Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Indra Nooyi - Nữ thuyền trưởng mới của Pepsi
19 | 06 | 2008
Tin người khổng lồ của tập đoàn PepsiCo, Steve Reinemund rút lui khỏi vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc đã gây sốc cho nhiều người. Bất ngờ hơn nữa với giới truyền thông là người được bầu kế nhiệm Reinemund là bà Indra Nooyi, một phụ nữ người Ấn Độ chính gốc.



Không ít người cho rằng cái bóng và những gì Reinemund để lại là quá lớn và Indra Nooyi không thể so sánh với người tiền nhiệm. Thế nhưng, sự thực không phải thế. Từ trước đến nay trong nội bộ tập đoàn PepsiCo, Indra Nooyi được đánh giá là một nhà quản lý và điều hành tầm cỡ. Chính Indra Nooyi là kiến trúc sư trưởng của những cải cách thành công của PepsiCo trong 5 năm qua.

Như vậy lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Tập đoàn Pepsico có một nữ chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành. Giới báo chí còn thông tin thêm, cùng tập đoàn Archer Daniels Midland do bà Patricia Woetz làm Tổng giám đốc, tập đoàn PepsiCo của Indra Nooyi đang là một trong hai tập đoàn lớn nhất nước Mỹ do một phụ nữ điều hành.

Cái tin nhà quản lý tài ba Reinemund đang ở đỉnh cao phong độ rút lui để Indra Nooyi lên nắm toàn quyền điều hành PepsiCo đã không hề làm biến động giá cổ phiếu của PepsiCo trên thị trường chứng khoán. Thậm chí khi thông tin Indra Nooyi lên làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc mới của PepsiCo thì giá của cổ phiếu này còn tăng nhẹ chút ít. Mỗi cổ phiêu tăng thêm 62 cent lên 63,95 USD.

Chỉ cần chừng đó thông tin thôi cũng đã đủ để khẳng định Indra Nooyi không hề là một nhân vật mới lạ đối với giới đầu tư. Trên thực tế, Indra Nooyi đã được thừa nhận là một nhà quản lý, điều hành xuất sắc, không hề kém người tiền nhiệm nổi danh của mình.

Tập đoàn PepsiCo đã tăng trưởng vượt bậc trong năm năm 2001-2005 với tổng doanh thu tăng 70%. Tổng giá trị của tập đoàn PepsiCo với 105,4 tỉ USD đã vượt lên trên đối thủ truyền kiếp CocaCola với giá trị chỉ có 103 tỉ USD.

Riêng quí II năm 2006, PepsiCo đã tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm trước và đã đạt lợi nhuận kỷ lục là gần 1,36 tỉ USD.

Tất cả những thành công đó đều có công đóng góp rất lớn của Indra Nooyi với tư cách là Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính của PepsiCo, vị trí mà bà đang đảm nhận trước khi được bầu làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của PepsiCo.

Indra Nooyi sinh năm 1956 tại miền nam Ấn Độ. Cô lớn lên và được giáo dục trong môi trường truyền thống của xã hội Ấn Độ. Gia đình cô mong muốn Indra Nooyi sẽ trở thành một phụ nữ như bao phụ nữ Ấn Độ khác. Đó là cần cù chăm chỉ nội trợ và tuân thủ những giá trị xã hội đạo đức truyền thống của Ấn Độ.

Cô gái Ấn Độ không bình thường

Indra Nooyi tự nhận lúc nhỏ mình đã là một cô bé bướng bỉnh và bị coi là có phần ngỗ ngược. Những phong tục, cả cách sống và nếp nghĩ truyền thống đối với Indra Nooyi có gì đó là quá khắc nghiệt.

Indra Nooyi ngay từ nhỏ đã muốn có gì đó tự do hơn như những phần lớn bạn gái khác đang phải sống. Indra Nooyi say mê chơi môn thể thao cricket, bất chấp cái nhìn dè bỉu của không ít người. Không chỉ thế, Indra Nooyi còn là thành viên cuồng nhiệt của một ban nhạc rock toàn là nữ. Không tiếp xúc với phương tây nhưng dường như phong cách sống của bà lúc trẻ có thiên hướng như vậy.

Về sau khi Indra Nooyi đã thành đạt trong thế giới kinh doanh phương Tây và có dịp so sánh hai nền văn hoá, bà cũng đã tự ngạc nhiên khi cha mẹ đã chấp thuận cho sang Mỹ học. Có lẽ hiểu được tính cách con gái của mình mà gia đình Indra Nooyi về sau đã chấp nhận nguyện vọng sang Mỹ học của bà.

Indra Nooyi khi còn ở Ấn Độ đã theo học trường quản trị kinh doanh ở Calcutta. Đây là một trong hai trường quản trị kinh doanh danh giá nhất ở Ấn Độ. Sau khi học song, Indra Nooyi đã chủ định nhằm vào các công ty nước ngoài đang hoạt động ở Ấn Độ để xin làm việc.

Đầu tiên bà làm cho tập đoàn dệt may Total. Sau đó chuyển sang làm cho tập đoàn mỹ phẩm và hàng tiêu dùng Johnson & Johnson. Indra Nooyi làm việc với vị trí quản lý các sản phẩm dành cho phụ nữ.

Bà thường xuyên phải đi tiếp thị giới thiệu các sản phẩm mới cho các siêu thị, công ty bán lẻ. Công việc không hề đơn giản vì rất nhiều mặt hàng của phụ nữ được coi là đồ tế nhị, không thể quảng cáo giới thiệu tràn lan, tùm lum. Điều này lại càng nhạy cảm trong bối cảnh môi trường văn hoá truyền thống của Ấn Độ bị coi là còn khá bảo thủ, dị ứng với văn hoá phương Tây.

Indra Nooyi kể lại đây là thời kỳ mà bà đã thấy được niềm vui và hứng khởi trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt ngay từ thời gian làm cho Johnson & Johnson, Indra Nooyi đã thể hiện khả năng giao tiếp khéo léo của mình để phục vụ cho mục đích kinh doanh.

Học hỏi và thử sức kinh doanh trên đất Mỹ

Indra Nooyi là người phụ nữ không chỉ bướng bỉnh. Bà rất thông minh và ham học hỏi, nhất là những kiến thức kinh doanh mới. Vì vậy bà đã không bỏ lỡ cơ hội khi đăng ký thi vào chương trình cao học MBA ở trường quản trị kinh doanh Yale.

Vào học tại Mỹ, Indra Nooyi mới càng biết rằng mình không chỉ là một cô cử nhân Ấn Độ rất nghèo về tài sản mà còn nghèo cả về kiến thức. Đặc biệt, Indra Nooyi rất ấn tượng bởi chương trình học ở đây rất khác với những gì đã học ở Ấn Độ. Nội dung học sát với thực tế, mục tiêu học là áp dụng các kiến thức vào thực tiễn kinh doanh.

Hơn nữa phương pháp học cũng rất đặc biệt. Học viên không chỉ có được kiến thức chuyên môn mà lại có thêm tự tin và say mê kinh doanh. Ai học xong là cũng muốn lao ngay vào thế giới kinh doanh để thử sức mình. Một môn học bắt buộc mà Indra Nooyi rất tâm đắc là kỹ năng giao tiếp và truyền thông. Một lần nữa, Indra Nooyi đã chứng tỏ đây là sở trường của bà và đã rất xuất sắc trong môn học này.

Những gì mà Indra Nooyi đạt được hôm nay và trở thành một trong những nữ doanh nhân thành đạt nhất nước Mỹ là nhờ rất nhiều chương trình MBA ở trường quản trị kinh doanh Yale.

Indra Nooyi đã kể lại bà còn học được vô cùng nhiều từ những học viên cùng khoá. Họ đến từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm cả kinh tế tư nhân và kinh tế công. Indra Nooyi cho biết đến giờ bà vẫn còn thường xuyên liên hệ với bạn học cũ và họ vẫn là những người bạn thân thiết nhất của bà.

Bên cạnh các kiến thức quản trị kinh doanh, Indra Nooyi còn tự hào đã học rất nhiều về tính quốc tế trong kinh doanh. Điều này đã giúp ích rất nhiều cho bà trong sự nghiệp kinh doanh thành công đến bất ngờ.

Sau khi có tấm bằng MBA của Mỹ trong tay, Indra Nooyi đã tự nhận biết cơ hội quay trở lại quê hương Ấn Độ càng khó hơn, không chỉ là vấn đề thiếu đất để tung hoành, áp dụng các kiến thức quản trị kinh doanh hiện đại mà bà học được.

Bà đã được đào tạo trở thành một nhà quản lý kinh doanh chuyên nghiệp theo kiểu phương Tây. Hơn nữa, về các góc độ gia đình, xã hội bà cũng sẽ có thể gặp khó khăn khi quay về Ấn Độ. Indra Nooyi đã từng trả lời đùa nhưng lại rất thật với một nhà báo: "Trở về quê, tôi không còn cơ hội chấp nhận để lấy chồng được rồi".

Chính vì vậy, Indra Nooyi đã quyết tâm ở lại Mỹ lập nghiệp, một quyết định mà cho đến giờ bà chưa hề lấy làm hối tiếc. Indra Nooyi đã 6 năm làm giám đốc dự án cho tập đoàn tư vấn kinh doanh nổi tiếng Boston Consulting Group. Từ năm 1986 đến năm 1994, bà chuyển hẳn sang lĩnh vực quản lý kinh doanh tại các tập đoàn lớn như Motorola và Asea Brown Boveri.

Indra Nooyi trở thành người của tập đoàn PepsiCo từ năm 1994. Giai đoạn đầu, bà tham gia vào lãnh đạo của bộ phận kế hoạch và phát triển chiến lược. Những kiến thức quản lý kinh doanh hiện đại cùng với kinh nghiệm từ các tập đoàn lớn đã khiến Indra Nooyi, một phụ nữ Ấn Độ vô cùng thông minh, đã trở thành một chiến lược gia quan trọng.

Indra Nooyi cũng tự nhận thấy mình trưởng thành lên nhanh chóng khi phải tiếp cận với những bài toán có tính vĩ mô cho cả một tập đoàn kinh doanh toàn cầu.

Chiến lược gia không thể thiếu được của PepsiCo

Không ai phủ nhận được công lao của Indra Nooyi khi bà chính là kiến trúc sư trưởng của kế hoạch tái cấu trúc tập đoàn PepsiCo từ cuối những năm 90. Cùng với Tổng giám đốc Reinemund, Indra Nooyi đã tạo nên một cặp bài trùng là chìa khoá giúp PepsiCo vượt được qua mặt CocaCola để trở thành nhà sản xuất đồ uống và thức ăn lớn nhất thế giới.

Những kế hoạch và chiến lược thâu tóm một loạt đối thủ cạnh tranh như nhà sản xuất nước ngọt Tropicana, tập đoàn sản xuất thực phẩm Quaker Oats đều có chung một tác giả đầu tiên là Indra Nooyi.

Khi Reinemund lên làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của PepsiCo vào đầu năm 2001 thì Indra Nooyi cũng chính thức trở thành nhân vật số 2 của tập đoàn. Bà là Phó tổng giám đốc phụ trách chiến lược đồng thời kiêm chức Giám đốc tài chính của cả tập đoàn PepsiCo toàn cầu.

Cùng với Reinemund, Indra Nooyi đã đưa PepsiCo trở lại thời kỳ hoàng kim nhất trong lịch sử của mình. Cả tập đoàn hiện có 180.000 nhân viên ở khắp thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2006, PepsiCo đã có doanh thu gần 16 tỉ USD, trong đó lợi nhuận lên đến mức kỷ lục là 2,4 tỉ USD.

Tiếp quản PepsiCo khi tập đoàn này đang ở thời kỳ huy hoàng là một sức ép không nhỏ đối với Indra Nooyi. Thế nhưng bà hoàn toàn tự tin bởi những gì mà tập đoàn đang rất thành công là có sự đóng góp vô cùng quan trọng của bà, người hơn 10 năm chịu trách nhiệm về chiến lược phát triển của tập đoàn.

Reinemund trước khi rút lui cũng đã khẳng định "chỉ riêng những đóng góp của Indra Nooyi trong quá trình cải tổ Pepsico đã khẳng định tài năng của bà" và "tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Indra Nooyi thừa sức và khả năng để chèo lái PepsiCo với cương vị người lãnh đạo cao nhất".

Quyết định Indra Nooyi lên làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PepsiCo còn được các chuyên gia kinh doanh hàng đầu đánh giá cao là một nước cờ thông minh và quyết định vô cùng sáng suốt của tập đoàn này. Mới đây, ngay chính tại thị trường Ấn Độ, cả PepsiCo và CocaCola bị doạ cấm vận và khởi kiện bởi thành phần nước cola có chất độc hại quá mức cho phép. Cả hai tập đoàn khổng lồ cho đến nay vẫn gần như bất lực trong việc giải trình và thuyết phục thành công.

Indra Nooyi là người Ấn Độ, hơn nữa bà đặc biệt xuất sắc trong giao tiếp với công chúng, truyền thông. PepsiCo và cả người nữ thuyền trưởng mới Indra Nooyi đều tin rằng mình có thể đảo ngược tình hình và chinh phục trở lại thị trường hơn 1 tỉ dân này.

Nếu thành công, Indra Nooyi đã giúp cho PepsiCo lại càng có cơ bứt phát vượt hẳn lên trước CocaCola trong cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa hai nhà khổng lồ này.



Nguồn: TBKTVN
Báo cáo phân tích thị trường