấp khác".
Gần đây nhất, cùng với Big C, chuỗi siêu thị Saigon Co - op Mart tại TP.Hồ Chí Minh đã nhận được cam kết của một số hãng sữa về việc không tăng giá. Tuy nhiên, các cửa hàng bán lẻ khác trên thị trường thì vẫn bị động trước những quyết định của nhiều hãng sữa. Bà Hoàng Thị Kim Dung, Cửa hàng 223 phố Vọng, Hà Nội cho biết: "Hiện nay có hãng sữa Hàn Quốc có cam kết không tăng giá cho tới hết năm. Còn các hãng sữa khác thì không có thông tin gì. Các hãng sữa tăng giá chỉ báo trước khoảng nửa tháng để cửa hàng mình chuẩn bị".
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền - cựu thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng: Thị trường bán lẻ 4 đối tượng tham gia, là: nhà sản xuất, mạng lưới bản lẻ (siêu thị, cửa hàng), người tiêu dùng và vai trò của Nhà nước. Hiện nay, tại Việt Nam chưa xuất hiện nhiều kênh phân phối lớn nên để tránh những biến động về giá sữa như thời gian vừa rồi thì người tiêu dùng vẫn có vai trò cao nhất. "Sự liên kết của người tiêu dùng rất quan trọng. Ở nhiều nước, những người có chung lợi ích liên kết thành Hiệp hội là rất bình thường. Chẳng hạn như các bà mẹ có thể thành Hiệp hội các bà mẹ mua sữa trên blog chẳng hạn. Nói KHÔNG với 1 số hãng sữa tăng giá vô căn cứ thì tôi nghĩ rằng: có thể trong thời gian ngắn, các bà mẹ có thế không có mác sữa mà mình yêu thích, nhưng trong trung hạn và dài hạn thì họ có quyền nói KHÔNG với các nhà phân phối tăng giá quá mức và sử dụng sự độc quyền 1 cách lộ liễu".
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: cùng với các nhà phân phối và người tiêu dùng thì mặc dù không can thiệp nhiều vào hoạt động kinh doanh của các tổ chức nhưng khi cần thiết thì Nhà nước vẫn cần tác động: nhẹ nhất là thương lượng, và cao nhất là hạn chế kinh doanh hoặc rút giấy phép.