Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, mặt hàng xuất khẩu lại giảm
15 | 03 | 2010
Hai sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Việt Nam là lúa gạo và cà phê đều đang trong xu hướng giá giảm. Trong khi đó, thép, phân bón lại đang tăng.

Đầu tháng 2, giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long còn ở mức trên 5.000 đồng một kg thì hiện nay đã xuống dưới 4.000 đồng một kg, có nơi xuống dưới 3.500 đồng một kg. Giá gạo xuất khẩu đang giảm khoảng từ 60-90 USD mỗi tấn so với tháng trước, hiện ở mức 440 USD một tấn.

Giá cà phê cũng xuống còn 22.600 đồng một kg - mức giá cà phê thấp nhất trong gần bốn năm qua. Theo các đại lý mua cà phê tại Đắk Lắk, giá cà phê giảm liên tục trong những ngày qua và hiện chỉ còn 22.600 đồng một kg. Ngày 2/3 vừa qua, giá cà phê bán ra ở mức 23.400 đồng một kg.

Hiện giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam còn khoảng 1.130 USD một tấn, trong khi giá cà phê tại thị trường London (Anh) cũng ở mức 1.200 USD một tấn. Đại diện một công ty xuất khẩu cà phê cho biết nguyên nhân giá cà phê trong nước giảm là do giá xuất khẩu liên tục giảm trong những ngày qua. Hiện tại, do giá cà phê xuống thấp nên nhiều người dân tiếp tục giữ hàng không bán.

Cùng nhịp với lúa gạo, cà phê, giá muối cũng sụt giảm. Bộ Công Thương cho biết, hiện nay giá muối trên thế giới giảm còn 30-35 USD một tấn và giá muối trong nước cũng giảm theo. Diêm dân đồng muối từ Nam Định đến Ninh Thuận đang kêu trời khi giá muối sụt giảm. Hiện nay giá muối thô tại đồng hiện trở về mức năm 2006 là 7.000 - 8.000 đồng một kg.

Trái chiều với giá nông sản, giá thép, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, do “ăn theo” giá xăng, điện, lại tăng. Theo dự báo của ông Đinh Huy Tam, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tới đây, tùy theo cung cầu trên thị trường, các công ty thép sẽ phải tăng giá bán thép xây dựng thêm 150.000- 200.000 đồng một tấn.

Lý do là kinh tế thế giới hồi phục nên giá của nhiều nguyên liệu chính sản xuất thép là quặng, phôi thép, thép phế liệu tăng mạnh. Trong khi đó, đa phần các nguyên liệu sản xuất thép nước ta đều phải nhập khẩu. Không những vậy, do chênh lệch tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD cũng đã làm tăng cao hơn các chi phí đầu vào của ngành thép.

Theo các đại lý vật tư nông nghiệp, hiện nay nhiều loại phân bón tăng giá từ 20.000 - 70.000 đồng một bao (50kg) tăng bình quân khoảng 15% so với giữa tháng 1/2010. Nguyên nhân được đưa ra cũng là giá phân bón trên thế giới tăng buộc các công ty sản xuất và nhập khẩu phân bón phải điều chỉnh tăng giá.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới kinh doanh phân bón và ngành nông nghiệp, hiện nay nguồn cung phân bón dồi dào nên khó có khả năng xảy ra tình trạng phân bón “sốt” giá, khan hàng trong thời gian tới.

Qua các diễn biến trái chiều, có thể thấy giá cả đang dần bắt nhịp với cơ chế thị trường trong xu hướng hội nhập mạnh mẽ. Điều đó càng đòi hỏi một “bàn tay hữu hình” của nhà nước trong việc giữ nhịp điệu của giá không "trầm quá, bổng quá", để hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân, không tác động xấu tới nền kinh tế cũng như không vi phạm quy luật thị trường.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, điều hành giá phù hợp tín hiệu của thị trường thế giới là có lên, có xuống nhưng không thụ động, không thả nổi hoàn toàn giá trong nước để thị trường trong nước chịu sự tác động tự do, tự phát của giá thị trường thế giới mà cần có những biện pháp điều hành vĩ mô nhất định.

Vừa qua, mặc dù các nỗ lực còn khiêm tốn, các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng để điều hành giá một cách thích hợp nhất, đảm bảo một “cán cân” hợp lý giữa người sản xuất - người tiêu dùng và trên bình diện cả nền kinh tế.

Ngày 12/3, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố giá mua lúa bảo đảm lãi ít nhất 30% so với giá thành sản xuất ngay từ đầu vụ sản xuất, để tổ chức, cá nhân mua lúa hàng hóa cho người trồng lúa theo giá đã công bố.

Vừa qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã chỉ đạo 30 doanh nghiệp thành viên mua 1 triệu tấn gạo dự trữ. Theo thông tin của VFA, tính tới 10/3, thống kê sơ bộ lượng gạo mua tạm trữ đã vượt 500.000 tấn trong tổng số 600.000 tấn cần mua trong tháng 3 và 400.000 tấn trong tháng 4 tới.

Hiện Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành liên quan đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới và sản xuất trong nước để có biện pháp điều hành phù hợp nhằm đảm bảo đời sống diêm dân. Các cơ quan chức năng đã quyết định tạm thời chưa xem xét việc cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với lượng muối còn lại trong năm 2010.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách hỗ trợ nông dân nhằm giữ ổn định giá muối, đồng thời Bộ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp trong nước tăng cường sử dụng muối sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu.

Về giá xăng dầu, Bộ Tài chính vừa yêu cầu khi điều chỉnh giá bán lẻ, các doanh nghiệp phải kịp thời thông báo quyết định giá, phương án giải trình tính toán giá bán tới Tổ giám sát liên ngành về giá xăng dầu.



Theo Chinhphu.vn
Báo cáo phân tích thị trường