Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá gạo vẫn đang tăng: Tìm giải pháp giúp nông dân hưởng lợi?
26 | 02 | 2008
Giá bán lẻ thóc tẻ thường trên thị trường tự do năm 2007 trung bình đạt trên 3200 đồng/kg, tăng trên 18% so với năm 2006. Giá gạo tẻ thường đạt trên 4300 đồng/kg, tăng trên 16% so với năm 2006, tuy nhiên, do tốc độ tăng giá của các nguyên liệu đầu vào nhìn chung tăng mạnh hơn so với tốc độ tăng giá của giá nông sản), chi phí sản xuất tăng cao nên lợi nhuận thực tế của người sản xuất nông nghiệp thu về không cao.
Nghiên cứu của IPSARD cho thấy, trong cơ cấu chi phí sản xuất các mặt hàng nông sản chính hiện nay của Việt Nam, chi phí vật chất chiếm khoảng trên 60%, trong đó, phân bón (chủ yếu là phân hóa học) chiếm tỷ trọng nhiều nhất, trung bình cho cả nước là trên 38,4%, tiếp đến là hoạt động cơ giới hóa trên 18%, thuốc bảo vệ thực vật trên 16%, nước tưới trên 9,3%, giống trên 8,8%.

Trong điều kiện giá phân bón, xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao như hiện nay, giá thành trung bình mỗi kg lúa 1.600 đ/kg, năng suất lúa bình quân ở ĐBSCL là 10 tấn/ha/năm, giá bán trung bình 3.000 đ/kg, 10 tấn lúa lãi được 7,5 triệu đồng, bình quân ruộng đất trên một nông hộ ở ĐBSCL hiện nay chỉ còn 0,5 ha/hộ, chỉ còn 7,5 triệu với 6 nhân khẩu/nông hộ, thì thu nhập của nông dân trồng lúa rất thấp. Nhìn chung cũng chỉ dao động trong khoảng từ 8-10 triệu đồng/ha/năm tuỳ theo địa phương.

Có thể nói ngành sản xuất lúa Việt Nam là ngành sử dụng nhiều lao động, ít máy móc. Chi phí lao động luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất lúa, có thể chiếm tới trên 50% tổng chi phí sản xuất (trường hợp lúa đông xuân vụ 2006/07 ở Hải Dương), và ổn định ở tỷ lệ 32% (trường hợp của An Giang, lúa đông xuân 2005/06 và 2006/07). Chi phí phân bón thường đứng cao thứ hai, chiếm khoảng 20-25% tổng chi phí sản xuất lúa, với hai xu hướng sử dụng phân bón khác nhau giữa hai miền. Ở Miền Tây Nam bộ, chủ yếu sử dụng bốn loại phân NPL, phân DAP, phân Kali và phân urê. Trong khi đó, ở Miền Bắc, chủ yếu sử dụng phân chuồng, phân lân, phân urê và Kali. Trong cơ cấu giá thành sản xuất lúa, chi phí phân bón vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất và có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Năm 2001, tỷ trọng chi phí phân bón trong tổng giá thành sản xuất lúa bình quân của cả vùng Tây Nam bộ chiếm khoảng 28,9%[1] thì đến năm 2006, tỷ trọng này của An Giang tăng lên tới 40,6%, và năm 2007 ở mức thấp hơn nhưng vẫn chiếm khoảng 37,2%[2].

Thu nhập từ trồng lúa

Theo các chuyên gia Viện lúa ĐBSCL, vụ đông xuân năm 2007, theo thống kê bình quân giá lúa hiện ở mức 2.850 đồng/kg, nếu áp dụng "3 giảm, 3 tăng", chi phí sản xuất lúa khoảng 1.200 đồng/kg, nông dân có lãi khoảng 1.700 đồng/kg. Như vậy, mặc dù lợi nhuận của người trồng lúa ĐBSCL đạt trung bình 40% giá bán, 60% trang trải cho chi phí sản xuất lúa[3], cao so với tỷ lệ 25% năm 2001[4], song vẫn chưa thể đủ đầu tư trang thiết bị, hay đầu từ mở rộng vùng lúa chất lượng cao. Đối với các tỉnh trồng lúa lớn, có đầu tư thâm canh và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa như An Giang, lợi nhuận đạt 48% trong vụ đông xuân năm 2007, cao hơn so với 43% vụ trước. Trong khi đó, chi phí sản xuất lúa ở vùng Bắc bộ vẫn luôn ở mức cao gấp đôi so với của các tỉnh miền Nam, và lợi nhuận chỉ chiếm khoảng 25% trong giá bán. Trong đợt khảo sát của đoàn liên bộ cuối tháng 9/2007, giá thành sản xuất cao nhất một kg lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là 1.600 đồng, bình quân khoảng 1.300 đồng đến 1.400 đồng/kg.

Những yếu tố đang tác động sản xuất lúa Việt Nam

Thay đổi khí hậu toàn cầu

Thiên tai, dịch bệnh diễn ra đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2007 và ảnh hưởng mạnh tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Những tác động của thiên tai, dịch bệnh càng đặt ra nhu cầu cấp thiết về các chính sách thay đổi căn bản cả trong hoạt động sản xuất và quản lý của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Năm 2007 đã xảy ra 7 cơn bão và những đợt lũ lụt, mưa to, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, làm ngập và hư hại 113.800 ha lúa; phá huỷ trên 1.300 công trình đập, cống, làm sạt lở cuốn trôi khoảng 460 km đê kè và 1.176 km kênh mương; và nhiều công trình kinh tế-xã hội khác bị hư hỏng.. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 11.600 tỷ đồng, bằng khoảng 1% GDP. Do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nên tình trạng thiếu đói vẫn xảy ra ở vùng thiên tai. Năm 2007, trên địa bàn cả nước có 723.900 lượt hộ với 3.034.500 lượt nhân khẩu bị thiếu đói, giảm 6% số lượt hộ và giảm 11,6% số lượt nhân khẩu thiếu đói so với năm 2006.

Từ, cuối tháng 12 năm 2007 kéo dài đến tháng 2 năm 2008 xảy ra ở miền Bắc là đợt rét đậm dài nhất trong lịch sử, theo thống kê sơ bộ của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), diện tích lúa và mạ xuân bị chết tại 16 tỉnh đến nay đã lên tới gần 60 nghìn hécta. Thiệt hại đậm nhất, là diện tích lúa xuân cấy trước Tết và mạ xuân muộn thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ và miền núi phía bắc. Trong số này Thanh Hoá có gần 10,4 nghìn hécta, Nghệ An có 10,5 nghìn hécta, Phú Thọ khoảng 7.400ha và Bắc Giang ít nhất cũng có đến 1.500ha lúa. Sự tàn phá của đợt rét đậm lan rộng sang diện tích lúa xuân sớm và mạ muộn tại Đồng bằng sông Hồng khiến hơn 31,7 nghìn hécta lúa và mạ chết vì rét. Vựa lúa Thái Bình mất 10ha lúa xuân, Hải Dương và Hải Phòng cộng chung thiệt hại 14.000ha lúa trong lúc Hà Tây dù thiệt hại ít nhất cũng là 5.000ha lúa.

Khó khăn về nước tưới

Sản xuất lúa gạo vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước sông Hồng và Thái Bình, trong đó có việc điều tiết của các hồ Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang. Từ 5/1 đến 28/2/2008 là thời điểm nông dân Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ lấy nước gieo cấy nhưng nguồn nước lại xuống thấp kỷ lục. Sáng 31/12/2007, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã xuống 1,4 m, thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ hơn 100 năm qua. Nếu tình hình không được cải thiện, khoảng 200.000 ha đồng bằng trung du Bắc Bộ không có nước cấy. Mực nước sông Thái Bình sáng qua tại Phả Lại chỉ còn 1,15 m, thấp hơn so với cùng kỳ 40 cm. Hồ Hòa Bình hiện chỉ còn 113 m nước, kém cùng kỳ năm ngoái khoảng 3 m. Trong khi đó, theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, từ nay đến hết tháng 4, lượng mưa ở Bắc Bộ sẽ còn thấp hơn trung bình nhiều năm. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội có thể xuống 1,2 m vào tháng 2.

Ngoài ra, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, vụ đông xuân 2007-2008 tiếp tục khó khăn về nước tưới. Vì vậy những diện tích lúa không đủ nước tưới của ĐBSH và BTB có xu hướng chuyển sang trồng cây trồng cạn sử dụng ít nước hơn. Vì vậy, dự kiến diện tích gieo cấy hai vùng ĐBSH và BTB lúa đông xuân 2008 đạt 685 nghìn ha, giảm khoảng 18 nghìn ha so với vụ đông xuân trước, trong đó, diện tích cho chuyển đổi cây trồng khoảng 15 nghìn ha (ĐBSH dự kiến giảm 12 nghìn ha, BTB giảm 6 nghìn ha). Đây là năm thứ 5 liên tiếp miền Bắc gặp khó khăn về nước để làm đất gieo cấy và tưới tiêu trong vụ đông xuân.

Dịch bệnh trên lúa diễn ra trong suốt năm

Năm 2007, tình hình thiên tai và dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và gây ra nhiều thiệt hại. Hai loại sâu bệnh chủ yếu gây thiệt hại cho lúa và hoa màu trong năm 2007 cũng như nhiều năm qua là rầy nâu và vàng lùn, lùn xoắn lá. Bệnh rầy nâu chủ yếu tập trung vào thời điểm tháng 2-3 và tháng 7-8 là những thời điểm gieo trồng lúa đông xuân, lúa mùa. Trong khi đó, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá diễn ra trong suốt cả năm và thường tăng lên bất cứ khi nào có sự buông lỏng về công tác phòng chống dịch. Nhiều loại dịch bệnh khác cũng đã xuất hiện trong năm 2007, đó là bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, sâu đục thân trong đó đặc biệt là bệnh đạo ôn trên lá đã gây thiệt hại khá nặng với cao điểm nhiễm bệnh trên 7300 ha (tháng 10).

Tăng chi phí nhân công sản xuất lúa

Hàng năm, khi vào kỳ thu hoạch, đều xảy ra tình trạng thiếu nhân công cắt lúa. Tuy nhiên, vụ đông xuân 2006/2007 để tránh dịch bệnh lúa, lần đầu tiên các tỉnh ĐBSCL xuống giống đồng loạt và cùng thu hoạch đồng loạt, nguồn cung lao động cắt lúa càng khan hiếm hơn. Giá nhân công cắt lúa tăng cao, tại thời điểm thu hoạch rộ lúa đông xuân 2007, ở Tiền Giang giá nhân công cắt lúa là 900.000 đồng/ha, gần gấp đôi so với vụ trước. Ngoài ra, chi phí các dịch vụ ghe xuồng vận chuyển lúa gạo sau thu hoạch cũng tăng, cao hơn khoảng 1,5 lần so với năm ngoái. Do quá trình đô thị hoá, di cư nông thôn ra thành thị diễn ra ngày càng mạnh, nguồn nhân công trẻ ở nông thôn ngày càng giảm hóa, nhiều tỉnh đang chọn phải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa.

Thiếu máy móc để tăng cường cơ giới hoá trong sản xuất lúa

So với các nước trong khu vực, mức độ cơ giới hoá nông nghiệp của Việt Nam rất thấp[5], trang bị động lực bình quân mới đạt 0,57 mã lực/ha canh tác. Cơ giới hoá chủ yếu trong trồng lúa và tập trung ở các khâu làm đất, tưới tiêu, tuốt đập và vận chuyển. Khâu gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch lúa hầu như vẫn làm thủ công”. Mức độ trang bị máy kéo thường tập trung ở những vùng chuyên canh lớn như Tây Nguyên, ĐBSCL, Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, còn các địa phương khác hầu như còn nhỏ lẻ. Các loại máy kéo lớn và máy kéo trung chủ yếu ở các doanh nghiệp, hợp tác xã và các chủ trang trại sản xuất nông nghiệp lớn còn các hộ nông dân, chủ yếu sử dụng loại máy kéo nhỏ, chỉ đáp ứng một phần nhỏ công việc.Do thiếu máy móc hỗ trợ, nên thất thoát trong thu hoạch lúa ở ĐBSCL hàng năm lên đến hàng chục tỷ đồng.

Nông dân khó tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi

Để đẩy nhanh tốc độ cơ khí hoá trong nông nghiệp nhằm hướng đến một nền nông nghiệp phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020. Theo đó, thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp thuộc chương trình cơ khí trọng điểm của Chính phủ được ưu tiên đầu tư, phấn đấu đến năm 2010 ngành cơ khí đáp ứng 45 - 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước. Ngoài ra, Chính phủ cho phép các tỉnh, thành phố hỗ trợ nông dân mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp bằng ngân sách của địa phương. Một số tỉnh đã có những chính sách cụ thể như: Mức vốn được vay là 70% giá trị thiết bị cần mua, nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng còn lại 30% người vay tự bỏ vốn đầu tư. Khoản vay này không phụ thuộc vào các khoản đã vay khác. Mức lãi suất tiền vay là 2%/năm. Thời hạn vay vốn và hỗ trợ lãi suất tiền vay là 3 năm. Tuy nhiên, hiện nông dân ở nhiều địa phương vẫn than phiền khó tiếp xúc với nguồn vốn này[6].

Chi phí đầu vào tăng

Tốc độ tăng giá của các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là xăng dầu và vật tư nông nghiệp cao hơn tốc độ tăng giá của gạo nên lợi nhuận thực tế thu được của người nông dân không cao. Giá các loại vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp đều tăng mạnh trong năm 2007. Nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón tăng, và giá phân thế giới đang tăng. Mặc dù là nước sản xuất nông nghiệp nhưng Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu các loại vật tư đầu vào.

Trong năm 2007, giá phân urê và DAP tăng cao nhất trong các tháng 4 và 5. Ở hầu hết các tỉnh thành phố, giá phân bón đều tăng mạnh so với thời điểm đầu năm. Tính đến 20/4, giá phân Urê ở thị trường An Giang tăng 21%, tại Đồng Nai tăng 22%, tại Đồng Tháp tăng 20%, tại Hà Nội tăng 14%, tại Kiên Giang tăng 25%, tại Lâm Đồng tăng 18%, tại Trà Vinh tăng 25%. Giá phân bón tăng mạnh trở lại từ đầu tháng 9. Trong năm nay, mức tiêu thụ supe lân và phân NPK tăng mạnh so với năm 2006. Tuy nhiên, về cơ bản nguồn cung nội địa về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu này. Riêng phân lân, NPK, nguồn cung nội địa từ các nhà máy cơ bản đã áp ứng đủ. Giá phân urê trung bình đạt trên 5152 đồng/kg, tăng gần 12% so với năm 2006. Giá phân DAP năm 2007 trung bình đạt trên 7342 đồng/kg, tăng trên 33% so với năm 2006. Giá thuốc trừ sâu Bassa năm 2007 trung bình đạt trên 22.500 đồng/chai, tăng trên 25% so với năm 2006. Tháng 10/2007, giá phân bón trong nước đạt mức cao chưa từng có trong vòng nhiều năm: Phân urê đạt trên 5400 đồng/kg, phân DAP đạt 9000 đồng/kg. Nguyên nhân tăng giá phân bón một phần do giá phân bón trên thị trường thế giới tăng, đặc biệt là tại Trung Quốc, nguồn cung cấp phân bón chủ yếu của Việt Nam.

Trên thực tế, trong 4 loại phân bón sử dụng nhiều nhất cho canh tác lúa các tỉnh miền Nam là NPK, urê, DAP và Kali, thì trừ NPK cung ứng khá đủ bởi nguồn cung trong nước, đều vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Mỗi năm nước ta sử dụng trên dưới 2 triệu tấn phân urê cho sản xuất nông nghiệp. Các nhà máy sản xuất phân urê trong nước (Nhà máy phân đạm Phú Mỹ với công suất 740.000 tấn urê/ năm và Nhà máy phân đạm Bắc Giang: 165.000 tấn urê/năm) mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Chính vì vậy, giá phân bón trong nước phụ thuộc nhiều vào giá thế giới, đặc biệt trong các thời điểm ĐBSCL bước vào gieo sạ lúa hè thu và lúa vụ ba, gây nhiều khó khăn cho nông dân.

Bài học kinh nghiệm từ các mô hình hỗ trợ n ông dân sản xuất lúa trong nước và nước ngoài

Bảo vệ diện tích lúa có tưới, chất lượng nước tưới, trợ giúp nông dân trong khâu cung ứng các loại giống lúa cạn

Hiện nay, sản xuất lúa tưới có vai trò đặc biệt quan trọng, cung cấp 75% nhu cầu lúa gạo của thế giới. Ở Việt Nam, lúa tưới chiếm khoảng 80% diện tích lúa, với diện tích 4,2 triệu ha, cung cấp 90% trong 36 triệu tấn lương thực của cả nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá đang làm thu hẹp khoảng 300.000 ha đất trồng lúa có tưới. Điều này cũng làm tăng sự cạnh tranh giữa nông dân trồng lúa và ngành công nghiệp về nhu cầu nước cho sản xuất và tiếp cận nguồn nước từ hồ chứa nước xung quanh thành phố, trong điều kiện chi phí sản xuất lúa tăng do ảnh hưởng sâu bệnh và các chi phí đầu vào đều tăng lên.

Ở Ấn Độ, những dấu hiệu khan hiếm nước thể hiện rất rõ trong những vùng nông nghiệp. Ấn Độ đã áp dụng phương pháp canh tác theo hệ thống lúa tiểu vùng đồi xen kẽ (hệ thống lúa trên cạn). Đây là hệ thống gieo trồng lúa sử dụng các giống lúa có thể tăng trưởng mà không cần có nước (giống như lúa vùng cao), nhưng có thể cho năng suất chỉ thấp hơn 20 – 30% so với hệ thống canh tác lúa ở vùng đất thấp (loại lúa tăng trưởng cần có nước). Với phương pháp quản lý tốt, năng suất và sự bền vững của hệ thống lúa trên cạn sẽ được đảm bảo phát triển.

Tạo điều kiện nông dân vay vốn ưu đãi mua máy móc từ Quỹ hỗ trợ phát triển của địa phương

Do quá trình đô thị hoá, di cư nông thôn ra thành thị diễn ra ngày càng mạnh, nguồn nhân công trẻ ở nông thôn ngày càng giảm hóa, nhiều tỉnh đang chọn phải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa và đã thành công trong việc giúp nông dân giảm chi phí sản xuất . Năm 2007, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp đã có chủ trương và những chính sách hỗ trợ nông dân kịp thời trong thúc đẩy cơ giới hoá. An Giang đã có chính sách hỗ trợ nông dân vay 120 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển để mua 100 máy trả góp trong vòng 3 năm không tính lãi. Ở Tiền Giang, nông dân mua máy gặp xếp hàng được hỗ trợ lãi suất vay vốn 0,5%/tháng, trong thời hạn vay vốn 24 tháng. Kiên Giang hỗ trợ nông dân lãi suất vay ngân hàng trong 2 năm để mua máy gặt đập liên hợp, hỗ trợ 5 triệu đồng/1 máy. Ở tỉnh An Giang, vụ đông xuân 2006/07 này, với 45 chiếc máy, huyện Châu Thành thu hoạch lúa bằng cơ giới chiếm gần 81% diện tích, tăng vọt so với con số 7% của vụ đông xuân trước. Sự đổi mới này giúp bà con rút ngắn được 50% thời gian thu hoạch (từ 2 tháng xuống 1 tháng), giảm 50% chi phí thu hoạch (2,3 triệu đồng/ha nếu thuê lao động thu hoạch bằng thủ công, 1,2 triệu đồng/ha nếu thu hoạch bằng máy).

Bộ NN&PTNT cũng đã đưa ra mục tiêu cơ giới hoá 100% việc chế biến các loại hạt giống, nâng tỷ lệ cơ giới hoá làm đất trung bình cả nước đạt 70 đến 75%; phổ biến rộng rãi thiết bị gieo lúa theo hàng ở các tỉnh ĐBSCL, từng bước áp dụng máy cấy mạ thảm, máy bơm thuốc trừ sâu, máy gặt lúa rải hàng, các loại máy gặt lúa liên hợp.

…. Và theo bạn, những giải pháp khác là gì?


[1] Nghiên cứu Viện Chính sách Chiến lược PTNNNT (2006)

[2] Thống kê của Sở NN&PTNT An Giang (2006, 2007)

[3] TS. Cao Văn Phụng, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long

[4] Nghiên cứu Viện Kinh tế Nông nghiệp (2006)

[5] Cục trồng trọt (2007)


Báo cáo phân tích thị trường