TS Bình cho rằng, doanh nghiệp phải hoạt động theo đúng cơ chế thị trường, Nhà nước có thể giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh thông qua các chương trình hỗ trợ, nhưng tránh làm méo mó bản chất của thị trường, và rủi ro của thị trường cũng là cách để thị trường loại bỏ những doanh nghiệp kém hiệu quả. Doanh nghiệp mua tạm trữ thì phải bị kiểm soát tại một số tổng kho chung để tránh hiện tượng nhiều doanh nghiệp có thể vẫn nhận hỗ trợ, nhưng không làm.
Vì sao phương thức hỗ trợ lãi suất dễ được doanh nghiệp tích cực hưởng ứng?
|
TS Vũ Trọng Bình |
Hỗ trợ lãi suất chỉ nên thực hiện khi tình hình nguy cấp, bởi đây không phải là giải pháp mang tính lâu dài và căn bản. Nhà nước hỗ trợ lãi suất là cách làm dễ nhất, nhưng trong nhiều trường hợp doanh nghiệp dùng nguồn vốn ưu đãi này để đảo nợ. Do vậy, cần có hình thức hỗ trợ mang tính lâu dài hơn. Có ý kiến cho rằng, nông dân khổ nhất nhưng tiếng nói của họ lại không tới được các cơ quan ban hành chính sách?
Đúng là doanh nghiệp họ tiếp cận truyền thông, cơ quan làm chính sách nhiều hơn nông dân, nước nào cũng thế. Thực tế, trong nhiều ngành hàng như sữa, vật tư nông nghiệp…, doanh nghiệp đề nghị Nhà nước hỗ trợ nhưng nông dân vẫn phải chịu giá đầu vào cao.
Chúng ta thiếu hệ thống theo dõi thông tin thị trường để có thể đánh giá, giám sát giá trị gia tăng các ngành hàng để đánh thuế, điều chỉnh cho hợp lí.
Nhà nước phải hỗ trợ để nông dân nói tiếng nói của mình, những việc Viện chúng tôi đang làm cũng chính là muốn nói tiếng nói của nông dân.
Cấp bù lãi suất là để doanh nghiệp mua lúa, cà phê cho nông dân nhưng thực tế chúng ta không kiểm soát được việc sử dụng nguồn vốn ưu đãi này, thưa ông?
Doanh nghiệp vừa sản xuất kinh doanh bình thường vừa thực hiện mua tạm trữ theo chỉ đạo của Nhà nước, rất khó tách bạch các khoản tài chính này. Trong thực tế giám sát được doanh nghiệp có sử dụng đúng nguồn vốn hỗ trợ hay không là không đơn giản.
Thực tế, hai năm qua nền kinh tế khó khăn, nông dân gặp khó, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh nông sản vẫn lãi lớn, thưa ông?
Trong khủng hoảng, các doanh nghiệp nông nghiệp chống chịu rất tốt, từ doanh nghiệp kinh doanh gạo, cà phê, cao su, mía đường. Nhưng nông dân thì thu nhập đi xuống. Chúng tôi đã nghiên cứu và công bố điều này trong báo cáo đánh giá ảnh hưởng suy giảm kinh tế tới nông dân.
Vậy theo ông, Nhà nước nên hỗ trợ nông dân như thế nào để mang lại hiệu quả cao hơn?
Đối với nông dân, phương thức hiệu quả nhất là hỗ trợ trực tiếp. Một nông dân có diện tích bao nhiêu thì được hỗ trợ chừng đó. Nếu Nhà nước muốn nông dân trồng lúa có lãi, giữ diện tích đất lúa, cà phê, thủy sản thì nông dân phải đăng ký diện tích sản xuất, Nhà nước cấp giấy chứng nhận cho nông dân theo qui hoạch đã duyệt. Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tín dụng, hoặc phân bón, vật tư nông nghiệp, khoa học công nghệ...
Đặc biệt, việc hỗ trợ chỉ trên diện tích đã có trong quy hoạch, còn nông dân nào phát triển ngoài quy hoạch thì phải tự chịu rủi ro khi thị trường có biến động.