Vào WTO, ngành công nghiệp này như một con thuyền giương cao buồm để ra biển lớn. Cần làm gì để con thuyền đó vượt qua sóng cả của đại dương và đạt được những thành quả bội thu.
Từ biển ra… đại dương
Hiện nay cả nước có 1.200 doanh nghiệp chế biến và kinh doanh gỗ, trong đó trên 300 doanh nghiệp đã có hàng xuất khẩu. Những sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 nước trên toàn thế giới, tập trung vào 3 thị trường trọng điểm là Mỹ, EU và Nhật Bản. Là một ngành hàng có lợi thế so sánh của Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến gỗ đón nhận sự kiện nước ta trở thành thành viên thứ 150 của WTO với sự tự tin và lạc quan vào những vận hội lớn.
"Tôi dám chắc đây là một ngành sẽ trụ vững và cạnh tranh thắng lợi. Bởi vậy, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam rất phấn khởi khi nước ta gia nhập WTO… Nhu cầu tiêu thụ trên thế giới vốn đang tăng cao sẽ càng tăng cao hơn. Sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được phát huy tối đa trong môi trường này" - Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch hiệp Hội gỗ và Lâm sản Việt Nam nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia hàng đầu của ngành gỗ Việt Nam, cơ sở đầu tiên để theo đuổi và phát triển một mặt hàng, đó là nhu cầu của thị trường. Hiện tại, nhu cầu sử dụng đồ gỗ trên thế giới vẫn tiếp tục tăng cao, trong khi đó, thị phần đồ gỗ của Việt Nam lại chưa đạt tới con số 1% tổng thị phần đồ gỗ thế giới. Như vậy, khả năng khai thác triệt để hơn nhu cầu đồ gỗ của thế giới đã được đảm bảo.
"Trong môi trường WTO, với những thuận lợi về cơ chế kinh doanh thông thoáng (không bị đối tác áp đặt các điều kiện kinh doanh phi lý, thuế nhập khẩu thấp) cơ hội khai thác thị trường thế giới sẽ rộng mở hơn rất nhiều. Vấn đề còn lại là bản thân các doanh nghiệp. Phải tái cấu trúc lại doanh nghiệp để năng động hơn trong kinh doanh, thực hiện theo phương châm: nhanh, nhiều, tốt, rẻ", ông Phạm Trọng Minh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, tâm sự.
Đâu là lợi thế của gỗ Việt
Một yếu tố rất quan trọng làm nên lợi thế của ngành chế biến gỗ nước ta, đó là trình độ lành nghề, kỹ thuật tinh xảo của lực lượng lao động, đặc biệt là các nghệ nhân. Điều này được minh chứng qua con số 80% sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam là hàng tinh chế. Thành công của các doanh nghiệp chuyên về đồ gỗ nội thất như công ty AA (thành phố Hồ Chí Minh) trên thị trường Âu, Mỹ cho thấy khiếu thẩm mỹ của đội ngũ thiết kế, chế tạo người Việt đã bắt kịp với "gout" tiêu dùng hiện đại.
Hiện tại, cả nước có 3 cụm công nghiệp chế biến gỗ, đó là: thành phố Hồ Chí Minh- Bình Dương; Bình Định - Tây Nguyên và Hà Nội - Bắc Ninh. Riêng cụm Hà Nội - Bắc Ninh có thế mạnh vượt trội về dòng đồ gỗ mỹ nghệ. Thị trường chính của các doanh nghiệp trong vùng (Trung quốc, Đài Loan) lại là dối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam. "Đây là nghề truyền thống của Trung Quốc, nếu trình độ của họ điểm 10 thì của ta chỉ đạt 7- 8"- Chủ tịch Hiệp hội gỗ tỉnh Bắc Ninh, kiêm Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Việt Hà, ông Nguyễn Văn Khanh cho biết. Tuy nhiên, gỗ mỹ nghệ Việt vẫn cạnh tranh được là do đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bình dân hoặc thậm chí chấp nhận bán cho các đối tác để họ gia công lại, sau đó lại xuất đi nước thứ ba.
"Trình độ của người thợ gỗ Việt Nam vừa là vốn quí, lại vừa là lợi thế cạnh tranh của ngành công nghiệp chế biến gỗ", ông Nguyễn Tôn Quyền nhấn mạnh.
Khắc phục sự phục thuộc vào nguyên liệu nước ngoài
Hiện tại, 80% nguyên liệu của ngành gỗ là nhập khẩu, với khối lượng mỗi năm từ 2 đến 2,5 triệu m3. Trong khi đó, tiềm năng về rừng của Việt Nam lại không được khai thác hiệu quả. Lâu nay, chúng ta chỉ tập trung phát triển rừng là phục vụ yêu cầu phòng hộ và bảo vệ môi trường, rừng kinh tế chưa được quan tâm đúng mức. Đây là nhược điểm đã được chỉ ra tại diễn đàn Quốc hội khi đánh giá về chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng.
Sự phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài khiến cho giá trị gia tăng thu được từ hoạt động xuất khẩu gỗ không cao. Nếu chính sách phát triển rừng trong thời gian tới chú trọng hơn đến rừng kinh tế thì sẽ góp phần cải thiện rất lớn triển vọng của toàn ngành nông nghiệp.
"Tới đấy chúng tôi phải chú ý nhiều hơn đến phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ. Tiếp đó là đưa những công nghệ hiện đại vào để chế biến những sản phẩm có chất lượng cao. Khi đó, đồng đô la ròng mà doanh nghiệp thu về chắc sẽ khá hơn", ông Phạm Trọng Minh, Phó Tổng Giám đốc, Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam cho biết.
Đóng tàu lớn hơn để ra biển lớn, đấy là khát vọng rất hiện thực của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam, khi cánh cửa WTO đã thực sự mở ra./.