Ðồng chí Ðinh Công Toản, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hải Phòng cho biết: Thực hiện Quyết định 289 của Chính phủ, Liên sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng tích cực kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện, bảo đảm thuận lợi cho các đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ của Chính phủ. Các hồ sơ của ngư dân được thẩm định kỹ càng, thông báo và niêm yết công khai ở các địa phương và kho bạc nhà nước cấp tiền hỗ trợ nhanh. Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn cũng phát sinh một số vướng mắc, cần sớm được tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cấp tiền hỗ trợ cho ngư dân.
Trên địa bàn Hải Phòng có một HTX đánh cá tại huyện Thủy Nguyên với ba tàu đánh cá trên 90CV. Theo Quyết định 289/QÐ-TTg và Quyết định 965/QÐ-TTg của Chính phủ thì đây là chính sách hỗ trợ ngư dân. Trong khi đó, Luật HTX quy định: HTX hoạt động như một loại hình doanh nghiệp. Ngành tài chính cho rằng: doanh nghiệp không thuộc diện hỗ trợ theo Quyết định 289. Còn theo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT) thì cho rằng HTX cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 289. Còn địa phương thì loay hoay trước hai ý kiến trái ngược nhau này.
Nhưng vướng mắc lớn nhất vẫn là số tàu, thuyền phát sinh tăng sau khi có Quyết định 289 của Chính phủ. Theo số liệu thống kê ban đầu: Hải Phòng chỉ có 2.714 tàu, thuyền đánh cá và dịch vụ thủy sản trong diện xem xét hỗ trợ theo Quyết định 289 với số kinh phí khoảng 60 tỷ đồng. Nhưng thực tế, sau khi triển khai thực hiện Quyết định 289 thì con số tàu thuyền đề nghị hỗ trợ lên tới 3.713 tàu thuyền. Phát sinh tăng tới 999 tàu thuyền.
Theo Sở Tài chính Hải Phòng, nếu tính cả số tàu thuyền phát sinh này thì số kinh phí hỗ trợ dầu, bảo hiểm thân tàu và thuyền viên sẽ lên tới hơn 90 tỷ đồng. Có địa phương như huyện Vĩnh Bảo trước đây thông báo không có tàu đánh cá, nhưng nay lại thông báo có 82 tàu. Ðịa phương có số tàu thuyền phát sinh lớn như Cát Hải tăng 356 chiếc, Thủy Nguyên tăng 343 chiếc...
Theo khảo sát của các ngành chức năng, loại trừ một số trường hợp cá biệt lợi dụng chính sách Nhà nước để trục lợi thì phần lớn số tàu thuyền phát sinh tăng đều được đóng từ trước năm 2008, lắp máy có công suất nhỏ, hoạt động ven bờ, nhưng thường không đăng ký, đăng kiểm, nay có chính sách hỗ trợ mới xin đăng ký, đăng kiểm để được hưởng chính sách hỗ trợ. Ðối với việc xác định các chuyến đi biển cũng vậy, những tàu thuyền không đăng ký, đăng kiểm cũng thường không có xác nhận chuyến đi biển của Bộ đội Biên phòng, hoặc chính quyền địa phương nơi không có đồn biên phòng. Ðiều đó cũng gây khó khăn cho việc xác định cơ sở hỗ trợ ngư dân. Mặt khác, nhiều huyện, quận vẫn chưa biết xử lý ra sao đối với số thuyền nhỏ gắn máy từ 10 CV trở xuống, đành "tạm dừng", bởi chưa có chính sách quy định cụ thể cho các trường hợp này...
Qua sự việc trên cho thấy, công tác quản lý nhà nước đối với tàu thuyền hoạt động trên biển còn quá lỏng lẻo. Nhiều nơi không quản lý được chính xác số tàu thuyền khai thác thủy sản của mình, các phương tiện không đăng ký, đăng kiểm vẫn hoạt động trên biển. Ðây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các địa phương lúng túng trong việc cấp tiền hỗ trợ cho ngư dân, làm chậm tiến độ thực hiện cấp tiền hỗ trợ, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách Nhà nước trong thực tiễn cuộc sống.
Ðã đến lúc các ngành chức năng Trung ương và TP Hải Phòng cần sớm có giải pháp thống nhất tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cấp tiền hỗ trợ cho ngư dân. Nhất là khẩn trương rà soát, phân loại đối với số tàu thuyền khai thác thủy sản phát sinh, có chính sách phù hợp để bảo đảm quyền lợi của bà con, vừa tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước đối với các phương tiện hoạt động trên biển.