Nghị định này thay thế Nghị định số 73/2006/NĐ-CP ngày 31/7/2006 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề.
Theo Dự thảo Nghị định, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để. Hành vi vi phạm phải được đình chỉ ngay; mọi hậu quả do vi phạm gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
Dự thảo Nghị định, trong 17 điều (từ Điều 8 đến Điều 24) đã quy định rõ các hành vi vi phạm cùng với các hình thức xử phạt và mức xử phạt tương ứng. So với trước đây, Dự thảo Nghị định đã bổ sung 1 điều (Điều 24) về hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề.
Hình thức xử phạt chính đối với mỗi vi phạm là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa là 40 triệu đồng. Có những vi phạm được quy định mức xử phạt bằng tiền cao hơn so với trước đây, như phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng (trước đây 15-20 triệu đồng) đối với một trong các hành vi lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, truyền nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, tập nghề vào những hoạt động trái pháp luật.
Điểm mới nữa là việc phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng giả mạo Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng dạy nghề và Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình dạy nghề hoặc thông báo sai sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng của cơ sở dạy nghề và chương trình dạy nghề.
Ngoài ra, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải chịu phạt bổ sung hoặc bị buộc thực hiện một trong các biện pháp khắc phục hậu quả.