Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO: Chưa phát huy được thuận lợi
24 | 03 | 2010
Sau 3 năm gia nhập WTO, cán cân thương mại nông lâm thủy sản của Việt Nam liên tục thặng dư. Trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm do khủng hoảng toàn cầu thì nông nghiệp đã đứng vững và chứng tỏ được vai trò trụ đỡ. Nhưng cũng sau 3 năm, nông nghiệp Việt Nam chưa phát huy được những thuận lợi và cơ hội của mình. Điệp khúc được mùa rớt giá, thậm chí mất mùa rớt giá vẫn diễn ra phổ biến. Đó là những gì mà ông Trịnh Văn Tiến, Trưởng phòng nghiên cứu phát triển - Trung tâm Thông tin phát triển Nông nghiệp nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị.

Ông Tiến cho biết, sau 3 năm gia nhập WTO, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả rõ rệt. Giá trị xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng. Nếu như năm 2007, giá trị xuất khẩu đạt xấp xỉ 12,5 tỷ USD thì năm 2008, con số này là 16 tỷ USD và năm 2009 xuất khẩu đạt 15,4 tỷ USD. Cán cân thương mại nông lâm thủy sản năm 2007 xuất siêu 5,450 tỷ USD, năm 2008 tiếp tục tăng xuất siêu với mức 5,874 tỷ USD và năm 2009 là 7,3 tỷ USD.

Như vậy, sau 3 năm hội nhập WTO với 3 cú sốc về giá lương thực, giá xăng dầu, và khủng hoảng kinh tế toàn cầu phủ “bóng đen” lên Việt Nam, nông nghiệp đã thể hiện được vai trò “trụ đỡ” trong việc chống chọi được với những tác động của khủng hoảng kinh tế.

- Thưa ông, trong quá trình hội nhập, nông nghiệp Việt Nam có những thuận lợi gì?

Ông Trịnh Văn Tiến: Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, tự do hóa thương mại toàn cầu được đánh giá sẽ làm tăng thương mại và tăng giá đối với nông phẩm, hay còn gọi là hiệu ứng tăng giá. Khi vào WTO, sự tăng giá sẽ mang lại thuận lợi cho chúng ta. Về mặt lý thuyết là có lợi nhưng trong thực tế 3 năm qua, chúng ta chỉ gặt hái được thành công vào năm 2007, còn 2 năm sau (2008 và 2009), kinh tế thế giới khủng hoảng, mức độ thuận lợi đã giảm đi. Kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn tăng nhưng giá giảm. Đặc biệt, năm 2009 là năm khủng hoảng nặng nề. Các mặt hàng như cà phê, điều, gạo... của chúng ta khi xuất khẩu có tăng về lượng, nhưng giá lại giảm. Xu hướng tăng lượng nhưng giảm giá trị thấy rõ.

Khi gia nhập WTO, theo quy định, các doanh nghiệp Việt Nam được phép đấu thầu tại các thị trường thành viên. Trước đây, nông sản Việt Nam khó vào được các thị trường Mỹ, Nhật, EU vì thuế cao và bị phân biệt đối xử; khi gia nhập, chúng ta có cơ hội tiếp cận các thị trường này một cách thuận lợi hơn. Đặc điểm của các thị trường này là khối lượng tiêu thụ thấp nhưng giá sản phẩm rất cao, phù hợp với quy trình sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta đã không biến thuận lợi đó thành cơ hội, rất ít DN Việt Nam sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường đó. Theo quan sát của chúng tôi, hiện mới chỉ có một doanh nghiệp là Angimex – Kitoku (liên doanh giữa một công ty của An Giang và Nhật) đưa được sản phẩm vào Nhật. Quy trình của họ là ký kết hợp đồng (cung cấp phân bón, nguyên liệu và hỗ trợ kỹ thuật) cho nông dân, sau đó bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam làm được như vậy thì mới có cơ hội vào các thị trường khó tính như Nhật. Nói rộng hơn, nếu làm được như Angimex – Kitoku thì còn có thể làm thay đổi chuỗi sản xuất, tức là nông dân được làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, đó chính là lối thoát cho nông dân và doanh nghiệp.

- Còn khó khăn, thưa ông?

Ông Trịnh Văn Tiến: Bên cạnh những thuận lợi thì chúng ta cũng gặp những khó khăn nhất định. Thứ nhất là vấn đề chất lượng nông sản. 3 năm qua, ngành thủy sản đã phải đối đầu với các vụ kiện liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ hai là chính sách cắt giảm thuế nhưng thiếu biện pháp hàng rào kỹ thuật. Năm 2009, chính sách cắt giảm thuế đã tạo khe hở cho các loại thịt và nội tạng gia súc gia cầm nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành chăn nuôi và các vấn đề liên quan tới sức khỏe người tiêu dùng. Khó khăn thứ ba khi gia nhập WTO là doanh nghiệp của chúng ta thiếu thông tin về các thị trường, thiếu hiểu biết về pháp luật thương mại quốc tế. Khi gặp những vấn đề liên quan đến pháp lý, doanh nghiệp phải dựa vào Hiệp hội nhưng trên thực tế, Hiệp hội lại chưa đủ mạnh để bảo vệ doanh nghiệp.

Đặc biệt, năm 2010, các doanh nghiệp kinh doanh gạo sẽ gặp một số thách thức, bởitheo cam kết WTO, Việt Nam sẽ cho một số doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam, vì vậy sự cạnh tranh là khó tránh khỏi.

- Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì với những thuận lợi và khó khăn đó?

Ông Trịnh Văn Tiến: Tôi cho rằng, chúng ta cần khắc phục những yếu kém về sản xuất và xuất khẩu. Đối với sản xuất, cần cải thiện câu chuyện quy hoạch và nâng cao chất lượng nông sản. Hiện quy hoạch đã có nhưng chưa hiệu quả. Về mặt xuất khẩu, cần linh hoạt hơn về chính sách cắt giảm thuế và hàng rào kỹ thuật. Bên cạnh đó, Hiệp hội ngành hàng cần nâng cao vai trò của mình, như thế xuất khẩu sẽ hiệu quả hơn, người tiêu dùng cũng được bảo vệ hơn.

Ngoài ra, công tác thông tin cũng cần chú ý nâng cao chất lượng, và đa dạng hóa kênh phổ biến, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Cần nâng cao hàm lượng phân tích cũng như dự báo. Thực tế, số lượng doanh nghiệp cung cấp thông tin cho nông dân còn ít và chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân. Mới đây, Bộ NN&PTNT phối hợp với VTC để chuẩn bị cho ra đời kênh thông tin 16 chuyên về nông nghiệp nông thôn, dự kiến phát sóng tuần đầu tháng 4. Hiện Trung tâm Thông tin phát triển Nông nghiệp nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đã hoàn thiện một loạt báo cáo thường niên 2009 và triển vọng 2010 về thị trường và ngành hàng nông sản nhằm hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp. Chúng ta cũng cần chú trọng hơn nữa tới hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, như vậy mới có thể giới thiệu sản phẩm của mình tới khách hàng.

- Từ nhiều năm nay, nông nghiệp Việt Nam thường xảy ra tình trạng được mùa rớt giá (thậm chí mất mùa vẫn rớt giá). Điều đó cho thấy vai trò quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này như thế nào?

Ông Trịnh Văn Tiến: Được mùa rớt giá là tình trạng xảy ra không chỉ ở Việt Nam, vì bản chất của nó là do trong cùng một thời điểm cung lớn hơn cầu, trong đó cầu nội địa ít thay đổi và nông phẩm thì lại khó bảo quản, còn cầu nhập khẩu của quốc tế thì sụt giảm do nhiều nguyên nhân. Mất mùa rớt giá cũng là chuyện bình thường, bởi trong khi mình mất mùa thì các nước khác vẫn được mùa. Vấn đề ở đây là, mình bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, thế giới họ có nhiều biện pháp khác nhau, như khâu bảo quản của họ tốt, hoặc hiệp hội (liên doanh) của họ can thiệp tốt, có thể bắt tay để chặn giá lại.

Về mặt quản lý Nhà nước, hiện chúng ta mới dừng lại ở mức độ cảnh báo, còn việc can thiệp bằng giá cả (như mua tạm trữ) như hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Chúng ta đã có nhiều chính sách như khuyến khích tiêu dùng nội địa, xây dựng kho bãi, xây dựng khu chế biến... nhưng việc triển khai còn chậm. Đáng nói là 3 năm qua, các hiệp hội ngành hàng cần làm tăng vai trò lên thì lại chưa làm được.

Theo quy định của WTO, Chính phủ không được trực tiếp can thiệp vào thị trường. Tuy nhiên để hỗ trợ ngành nông nghiệp, 3 năm qua, Chính phủ đã tham gia định hướng sản xuất nông nghiệp tập trung vào quy hoạch vùng, sản xuất theo hướng hàng hóa và nâng cao chất lượng nông sản, loại bỏ phi thuế quan. Tuy không trực tiếp nhưng Chính phủ đã hỗ trợ gián tiếp cho quá trình sản xuất thông qua các chính sách về tín dụng, miễn giảm thuế nông nghiệp, thủy lợi phí, chính sách giá sàn...

Vâng, xin cảm ơn ông!



Theo Kinh tế & Đô thị
Báo cáo phân tích thị trường