Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rau su su Sa Pa vươn ra siêu thị
15 | 09 | 2009
Trước đây, rau su su Sa Pa chỉ được trồng phân tán, sản lượng nhỏ, tiêu thụ tại chỗ, giá rẻ nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi có HTX Hoa Ðào, su su được trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, với quy trình sạch - an toàn và đã có mặt tại các chợ đầu mối, siêu thị Hà Nội, nhiều nông dân vùng cao Sa Pa đã thoát nghèo và đang trở thành triệu phú nhờ su su.

Xây dựng thương hiệu


Chúng tôi có mặt tại km 6 trên đèo Ô Quý Hồ, nối từ thị trấn Sa Pa sang huyện Bình Lư - Lai Châu. Mùa hè, nhưng gió lạnh thổi ù ù, bà con nông dân ở các tổ 13, 14 phải quấn khăn, đi ủng mải miết cân và đóng su su mang nhãn hiệu "su su sạch Ô Quý Hồ", có ghi rõ địa chỉ sản xuất, mã số mã vạch hẳn hoi do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường - chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ cấp) lên xe ô-tô để chở về Hà Nội. Mỗi chuyến xe đóng xong hàng, rời Sa Pa trước tám giờ sáng để còn kịp về Hà Nội trong ngày. Chủ nhiệm HTX Hoa Ðào, chị Ðỗ Thị Liên, 35 tuổi, cho biết, mỗi ngày xã viên hái chừng tám tấn quả cung cấp cho các siêu thị và đầu mối tại Hà Nội, với giá HTX thu mua tại chỗ là 1.700 đồng/kg, cao hơn giá ngoài khoảng 200 đồng. Từ khi có HTX Hoa Ðào, su su Sa Pa được cấp thương hiệu, người trồng su su đã có một địa chỉ bảo đảm đầu ra ổn định. Từ đầu vụ thu hoạch tháng 4 đến nay, su su giữ giá đều, tiêu thụ ổn định khoảng 400 tấn, bà con nông dân rất phấn khởi, yên tâm đầu tư chăm sóc và mở rộng diện tích su su hiện có. Chị Phạm Thị Hằng, ở tổ 14, hiện đang có ba ha su su đang cho thu hoạch hàng trăm tấn quả cho biết, đã chuẩn bị đất, giống và phân bón để trồng thêm hai ha nữa trong vụ tới.


Theo chị Liên, su su là loại rau thích nghi rộng, có thể trồng được ở nhiều nơi, cả miền núi cao giá rét cũng như trung du, đồng bằng nóng nực. Tuy nhiên, cây su su chỉ phát huy đặc tính nguyên chủng, phẩm chất cao cấp của nó trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp. Sa Pa nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, khí hậu ôn đới quanh năm mát lạnh là điều kiện lý tưởng để phát triển vùng rau su su cao cấp. Khu vực đèo Ô Quý Hồ, bao gồm các tổ 12, 13, 14, ở độ cao 1.300 - 1.500 m so với mực nước biển, quanh năm sương mù giá rét, thường có tuyết rơi, hiện có khoảng 100 ha su su, trở thành vùng sản xuất quả và ngọn rau su su lý tưởng. Tại đây, su su được trồng xen trong những hốc đá tai mèo sắc nhọn. Ði từ chân đèo Ô Quý Hồ đến Thác Bạc, khoảng chục km bạt ngàn những giàn su su kéo dài từ thung lũng sâu lên tận đỉnh núi, tràn qua những gò đồi kế tiếp như bát úp, quả to và sai chi chít.


Làm giàu nhờ trồng su su


Sa Pa hiện có khoảng 200 hộ nông dân trồng su su, trong đó có một số là người dân tộc Mông, Dao, Giáy... Trước đây, cuộc sống nghèo đói do chỉ quen phát nương làm rẫy, nay nhờ trồng su su, bà con đã thoát nghèo và đang giàu lên. Su su được trồng vào tháng 1-2, sau bốn tháng cho quả, năng suất trung bình đạt hơn 100 tấn quả/ha. Khác với Tam Ðảo hay Ðà Lạt, ở Sa Pa, su su chỉ trồng một lần có thể để nguyên gốc cho thu hoạch tới hàng chục năm không tàn. Chính vì lẽ đó, su su Sa Pa luôn giữ được nguồn gien gốc (do ít bị thoái hóa giống), vì vậy quả ngon hơn nơi khác, giòn và ngọt, không bị bở khi nấu chín.


Chúng tôi đến nhà ông Vương Văn Thanh, ở tổ 13, được coi là "vua" su su ở Sa Pa. Ông Thanh hiện có năm ha su su được sản xuất theo quy trình sạch - an toàn, mỗi năm bán khoảng 200 - 250 tấn quả, thu về 180 - 200 triệu đồng. Năm nay su su được giá, dự kiến ông Thanh thu 400 triệu đồng. Gia đình bà Hà Thị Thập hiện có ba ha su su cộng với làm dịch vụ mua tận gốc bán tận ngọn, có thu nhập hằng năm đạt 150 triệu đồng. Ông Giàng A Xóa, dân tộc Mông, ở tổ 13, từ chỗ nghèo đói, nhờ trồng một ha su su theo quy trình sạch và được HTX Hoa Ðào bao tiêu, thu nhập 60 triệu đồng/năm, cuộc sống khá giả. Khu vực Ô Quý Hồ có khoảng 130 hộ dân trồng su su và 90% đã thoát nghèo; riêng tổ 13 có 75 hộ không còn hộ nghèo, hàng chục hộ triệu phú nhờ trồng su su cho HTX Hoa Ðào.


Ðể giữ thương hiệu, HTX Hoa Ðào phối hợp Phòng kinh tế huyện và Trung tâm khuyến nông tỉnh thường xuyên tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất rau sạch - an toàn cho xã viên, trồng bằng giống nguyên chủng, bón phân hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học và không dùng thuốc trừ sâu. Quả su su được thu hái đúng cách, không làm trầy xước bầm giập, sau đó được HTX khử khuẩn bằng nước ô-zôn và chiếu tia cực tím, rồi đóng gói có dán nhãn xuất xứ, mã vạch trước khi lên xe ô-tô chở về các siêu thị và chợ đầu mối ở Hà Nội, Hải Phòng cung cấp cho người tiêu dùng. Huyện có chính sách hỗ trợ vốn vay cho nông dân để mua vật tư làm giàn bằng cọc bê-tông và dây thép bền chắc, dùng được nhiều năm, giảm chi phí làm giàn bằng gỗ và tre trúc, bảo vệ rừng tự nhiên.


Trưởng phòng kinh tế huyện Phạm Quốc Cường cho biết, Sa Pa đã quy hoạch vùng sản xuất rau sạch cao cấp khoảng 300 ha, trong đó riêng su su hiện có hơn 100 ha, sẽ tiếp tục mở rộng lên 150 ha trong vài năm tới, sản lượng su su hằng năm đưa ra thị trường khoảng hơn 1.300 tấn quả. Tuy nhiên, khó khăn của HTX Hoa Ðào hiện nay là thiếu xe bảo ôn để chở su su đến các siêu thị lớn trong nước, thương hiệu su su Sa Pa chưa được biết nhiều... Ðể su su Sa Pa tiếp tục phát triển, huyện và các cơ quan chức năng của tỉnh cần thật sự vào cuộc, có những giải pháp cụ thể, thiết thực giúp người trồng su su đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị lớn trong nước như huyện Tam Ðảo (Vĩnh Phúc) đã làm.



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường