Ngoài việc chịu tác động từ nền kinh tế thế giới; nền kinh tế trong nước tuy tiếp tục đà tăng trưởng và có thể đạt mức tăng GDP 6,5%, nhưng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Trong đó đáng chú ý là lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại. Đầu tiên là do tác động của lượng tiền trong lưu thông tăng lên từ sự nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa từ năm trước.
Năm mới, lương tối thiểu sẽ tăng từ 650.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng, cộng thêm kế hoạch tiếp tục đẩy nhanh chính sách an sinh xã hội, chương trình hỗ trợ giảm nghèo... sẽ làm tăng sức mua có khả năng thanh toán của một bộ phận dân cư.
Thêm nữa, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ năm 2010, nhiều mặt hàng như điện, than, nước sạch... sẽ tiếp tục thực hiện theo cơ chế thị trường. Điều này cũng sẽ làm cho mặt bằng giá tiêu dùng tăng lên.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân mang tính quy luật khách quan như thiên tai, dịch bệnh... có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến cung cầu, tác động đến giá cả thị trường.
Trong bối cảnh như vậy, liệu mục tiêu giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 7% khi mục tiêu tăng GDP là 6,5% trong năm 2010 mà Quốc hội thông qua có được hiện thực hóa? Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thực hiện mục tiêu đó phải có chính sách điều hành giá cả, tiền tệ linh hoạt, phù hợp với diễn biến của thị trường.
“Thả giá” theo lộ trình
Năm 2010, một số nhóm hàng hóa đầu vào quan trọng của sản xuất và đời sống như than, điện, nước... tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường. Điều này khiến nhiều người dân lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết chính sách giá năm 2010 sẽ thực hiện nhất quán theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tức là, giá cả nhiều mặt hàng sẽ được "thả" chứ không "neo" như trước đây.
Tuy nhiên, ông Thỏa khẳng định "thả" giá không có nghĩa là thả nổi hoàn toàn giá trong nước để thị trường trong nước chịu sự tác động tự do, tự phát của thị trường thế giới mà vẫn có những biện pháp điều hành vĩ mô nhất định. Trong những trường hợp biến động bất thường thì phải áp dụng kịp thời các biện pháp bình ổn giá.
Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại, dịch vụ và giá cả (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng có cùng quan điểm: "Việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường cũng cần phải có lộ trình, tránh gây sốc cho thị trường, khiến người dân lo ngại và tạo cơ hội cho những kẻ đầu cơ găm hàng, đẩy giá lên".
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý đến việc tăng cường kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ... đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ độc quyền, để khuyến khích cạnh tranh về giá theo pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ phương án giá, mức giá bán của các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, bình ổn giá...
"Với những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống như xăng dầu, thép xây dựng, ximăng, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm... thì phải kiên quyết không để xảy ra tình trạng lạm dụng biến động của thị trường để đầu cơ nâng giá. Phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra việc chấp hành pháp luật nhà nước về giá, đấu tranh chống mọi hiện tượng đầu cơ, nâng giá bất hợp lý", ông Thắng lưu ý.
Điều hành tiền tệ phù hợp với diễn biến lạm phát
Để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, cùng với chính sách giá, chính sách tiền tệ cũng phải phù hợp. Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa: "Cần điều hành linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ, điều hành lãi suất thị trường phù hợp với diễn biến của lạm phát, cung cầu vốn trên thị trường. Kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng, tối đa ở mức 25%".
Năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 25%, thấp hơn nhiều so với mức 37,73% của năm 2009. Việc định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 25% được Ngân hàng Nhà nước xem xét trên cơ sở yêu cầu “thắt” dần chính sách tiền tệ để phòng ngừa khả năng lạm phát cao trở lại.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng tránh việc thắt chặt đột ngột có thể gây “sốc” đối với nền kinh tế cũng như đối với hoạt động của các doanh nghiệp. Bởi vậy, tăng trưởng tín dụng năm 2010 ở mức 25% vẫn cao hơn so với mức 21% của năm 2008, năm điển hình của chính sách tiền tệ thắt chặt.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định quan điểm sẽ tập trung tín dụng và tạo điều kiện hỗ trợ cho các nhu cầu vay vốn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hạn chế tín dụng đối với các nhu cầu vốn ở các lĩnh vực phi sản xuất.
Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguy cơ lạm phát bùng phát trong năm nay là điều không thể chủ quan và chủ trương của Chính phủ lúc này đang tập trung phòng ngừa lạm phát cao quay trở lại.
Do đó, mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng được đặt ra trong năm nay ở mức 25% là hợp lý. Cục Quản lý giá đề xuất phải điều chỉnh cả chính sách tài khóa theo hướng tiết kiệm cả trong chi đầu tư, chi phát triển và chi thường xuyên, giảm bội chi ngân sách nhà nước so với năm 2009 (giữ bội chi khoảng 6,2% so với GDP).
Theo mục tiêu mà Quốc hội thông qua, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 ở mức khoảng 7%. IMF cũng dự báo mức lạm phát của Việt Nam trong năm nay sẽ là khoảng 7%, cao hơn năm 2009.
Trong khi đó, bộ phận nghiên cứu chiến lược hàng hóa và kinh tế toàn cầu của Tập đoàn Goldman Sachs thì dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ là 10,8%.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, các con số cụ thể về tốc độ tăng trưởng cũng như chỉ số lạm phát không phải là quá quan trọng. Vấn đề là cần giữ chúng ở mức có thể chấp nhận được và đảm bảo cho chính sách điều hành kinh tế vĩ mô có sự linh hoạt nhất định.