Theo đề xuất, căn cứ pháp luật về: thương mại, cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật về giá, sẽ ban hành thông tư quy định về giá bán tối đa đối với sản phẩm sữa bột cho phù hợp với quy định hiện hành.
Cụ thể, mức giá bán tối đa với sản phẩm sữa bột sẽ là giá bán lẻ của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh sữa (chưa bao gồm chi phí bao bì). Tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ cân nhắc trường hợp DN lách luật bằng cách tăng chi phí bao bì để nâng giá bán. Nếu DN kinh doanh sữa bán sản phẩm thuộc thẩm quyền của mình cao hơn giá bán tối đa quy định sẽ bị xử phạt hành chính (theo Nghị định số 169/2004/NĐ-CP) từ 10 triệu đến 20 triệu đồng; đồng thời bị tịch thu toàn bộ số tiền chênh lệch giá thu được do bán sữa vượt quá giá quy định. Tờ trình đề xuất việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này do UBND các cấp và thanh tra chuyên ngành có liên quan thực hiện. Số tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính sẽ thực hiện theo Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn.
Vụ Chính sách thuế cũng đề xuất Bộ Tài chính giao cho Cục Quản lý giá thống kê, tổng hợp giá bán lẻ các loại sữa hiện hành tại địa phương; phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, ngành chức năng xác định chi phí, lợi nhuận hợp lý cho hoạt động kinh doanh sữa để báo cáo Bộ Tài chính phương án giá tối đa phù hợp với từng loại sữa. Phương án giá tối đa do Cục Quản lý giá đề xuất và sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trên trang tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài chính trước khi thực hiện.
Trước khi có đề xuất này, Cục Quản lý giá đã công bố kết quả khảo sát, so sánh giá bán của 100 loại sữa khác nhau, thuộc 10 hãng sữa nước ngoài, với giá bán lẻ sữa tại thị trường trong nước, trong 6 tháng đầu năm 2009. Kết quả cho thấy, giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam cao hơn các nước Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a từ 20-60%, có trường hợp cao hơn 100-150%. Dư luận đang chờ cơ quan chức năng đưa ra biện pháp hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng tăng giá sữa bất hợp lý. Tuy nhiên, hiện có những ý kiến chưa đồng tình với việc áp dụng mức giá trần cho sản phẩm sữa. Bởi với hàng trăm mặt hàng đang lưu thông trên thị trường và diễn biến giá cả liên tục biến động, nếu việc điều chỉnh mức giá tối đa không kịp thời có thể gây thiệt hại cho DN và người tiêu dùng.