Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhà nước hỗ trợ bằng cách nào?
19 | 03 | 2008
Tỷ giá đồng USD giảm, cùng với việc giá “đầu vào” tăng nhanh đã khiến doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản và nông dân lâm vào tình trạng thiệt đơn, thiệt kép. Nếu không có những giải pháp kịp thời, chắc chắn nguồn nguyên liệu chế biến, cũng như kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thiếu VND, tất cả cùng chao đảo


Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc đồng USD yếu đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN xuất khẩu thủy sản và nông dân. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cho biết, đối với DN, các lô hàng xuất khẩu phần lớn thanh toán bằng USD; trong khi đó, nguyên liệu, vật tư chủ yếu cho sản xuất đều sử dụng các nguồn trong nước và thanh toán bằng VND chứ không phải nhập khẩu. Tỷ giá USD trước đây là hơn 16.000đ/1 USD, nay chỉ còn 15.700đ và được dự báo sẽ còn thấp nữa. USD yếu, VND thiếu hụt trong lưu thông, các ngân hàng chủ trương hạn chế mua USD, hoặc mua với tỷ giá thấp, thu phí 2% khiến cho DN rất khó bán ngoại tệ thu về sau xuất khẩu để thu hồi vốn và trang trải chi phí sản xuất. Ngoài ra, các DN đang rơi vào tình trạng dư ngoại tệ, nhưng vẫn phải vay VND với lãi suất cao, do đó phải chịu lỗ để duy trì sản xuất và thực hiện các đơn hàng đã ký trước đây.

Khắc phục tình trạng trên, nhiều DN chọn giải pháp “đường vòng”, tức là đổi USD sang ơrô, hoặc ngoại tệ khác rồi mới quay về mua VND. Bằng cách này bình quân mỗi USD, DN mất khoảng 350đ (tương đương 2%). Trong khi lợi nhuận tại các xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ khoảng 1-1,5%, không thể bù đắp chênh lệch về giá ngoại tệ. Thêm vào đó, việc tăng giá xăng dầu làm cho chi phí mỗi chuyến đi biển của ngư dân tăng 30%, nên không ít tàu thuyền quyết định nằm bờ, thiếu nguyên liệu sản xuất là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, các hợp đồng đều được khách hàng ký dài hạn, thậm chí đã mở tín dụng thư thanh toán, nếu không thực hiện hợp đồng, phải bồi thường, mà thực hiện thì thua lỗ cầm chắc trong tay. Ông Nguyễn Xuân Quốc, Trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu Cty cổ phần Đại Thuận (Tashun) cho biết, trong tháng 2, Cty chỉ xuất khẩu 2 tấn cá sang Nhật Bản. Nhiều đối tác muốn ký hợp đồng với Tashun, nhưng DN đắn đo do trở ngại về nguồn nguyên liệu và tỷ giá USD/VND.

Hậu quả của tình trạng thiếu VND và USD yếu đã lan sang người nuôi, khi các DN buộc phải giảm giá mua nguyên liệu, hoặc ngừng mua. Nhiều hộ nuôi đã chọn giải pháp bán “non” để thu hồi vốn. Nhưng, người bán nhiều, người mua lại ít. Hơn nữa, nếu bán “non” sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để chế biến xuất khẩu. Còn nếu cứ duy trì nuôi để đợi DN chế biến thì người nông dân cũng phải trả giá nặng nề, nhất là những hộ nhỏ lẻ, bởi giá thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu, phí vận chuyển đều lên cao (tăng khoảng 20%). Các chuyên gia dự báo nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất cho vụ sau là điều chắc chắn, thậm chí nghiêm trọng. Bởi, nuôi thủy sản cần vốn đầu tư lớn, người dân chỉ lỗ 1-2 vụ thì sẽ mất trắng, khó có thể hồi phục để tiếp tục đầu tư. Mặc dù thủy sản Việt Nam xuất khẩu tới 126 thị trường, giá trị mỗi năm lên tới 4 tỷ USD, nhưng phương thức làm ăn vẫn nhỏ lẻ, thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt. Do vậy, khi thiếu tiền mặt tất cả đều chao đảo nghiêm trọng.

Phơi khô hải sản.

Cần điều chỉnh các giải pháp kinh tế vĩ mô


Theo VASEP, giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt là điều chỉnh các giải pháp kinh tế vĩ mô để giảm bớt thiệt hại cho DN, nhất là nông dân. Thiếu VND, dư ngoại tệ, rất có thể các DN sẽ ngừng thu mua nguyên liệu sản xuất trong nước và quay sang nhập khẩu nguyên liệu. Do đó, cần có biện pháp hỗ trợ ngân hàng thương mại mua ngoại tệ của các DN thu được từ xuất khẩu không thu thêm phí, đồng thời tạo điều kiện giảm lãi suất tiền VND khi các DN vay chế biến thủy sản. Với nông dân, Nhà nước cần nhanh chóng xem xét các biện pháp bù lỗ giá dầu để có thể duy trì sản xuất.

Tuy nhiên, về lâu dài, VASEP đang thảo luận một số giải pháp, như đa dạng hóa ngoại tệ, hình thức thanh toán, mở rộng thị trường và tiếp tục giảm chi phí sản xuất để hạn chế lỗ. Đó là phương thức liên kết thành chuỗi sản xuất, trong đó ngân hàng cung cấp tín dụng cho các DN chế biến, xuất khẩu. DN là đầu mối hợp đồng với nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ cho người nuôi và tiêu thụ sản phẩm đến kỳ thu hoạch, nhằm hạn chế tiền mặt trong thanh toán trực tiếp. Phương thức này cũng đã được áp dụng hiệu quả ở một số DN lớn và được VASEP hỗ trợ, khuyến khích phát triển trong những năm gần đây.



Nguồn: Hà Nội Mới
Báo cáo phân tích thị trường