Và làm thế nào để vốn “tự chảy” về khu vực này vẫn là trăn trở chưa có hồi kết.
Chính sách đã hết mình!
Ngày 5/8/2008, hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển “tam nông”, với những nhiệm vụ và giải pháp rất căn bản.
Tiếp đó, ngày 28/10/2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 24/2008/NQ-cổ phần về chương trình hành động thực hiện nghị quyết nói trên. Trong đó, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước hoàn thành dự thảo nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ngân hàng Nhà nước đã trình và chờ Chính phủ thông qua nghị định này. So sánh dự thảo nghị định này với Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg về cho vay khu vực nông thôn ban hành 10 năm trước, có khá nhiều điểm tiến bộ.
Thứ nhất, nếu như Quyết định 67 chỉ cho phép tổ chức tín dụng cho hộ nông dân vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 10 triệu đồng thì dự thảo nghị định cho phép mức vay đối với đối tượng trên lên tới 50 triệu đồng.
“Điều này không chỉ phù hợp với mặt bằng giá cả hiện nay mà còn giúp nông dân tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết.
Tiếp đó, dự thảo cũng... “mở” hơn đối với cho vay không có tài sản bảo đảm đối với hợp tác xã, chủ trang trại: thay vì chỉ từ 30 đến 50 triệu đồng, cá biệt có thể đến 100 triệu đồng và 500 triệu đồng (đối với hợp tác xã có hợp đồng xuất khẩu) thì thời gian tới, hộ sản xuất ngành nghề có thể vay tối đa không có tài sản bảo đảm lên tới 200 triệu đồng và các hợp tác xã, chủ trang trại có thể vay tối đa không có tài sản bảo đảm đến 500 triệu đồng.
Cùng đó, đối tượng điều chỉnh của dự thảo cũng nhiều hơn so với Quyết định 67 và nhờ vậy, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh khu vực nông thôn điều được thụ hưởng chính sách này.
Trong lúc thị trường tín dụng nông thôn đang chờ Nghị định trên sắp ban hành thì lâu nay, Ngân hàng Nhà nước đã có những công cụ hỗ trợ tối đa các tổ chức tín dụng cho vay vào khu vực này. Ông Nguyễn Danh Trọng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, ngoài những ngân hàng được Nhà nước giao nhiệm vụ cho vay khu vực nông thôn như Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội thì Ngân hàng Nhà nước rất khuyến khích và “ưu đãi” các ngân hàng thương mại cổ phần tham gia cho vay khu vực này.
Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn, ưu tiên lãi suất tái cấp vốn đối với ngân hàng thương mại cho vay khu vực “tam nông” thấp hơn so với cho vay khu vực khác nhằm thông qua đó để tổ chức tín dụng dư dả nguồn vốn phục vụ khu vực này...
Sao ngân hàng vẫn “chê”?
Đã đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tổ chức tín dụng cho vay “tam nông” bằng chính sách hoặc các giải pháp kỹ thuật đặc thù, đáng lẽ, tín dụng khu vực này phải tăng trưởng xứng tầm.
Thế nhưng, nhìn vào các con số, không khỏi không suy ngẫm.
Theo ông Nguyễn Danh Trọng, tính đến 31/12/2009, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn cả nước chỉ đạt 231 nghìn tỷ đồng, chiếm 17 - 18% tổng dư nợ cho vay cả nước; trong khi đó, cũng tính đến thời điểm này, tổng số vốn huy động toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng là 1.777 nghìn tỷ đồng.
Tại một vùng đất được mệnh danh là “bát cơm châu Á” hay “vựa lúa” là đồng bằng sông Cửu Long, nơi đóng góp tới 20 mặt hàng xuất khẩu cho cả nước, con số thống kê tín dụng khu vực này lại quá khiêm tốn! Cụ thể, hết năm 2009, huy động vốn tại chỗ của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 115 nghìn tỷ đồng so với con số tổng vốn huy động toàn hệ thống ngân hàng là 1.777 nghìn tỷ đồng, tương đương 6%; hay, dư nợ cho vay ở 13 tỉnh này khoảng 174 nghìn tỷ đồng, tương đương 10% tổng dư nợ toàn hệ thống.
“Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang rất đói vốn”, ông Trọng “chốt” lại.
Thực ra, trong phạm trù “tín dụng” nói chung, còn có khái niệm “tín dụng thưong mại”, có nghĩa: các doanh nghiệp vay mượn, ứng vốn cho nhau mà không thông qua ngân hàng. Chúng tôi có đem băn khoăn này hỏi ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ, một doanh nghiệp thu mua chế biến sản phẩm của nông dân đồng bằng sông Cửu Long, với ý nghĩ có thể áp dụng cách làm này giữa doanh nghiệp thu mua chế biến lương thực với nông dân nhưng ông Long ngán ngẩm: “Bất cứ ai cần vốn thì nên đến ngân hàng, đó là sự phân chia tự nhiên. Tôi có biết một số doanh nghiệp kinh doanh phân bón áp dụng “đổi phân bón lấy thóc” nhưng đó là cách làm đầy rủi ro”.
Bản chất hoạt động của doanh nghiệp là “săn tìm lợi nhuận”, sở dĩ lâu nay dòng vốn tín dụng cho nông thôn vẫn còn “eo hẹp” là do hiệu quả kinh tế không cao. “Với hàng loạt món vay nhỏ lẻ, chi phí vốn cao trong khi rủi ro thiên tai, dịch bệnh rình rập, chúng tôi đâu thể muốn cho vay nhiều vào “tam nông” là được? Hơn nữa, một khi nông thôn chưa trở thành thị trường hàng hóa sôi động thì vốn chưa thể chảy về một cách tự nhiên!”, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nói.
Như vậy, phải chăng, nếu thực hiện theo nghị định tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn sắp ban hành thì cũng mới chỉ giải quyết một phần nhỏ trong câu chuyện rất dài tín dụng cho “tam nông” mà thôi?