Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nỗ lực vượt "bão giá": Hỗ trợ doanh nghiệp thế nào?
12 | 03 | 2008
Trong bộn bề khó khăn hiện nay, để phát triển sản xuất, bản thân mỗi doanh nghiệp phải tìm cách thích ứng với những diễn biến phức tạp của thị trường nhưng cũng rất cần sự hỗ trợ từ các chính sách. Các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp đề xuất một số giải pháp.

GS-TS Trần Ngọc Thơ, Phó khoa Tài chính doanh nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM:
Cần những công cụ phòng ngừa rủi ro

Thị trường đang rất khắc nghiệt, do đó doanh nghiệp (DN) phải tự định liệu cho mình về mọi mặt. Có chiến lược lâu dài để đối phó những tình huống mang tính gây sốc. Vấn đề này, nhiều nước trên thế giới đã quá quen thuộc, họ có sẵn những công cụ phòng ngừa rủi ro mang tính linh hoạt cao. DN phải tìm lối thoát cho riêng mình như tìm những ngân hàng (NH) có thế mạnh về lĩnh vực mà công ty đang hoạt động.

Thời điểm này có thể vay vốn bằng ngoại tệ (cụ thể là USD) vì đây là ngoại tệ đang dư thừa, lãi suất thấp (lãi suất hiện khoảng 6%/năm), dễ vay... Tuy nhiên, độ rủi ro khi vay USD cũng rất cao, có thể giá USD đảo chiều bất cứ lúc nào (USD tăng giá trở lại). Để phòng ngừa rủi ro này, DN nên mua bảo hiểm khi USD lên giá. Chính phủ cần phải dự báo chính xác, chống lạm phát phải chống đến cùng và toàn diện. Cần triển khai hành lang pháp lý, chính sách, công cụ phòng ngừa rủi ro đối với tiền tệ, hàng hóa, xăng, dầu...

TS Đinh Sơn Hùng, Viện phó Viện kinh tế TP.HCM:
DN nên tập thói quen thích ứng

Cùng lúc đạt được hai mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và chống lạm phát là rất khó. Muốn đạt được cái này phải hy sinh cái kia. Với tình hình hiện nay, để hỗ trợ các DN trước mắt cũng như lâu dài, Nhà nước cần tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực cho DN, hỗ trợ đổi mới công nghệ; xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các dịch vụ có chất lượng với giá rẻ... Bản thân DN phải nhanh chóng tìm cách thích ứng với những diễn biến của tình hình, như thay đổi cách quản lý, tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu mới, tăng công suất, tiết kiệm nguồn năng lượng, nhân công...

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc kinh doanh thủy sản TP.HCM:
Ổn định tỉ giá USD để hỗ trợ xuất khẩu

Đơn vị chúng tôi đang phải xem xét lại các hoạt động, khu vực nào không hiệu quả sẽ được thu gọn bớt. Chẳng hạn lợi nhuận trong xuất khẩu hiện nay là không cao nên khu vực nuôi trồng thủy hải sản phục vụ cho xuất khẩu sẽ phải hạn chế. Xem xét lại thị trường xuất khẩu, thị trường nào ứng vốn trước thì làm, còn ngược lại sẽ tạm ngưng dù phải mất các thị trường này.

Việc thanh toán bằng USD hiện nay làm cho DN xuất khẩu luôn bị thiệt thòi vì tỉ giá NH khá cao (trên 16.000 đồng/USD), còn khi DN có USD bán cho NH thì được tính theo giá thị trường, tức trên 15.900 đồng/USD. Hiện chúng tôi đang xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu thanh toán bằng euro để được ổn định hơn nhưng lại gặp nhiều trở ngại là euro khó bán, thị trường còn hạn chế... Điều mong mỏi của chúng tôi hiện nay là các NH cần sớm được vay vốn bình thường trở lại; Nhà nước ổn định tỉ giá USD.

Ông Nguyễn Anh Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM:
Hỗ trợ bằng cách giãn thuế, giãn nợ...

Trong vòng 10 ngày nay, Chính phủ đã có một số chính sách điều chỉnh hợp lý. Tôi ủng hộ những chính sách kiềm chế lạm phát, hạn chế tiền đồng lưu thông và các giải pháp hạn chế bong bóng lãi suất. Nhà nước cũng đã tham gia điều tiết thị trường chứng khoán, hạn chế sự tăng giá VNĐ...

Về lâu dài, Chính phủ nên tham khảo ý kiến của những chuyên gia có kinh nghiệm trên thế giới về điều tiết vĩ mô, nhất là trong lĩnh vực thị trường tài chính. Phải hoàn chỉnh, đẩy mạnh hiệu quả của hệ thống thu thập thông tin, phân tích đánh giá và dự báo. Trước mắt, có thể tận dụng các chuyên viên nước ngoài, đồng thời phát triển các chuyên viên trong nước; đào tạo, nâng tầm đội ngũ những người làm công tác vĩ mô, cán bộ quản lý hiệp hội ngành nghề, quản lý DN, hệ thống lao động bậc trung và bậc cao...

Bên cạnh chính sách của Nhà nước, DN phải chủ động tự cứu mình. Từng DN phải tiến hành tái cấu trúc; rà soát tất cả chi phí trong sản xuất kinh doanh; tăng hiệu quả đầu vào trong cung ứng, sản xuất và lưu thông; chọn lọc, xác định những sản phẩm tối ưu là sở trường, lợi thế cạnh tranh và phân khúc thị trường thích hợp...

Đã có một số ý kiến đề cập đến giảm thuế để hỗ trợ DN. Theo tôi, chưa đến lúc phải dùng đến giải pháp này và không nên tạo ra tiền lệ giảm thuế. Nhà nước có thể hỗ trợ DN bằng cách hoãn thuế hay cho trả dần trong nhiều năm. Tương tự, những khoản vay NH mà các DN không có khả năng hoàn trả, Nhà nước cũng có thể áp dụng các biện pháp đảo nợ, hoãn nợ chia đều ra cho các năm. Lúc này, DN không nên đặt ra tỉ lệ lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng cao hay thấp mà vấn đề làm làm sao đứng vững, trụ lại, bảo tồn vốn trong điều kiện lạm phát.



Nguồn: Báo Thương Mại
Báo cáo phân tích thị trường