Hiện tượng kìm giá thấp ở thị trường trong nước trong khi giá thị trường thế giới đã tăng và các yếu tố hình thành giá đã thay đổi cũng sẽ bị cơ quan chức năng triệt tiêu.
Theo Bộ Tài chính, việc điều hành giá phù hợp tín hiệu của thị trường thế giới sẽ theo hình thức "có lên, có xuống" nhưng không thụ động; không thả nổi giá trong nước để thị trường trong nước chịu sự tác động tự do, tự phát của giá thị trường thế giới mà cần có những biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô thích hợp với từng giai đoạn.
Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ độc quyền; khuyến khích cạnh tranh về giá theo pháp luật mà hiện nay đang áp dụng đối với đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ của nền kinh tế. Áp dụng có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá khi thị trường có những biến động bất thường.
“Sẽ kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, mức giá của các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá cũng như những hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước sử dụng ngân sách để đặt hàng phục vụ các chương trình, mục tiêu quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, hàng hóa còn được trợ cước, trợ giá phục vụ đồng bào dân tộc, miền núi, hải đảo, hàng hóa thực hiện chính sách xã hội”- Bộ Tài chính cho biết.
Một biện pháp nữa sẽ được đưa ra là tiếp tục mở rộng cơ chế đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá đối với hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách. Nghiên cứu để từng bước chuyển từ hình thức trợ giá, trợ cước sang đầu tư trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng.
Cùng với đó sẽ siết chặt kiểm soát nhập khẩu thông qua việc rà soát cơ cấu lại danh mục, các mặt hàng nhập khẩu để kiềm chế nhập siêu, nhất là các hàng hóa tiêu dùng xa xỉ chưa thiết yếu (ô tô, xe máy, rượu, hóa mỹ phẩm…).