Tình trạng lạm phát hai tháng đầu năm 2008 đã leo lên mức 6%, trong khi mục tiêu đặt ra cho cả năm 2008 là 9%. Hàng loạt các biện pháp của ngân hàng nhà nước được đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát nhưng chưa có hiệu quả. Thế nhưng từ ngày 25-2, liên bộ Tài chính-Công thương lại quyết định tăng giá xăng dầu. Trao đổi Pháp luật TP.HCM tối qua, GS-TS Trần Ngọc Thơ (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) băn khoăn: “Bài toán giải quyết lạm phát sẽ không đơn giản như Chính phủ đã hoạch định trước đó”.
. Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình hình và nguy cơ lạm phát sau khi xăng tăng giá?
+ Lạm phát tăng cao trong hai tháng đầu năm có nguyên nhân từ chính việc điều hành tiền tệ của Ngân hàng nhà nước còn nhiều bất cập. Việc thắt chặt các chính sách tiền tệ là đúng, nhưng lại thiếu tỉnh táo, thiếu tầm nhìn nên chưa dự báo được các vấn đề có thể phát sinh. Các chính sách được đưa ra nhưng chưa thấy quan chức nào đứng ra giải thích cho nhân dân hiểu tường tận vấn đề. Vì vậy, các chính sách tiền tệ vừa qua của Ngân hàng nhà nước đã gây ra tình trạng hoang mang trong xã hội.
Đồng thời, việc chống lạm phát lại thiếu tính đồng bộ, không phối hợp với nhau hài hoà giữa các bộ, ngành. Trong điều kiện lạm phát leo thang thì tại sao Chính phủ lại cho tăng giá xăng dầu? Tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ đẩy giá thành sản phẩm doanh nghiệp tăng cao, doanh nghiệp sẽ tính giá cả giá xăng dầu vào sản phẩm.
. Nhưng, giá xăng dầu phải phụ thuộc vào giá thế giới?
+ Có thể trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế, ta chưa có thể đối phó được với những cú sốc trên thị trường dầu mỏ, vậy tại sao nhà nước lại thả nổi giá, không kiểm soát giá xăng dầu? Việc để doanh nghiệp “tự quyết” giá xăng dầu cũng phải có lộ trình cụ thể. Nhà nước muốn “thả nổi” cũng phải kèm điều kiện thì phù hợp hơn. Chẳng hạn, có thể áp dụng cơ chế kiểm soát, giám sát như tỷ giá hối đoái, có biên độ dao động cụ thể.
Giá xăng dầu lại liên quan đến lạm phát. Mà xăng dầu thế giới thì ngày càng tăng, giá xăng dầu Việt Nam cũng tăng theo giá thế giới nên nếu thế giới có bất kỳ một biến động nào giá ở Việt Nam cũng tăng theo. Chưa kể dự báo của các chuyên gia nước ngoài hai năm nữa giá dầu thế giới sẽ đạt khoảng 200 USD/thùng, giá xăng dầu trong nước khi đó tăng lên 30.000 đồng/lít người dân khó có thể chịu nổi. Ta cứ “lao” theo thì sẽ thế nào?
. Nói gì thì giá xăng đã tăng rồi, theo ông, cần có giải pháp gì kiềm chế lạm phát theo đà tăng giá này?
+ Tôi nói thật, rất khó trả lời! Những chuyện trên cho thấy việc hoạch định chính sách của chúng ta hiện chưa theo kịp hội nhập. Điều này đã được rất nhiều giáo sư của Đại học Havard (Mỹ) cho rằng dưới tầm hội nhập. Mọi chính sách của chúng ta đưa ra đều thiếu cơ sở phân tích định lượng bằng con số. Cho nên với tình trạng lạm phát leo thang cộng với lãi suất cao như hiện nay thì tình vấn đề kiềm chế lạm phát năm 2008 cần phải đặt dấu hỏi. Lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Cho nên người chịu thiệt đầu tiên vẫn là người nghèo.
. Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại, Tổng cục Thống kê, nhận định: Thực ra chi phí cho xăng, dầu chỉ chiếm 3% trong chi tiêu hàng tháng của người dân. Thế nhưng, chắc chắn việc tăng giá xăng sẽ đẩy các giá mặt hàng khác leo cùng.
Hôm nay (27-2), Tổng cục Thống kê sẽ đưa ra kết quả điều tra chính thức chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 2. Tuy nhiên, các chuyên gia thị trường lo ngại chỉ số tăng giá tiêu dùng tháng 2 cũng sẽ không thua tháng 1 (2,38%), con số khoảng trên 3% là điều có thể xảy ra.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp cảnh báo: “Chính phủ nên cân nhắc điều chỉnh lại kế hoạch của mình”.
L.THANH |