Bà Rịa - Vũng Tàu được các chuyên gia chăn nuôi đánh giá là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đàn bò sữa, bởi thời tiết ôn hòa; nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp như rơm, bắp... rất dồi dào; tỉnh lại có nhiều diện tích đất có thể phát triển thành đồng cỏ.
Ðể khai thác tiềm năng ấy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có dự án phát triển đàn bò sữa giai đoạn từ 2002 đến 2005. Dự án do Trung tâm Khuyến nông và Giống nông nghiệp thực hiện. Mục tiêu của dự án là xây dựng hệ thống quản lý bò sữa từ cơ sở đến tỉnh; đến năm 2005, toàn tỉnh sẽ có 3.000 con bò sữa với lượng sữa là 4.000 kg/chu kỳ.
Dự án sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm cho 1.400 lao động nông thôn. Hình thành một nghề mới ở nông thôn là nuôi bò sữa chất lượng cao, tăng thu nhập cho hộ nuôi bò lên khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Ðồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy nhanh việc hình thành các trại chăn nuôi và đưa tỷ trọng chăn nuôi từ 20% lên 25%.
Mục tiêu của dự án khá hấp dẫn nên thu hút được sự tham gia của các hộ nông dân trên địa bàn. Thực hiện dự án này, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông nghiệp đầu tư cho 18 hộ nông dân trên địa bàn các huyện Tân Thành, Long Ðiền và thị xã Bà Rịa 200 con bò sữa, với giá bình quân từ 22 đến 28 triệu đồng/con.
Sau gần bốn năm nuôi, số bò sữa chỉ còn 116 con. Ngoài số bò của dự án đầu tư, tưởng rằng sẽ thu hiệu quả cao từ bò sữa, cho nên nhiều hộ tự mua bò về nuôi, nâng tổng số đàn bò sữa lên 1.130 con.
Theo điều tra mới đây nhất của Trung tâm Khuyến nông và Giống nông nghiệp, trong 18 hộ tham gia dự án, hiện chỉ có bốn hộ nuôi tốt với năng suất sữa ổn định, bảy hộ nuôi trung bình với năng suất sữa từ 3.000 đến 3.500 kg/chu kỳ 305 ngày, còn lại bảy hộ thua lỗ. Riêng với những hộ tự đầu tư thì đều thua lỗ, trong đó nhiều hộ lỗ từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/tháng. Dự án bế tắc người chăn nuôi thua lỗ, không còn ai hứng thú để phát triển đàn bò sữa.
Tháng 1-2003, gia đình chị Vũ Thị Nguồn, ngụ ở ấp Trảng Cát, xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành được đầu tư mười con bò sữa từ dự án phát triển bò sữa của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ðược cán bộ khuyến nông tuyên truyền về hiệu quả của bò sữa, chị rất hào hứng, quyết định bán 18 con bò lai sind của gia đình để mua tiếp sáu con bò sữa. Thế nhưng, chỉ sau một năm nuôi, chị hoàn toàn thất vọng, sáu con bò của gia đình tự đầu tư chỉ đẻ một lần rồi thôi. Cố nuôi thêm một năm nữa cũng chẳng cải thiện được tình hình. Tiếc của, nhưng cũng đành phải bán đổ bán tháo cho lò mổ để may chăng vớt vát được chút vốn đầu tư. Kết quả sau hai năm nuôi, không tính công chăm sóc và tiền thức ăn, chị lỗ 57 triệu đồng.
Thế nhưng, vận rủi chưa phải đã hết. Mười con bò sữa được đầu tư theo dự án, chị không được phép chủ động trong việc nuôi hay bán, dù hiện nay càng nuôi càng lỗ. Và do làm ăn thua lỗ, có ba hộ trong dự án là hộ các anh Trần Ðình Lân, Nguyễn Hữu Phước và Lâm Công Trang lại chuyển hợp đồng, buộc chị phải nuôi thêm chín con nữa. Sở dĩ chị không được quyền từ chối là do chồng chị làm chủ nhiệm hợp tác xã bò sữa Tiền Phong của xã, trước khi dự án đầu tư, anh đã tuyên truyền, vận động người dân trong xã tham gia dự án. Nay thua lỗ, người ta dắt bò đến trả lại cho ông chủ nhiệm. Tổng cộng, chị phải nuôi 19 con bò sữa của dự án, nhưng nay chỉ còn 11 con, nguyên nhân là do bị chết và bị loại. Bình quân một tháng, chị Nguồn lỗ từ 2 đến 2,5 triệu đồng, đấy là chưa tính công chăm sóc. Hai năm nay, chị như ngồi trên đống lửa.
Hợp tác xã Tiền Phong, xã Hắc Dịch (huyện Tân Thành) có 11 hộ xã viên được đầu tư bò sữa với tổng số 70 con, nay chỉ còn 58 con của sáu hộ. Ngay tháng đầu nuôi đã có ba con chết. Trong số 58 con còn lại, chỉ có 40 con có khả năng mang thai lại nhưng cũng phải cho phối giống từ ba đến bốn lần, gây tốn kém cho người chăn nuôi (bình quân 600 nghìn đồng/lần phối giống). Hiện nay, 100% số hộ nuôi bò sữa trong xã đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Lượng sữa thu được mỗi ngày không đủ để đầu tư thức ăn cho đàn bò, công chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh.
Ở xã Hắc Dịch, ông Nguyễn Văn Nghĩa được coi là người nuôi bò sữa mát tay nhất. Bốn con bò nhận từ dự án đẻ được mười con bê, trong đó có tám con bê cái. Tưởng rằng sẽ đổi đời từ đàn bê cái, thế nhưng đàn bò đẻ vào đúng thời kỳ bê rớt giá một cách thảm hại. Ðể nuôi thì không có tiền chăm sóc, vì chỉ nuôi đàn bò mẹ của dự án, gia đình ông đã hụt hơi rồi. Bán đổ, bán tháo hai triệu đồng/một bê cái, 600 nghìn đồng/một bê đực, lỗ nặng! Số vốn lấy lại không đủ trang trải chi phí cho bò mẹ lúc mang thai. Gần bốn năm nuôi bò, tổng chi phí mất hơn 112 triệu đồng, bán sữa và bê thu hơn 50 triệu đồng. Tính ra, gia đình ông lỗ 62 triệu đồng, đã thế, mỗi tháng còn phải bù vào hơn 1,7 triệu đồng để nuôi bò.
Trong số bốn hộ thực hiện dự án có hiệu quả có gia đình ông Ðào Quang Lâm, ở thôn Phước Thạnh, xã Tân Hòa (huyện Tân Thành). Sở dĩ ông Lâm có lời đôi chút là do đàn bò sữa của ông sinh được tới 20 con bê, lại bán vào thời điểm được giá, bù đắp được khoản chi phí. Bên cạnh đó, gia đình có diện tích đồng cỏ nhiều, đáp ứng đầy đủ lượng thức ăn cho bò và ông sử dụng người làm công là con cháu trong nhà nên họ tận tình, chăm chỉ làm việc.
Nguyên nhân và lời giải
Theo phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu, nguyên nhân là do bò giống không được tuyển chọn kỹ, lý lịch bò không rõ ràng, khi nhập về nuôi năng suất sữa thấp, khả năng sinh sản kém, dẫn đến tỷ lệ chết và loại thải cao. Cũng do chất lượng đàn bò không tốt, hầu hết bò nền chỉ đẻ lứa 2 hoặc lứa 3 là ngừng, sản lượng trung bình chỉ đạt 12 - 15 kg sữa/con/ngày. Những con đẻ được, thời gian đẻ từ lứa này sang lứa khác lại quá dài, từ 15 tháng đến 16 tháng, trong khi đó theo dự án chu kỳ đẻ chỉ từ 12 đến 13 tháng.
Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, kiến thức chăn nuôi của nông dân thiếu tính chuyên nghiệp, chưa có sự liên kết giữa các hộ để phổ biến kiến thức cho nhau.
Trình độ chuyên môn của cán bộ thú y yếu kém, ít am hiểu về bò sữa, chưa hướng dẫn nông dân chăm sóc đúng yêu cầu kỹ thuật. Bên cạnh đó, đội ngũ dẫn tinh viên hầu hết đều hành nghề tự do, không gắn trách nhiệm vào mục tiêu và hiệu quả cải thiện giống.
Ngoài ra, theo các chuyên gia thị trường, một nguyên nhân sâu xa dẫn đến chương trình bò sữa của tỉnh bế tắc là do khâu tiêu thụ sữa. Lúc đầu, dự án được xây dựng dự kiến sẽ tổ chức thu mua sữa tại chỗ trên cơ sở hợp đồng nguyên tắc, đơn vị thực hiện dự án đã ký với Công ty Vinamilk. Tuy nhiên, khi có bò sữa, Vinamilk hủy bỏ hợp đồng, vì cho rằng lượng sữa của tỉnh thấp, không ổn định, mua tại chỗ vận chuyển về sẽ lỗ. Kỹ sư Nguyễn Tiến Bảy - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông nghiệp tỉnh thẳng thắn: "Dự án bò sữa của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang gặp khó khăn. Trước hết là giá thành sữa quá cao, vì những năm qua, giá thức ăn tăng liên tục, khoảng 40%, trong khi đó giá mua sữa của các công ty sữa chỉ tăng 10%. Sản lượng sữa sản xuất ra không đáp ứng được chi phí chăn nuôi bò sữa. Số đông các hộ chăn nuôi bò sữa đều lỗ. Các công ty thu mua sữa độc quyền, ép giá nông dân.
Trước thực trạng này, tỉnh đã chi ngân sách đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hai trạm trung chuyển sữa tại huyện Tân Thành và thị xã Bà Rịa, nhưng đến nay các trạm này vẫn chưa hoạt động. Toàn bộ hệ thống máy làm lạnh bảo quản sữa được lắp đặt từ năm 2004 đến nay vẫn không hoạt động vì không có xe thu gom sữa. Do vậy, hằng ngày, huyện Tân Thành và thị xã Bà Rịa vẫn phải thuê xe tư nhân đi thu gom và vận chuyển sữa lên Xí nghiệp bò sữa An Phước (huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai) tiêu thụ, chịu phí vận chuyển 300 đồng/kg. Giá bán sữa hiện nay là 3.800 đồng/kg, nhưng giá thành sữa đã là 3.622 đồng/kg, trong khi năng suất sữa chỉ bằng một nửa so với "quảng cáo" trong lý lịch bò, làm cho người nuôi bò vẫn lỗ.
Qua tiếp xúc với những hộ nuôi bò sữa, chúng tôi được biết: Hầu hết các hộ tham gia dự án bò sữa đều muốn thanh lý hợp đồng. Thế nhưng, thanh lý bằng cách nào cũng chưa ai dám đề nghị. Do vậy, đàn bò sữa cứ nuôi cầm chừng, cho sữa hay không thì người chăn nuôi cũng không cần quan tâm. Vấn đề duy nhất họ mong muốn là Nhà nước nên thanh lý dứt điểm hợp đồng.
Theo ông Ðào Quang Lâm, muốn dự án bò sữa thành công cần phải thay đổi lại chính sách đầu tư, không nên đầu tư một cách dàn trải, phải chọn những hộ có điều kiện về vốn, đất đai trồng cỏ và có kiến thức khoa học - kỹ thuật. Bản thân ông hội đủ những điều kiện trên, nhưng phải tính toán chi ly lắm mới hòa vốn. Còn ông Nguyễn Văn Nghĩa phân tích "Muốn nuôi có lời một là: bò phải được chọn giống kỹ, phải đạt tiêu chuẩn năng suất cao như dự kiến. Theo tài liệu, dự kiến, lượng sữa khai thác của một con bò trong ngày từ 20 lít trở lên, nhưng thực tế mỗi con chỉ cho khoảng 7 đến 8 lít trở lại. Thứ hai là, giá sữa. Thứ ba là, kỹ thuật nuôi. Tóm lại, ba vấn đề cơ bản là: giá sữa, con giống và đầu tư kỹ thuật tốt thì mới cho hiệu quả cao".
Trong nỗ lực tìm lối ra cho dự án phát triển bò sữa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lập dự án chống suy dinh dưỡng giai đoạn 2006 - 2010 cho 35.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở các cơ sở mầm non, được uống sữa 9 tháng/năm và 11.955 trẻ ngoài cộng đồng uống 12 tháng/năm, với tần suất uống 16 lần/tháng. Dự kiến, giá sữa 3.000 đồng/lần uống. Nguồn kinh phí do ngân sách cấp là 22 tỷ đồng/năm. Dự án này đã được thông qua tại kỳ họp lần thứ 6 Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa 4. Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hiện nay, đàn bò sữa của tỉnh chỉ sản xuất khoảng 427 tấn sữa/năm. Nếu tính kinh phí cấp cho chương trình uống sữa là 22 tỷ đồng, chia cho 3.800 đồng/kg, ra 5.946 tấn. Như vậy, phải tăng đàn bò sữa lên gấp 15 lần so với hiện nay. Liệu dự án thực hiện có hiệu quả không, khi người dân trong tỉnh không còn mặn mà với con bò sữa?
Kỹ sư Nguyễn Tiến Bảy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông nghiệp tỉnh cho biết: "Trung tâm đang trình với Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn về các chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bò sữa và các hộ tham gia dự án phát triển bò sữa để Sở trình UBND tỉnh sớm ban hành các chính sách kịp thời hỗ trợ những người chăn nuôi bò sữa. Sẽ tiến hành thanh lý đàn bò sữa đã hết hợp đồng trong dự án từ năm 2003 đến nay. Những hộ nào đủ khả năng, chúng tôi đề nghị tiếp tục nuôi.
Xem ra hướng này cũng khó thực hiện, vì theo các hộ chăn nuôi: "Bây giờ Nhà nước có giảm một phần hai giá trị hợp đồng lúc mới đầu tư dân cũng không có tiền trả". Tuyên bố phá sản thì vẫn chưa dám, nhưng rõ ràng dự án phát triển đàn bò sữa của tỉnh đang đứng trên bờ vực phá sản nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.