Liên tục từ năm 2000 đến nay, xuất khẩu gỗ luôn có mức tăng trưởng trên 60%. 11 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng của ngành xuất khẩu gỗ cũng luôn dẫn đầu trong bản đồ xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, những bất ổn không thể lường trước của thị trường thế giới khiến nhiều doanh nghiệp (doanh nghiệp) ngành gỗ đang ở trong tình trạng khó có khả năng hoàn thành kế hoạch.
Ba lần hạ mục tiêu
Ông Đoàn Văn Trang giám đốc công ty Khải Vy kể lại, theo kế hoạch đề ra từ đầu năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2005 của Công ty Khải Vy phải là 50 triệu USD. Tuy nhiên, đến giữa năm, con số này được điều chỉnh xuống còn 45 triệu USD. Sau đó một tháng, Khải Vy một lần nữa phải hạ mục tiêu xuất khẩu xuống còn 40 triệu USD.
Ông Trang giải thích, nguyên nhân lớn nhất là do bị ảnh hưởng bởi những bất ổn chính trị ở thị trường EU, thị trường chính của Khải Vy nói riêng và ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam nói chung. Điển hình có thể kể đến thị trường Pháp, mỗi năm Khải Vy xuất sang Pháp khoảng 10 triệu USD đồ gỗ ngoài trời. Vào thời điểm đó, chính là thời điểm “nóng” nhất cho đồ gỗ ngoài trời thì các đơn hàng đột ngột chậm lại và số lượng mỗi đơn hàng cũng khiêm tốn hơn do những bất ổn chính trị đang lan rộng trên toàn nước Pháp.
Siêu thị Carrefour, bạn hàng của Khải Vy ở Pháp với hệ thống vài trăm siêu thị trải rộng trên khắp nước Pháp, đã giảm lượng hàng nhập khẩu so dự kiến ban đầu. Tương tự, hệ thống Metro (Đức) - nhà phân phối lớn thứ 2 của Khải Vy - cũng giảm tốc độ nhập hàng khiến cho mục tiêu xuất khẩu đề ra từ đầu năm của công ty càng xa vời.
Sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ thể hiện rõ trong bản đồ xuất khẩu gỗ tuần trước (ngày 4/11 đến ngày 11/11). Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ cao nhất, gần 7 triệu USD, chiếm 38,8% tỉ trọng. Thị trường Nhật đứng thứ 2, đạt trên 2,9 triệu USD, chiếm 16,35% tỉ trọng. Thị trường EU, thị trường trọng tâm của ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam, sụt giảm. Điều này thể hiện rất rõ qua kim ngạch xuất khẩu vào Anh chỉ đạt trên 1 triệu USD; các thị trường Đức, Pháp cũng chỉ xấp xỉ 1 triệu USD. |
Vào lúc đó, thị trường Mỹ có tốc độ tăng trưởng cao nhất nhưng kim ngạch không cao. Trong khi thế mạnh của đồ gỗ Việt Nam là ngoại thất thì nhu cầu của thị trường Mỹ lại nghiêng về nội thất. Một yếu tố rất đặc trưng của thị trường này là đơn hàng thường rất lớn, với năng lực hiện nay của hầu hết doanh nghiệp chúng ta thì rất khó có thể đáp ứng được. Đó là chưa kể với việc phải đối diện với nguy cơ bị kiện bán phá giá.
Đạt doanh thu nhưng lợi nhuận giảm
Với 80% nguyên liệu phải nhập khẩu, giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 10- 15% giá trị xuất khẩu. Giá nguyên liệu đầu vào đã tăng trên dưới 30% trong vòng một năm qua, trong khi giá bán ra của tất cả các sản phẩm không tăng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất chỉ để cầm cự và giải quyết lao động nhưng “cầm cự chỉ trong một thời gian nhất định, nếu kéo dài, doanh nghiệp sẽ chết”, ông Trần Quốc Mạnh, chủ tịch hiệp hội khẳng định. Một số doanh nghiệp do thiết lập được mối quan hệ với bạn hàng lâu năm đã cố gắng đàm phán chia sẻ khó khăn.
Tuy nhiên, sự chia sẻ kiểu này rất hiếm hoi và nếu có cũng rất nhỏ, chỉ mang tính động viên. Ông Huỳnh Quang Thanh, giám đốc Công ty Hiệp Long cho biết, do tự thiết kế mẫu mã, tự chào bán và thiết lập được mối quan hệ lâu năm với khách hàng nên Hiệp Long đã phân tích những khó khăn trong tình hình hiện nay để “mỗi bên chịu một ít”.
Mặc dù vậy, lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn giảm khoảng 5% so với trước đây. Còn với Khải Vy, ông Nguyễn Khoa, phó giám đốc công ty cho biết, để giải quyết việc làm cho 5.000 lao động thuộc 4 nhà máy của Khải Vy đã là một thành công. Còn lợi nhuận, nếu lạc quan thì đó chính là khấu hao trên máy móc mà thôi.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu doanh nghiệpViệt Nam chỉ tập trung vào đồ ngoại thất 100% gỗ như hiện nay thì “thua là chắc”. Chính vì vậy, việc chuyển hướng vào đồ nội thất và phong cách “mix” (pha trộn) giữa gỗ và nhôm, nhựa, sắt...đang là mục tiêu của hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ.
Tuy nhiên, để có thể chuyển hướng được đòi hỏi sự đầu tư rất lớn. Mà điều này, các doanh nghiệp ngành gỗ đang trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Đây cũng là kiến nghị của ngành gỗ với các cấp có thẩm quyền trong thời gian qua.
Để hoàn thành kế hoạch đạt 5,5 tỉ USD xuất khẩu gỗ vào năm 2010, chúng ta cần lắm những chính sách và định hướng đúng đắn và phù hợp.