Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó khăn vì USD mất giá
12 | 03 | 2008
Nhiều DN chế biến, xuất khẩu thuỷ sản đang "khóc ròng" khi đồng USD bị mất giá trên thị trường và đồng Việt Nam (VND) lại thiếu hụt nghiêm trọng.
Thông thường, DN vẫn ký hợp đồng giao dịch với đối tác nước ngoài bằng đồng USD, nên VND lên giá đồng nghĩa với việc nhiều công ty mất đi một khoản lợi nhuận đáng kể.

Trong khi đó, lãi suất ngân hàng tăng, nhiều ngân hàng còn hạn chế cho đổi USD ra VND, thậm chí không cho vay tiền mặt. Giá USD tụt giảm dài dài trong khi chi phí đầu vào tăng phi mã (xăng dầu, thức ăn chăn nuôi...) khiến chi phí sản xuất tăng cao, đẩy giá thành sản phẩm tăng. Những tác động mạnh liên tiếp này đã đẩy DN sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu khó trăm bề.

Hầu hết DN xuất khẩu phải chạy "toát mồ hôi" mới bán được USD, nhưng ngân hàng cho biết chỉ mua với giá 15.700 đồng/USD (con số này dự báo còn xuống nữa). Như vậy, chỉ với một đơn hàng nhỏ doanh số 200.000 USD, được ký hợp đồng vào thời điểm giá USD còn ở mức 16.000 đồng, DN "mất trắng" hơn 60 triệu đồng, ăn luôn vào cả phần lãi.

DN xuất khẩu thiệt một thì người nuôi cá tra thiệt mười. Giá cá tra đã giảm đáng kể, một phần do DN không còn tiền mua nguyên liệu; mặt khác, người nuôi cũng không vay được tiền ngân hàng để mua thức ăn cho cá, "hụt hơi", thiếu vốn không nuôi nổi đành phải bán tháo đi mà cũng khó tìm được người mua. Hiện giá cá tra tại Đồng Tháp dao động trong khoảng 13.800-14.300 đồng/kg. Mức giảm chung của giá cá tra tại ĐBSCL cuối tuần qua khoảng 500 đồng/kg so với tuần trước.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận xét, giá cá giảm vừa qua là hệ quả của việc USD sụt giá so với tiền đồng. Trong khi đó, các ngân hàng cũng “siết” lại vốn vay khiến DN thiếu tiền mặt mua cá và nông dân cũng không có “sức” trữ cá.

Chính sự khan hiếm trầm trọng tiền mặt VND và sự mất giá của nó trong mối quan hệ với USD và hàng hoá chính là nguyên nhân đẩy các DN vào tình trạng thiệt đơn, thiệt kép.

Điều này dẫn đến tình trạng: các DN bế tắc khi có lượng USD trong tài khoản do xuất khẩu đem lại mà không đổi sang được VND để trả tiền đã mua nguyên liệu trước kia và mua nguyên liệu mới. Hơn nữa, sức mua của VND lại giảm ít nhất 20% do mặt bằng giá cả trong nước tăng. Trong khi đó, các kênh huy động vốn khác, như chứng khoán, lại không đáng kể do ảnh hưởng chung từ sự sụt giảm của TTCK thời gian qua.

Ngoài ra, việc duy trì chính sách đồng Việt Nam mạnh đã cản trở xuất khẩu, đặc biệt "tệ hại" với các DN xuất khẩu nông, thuỷ sản khi gần như 100% mua nguyên liệu là trong nước, chứ không như dệt may, da giày 80% nguyên liệu là nhập khẩu.

Chưa kể, việc hạn chế cho vay tín dụng (tuy không có văn bản nào chính thức) cũng tác động trực tiếp đến người sản xuất, kinh doanh. Trong ngành thuỷ sản, đối tượng chịu thiệt đầu tiên chính là nông dân, bán thì lỗ, để lại thì không có gì mua thức ăn cho cá ăn.

Trong văn bản hôm 4/3 gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, VASEP đã đề nghị Bộ trưởng xem xét, kiến nghị với Chính phủ khẩn trương điều chỉnh các giải pháp kinh tế vĩ mô theo hướng không gây thêm khó khăn cho sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, giảm bớt thiệt hại cho nông ngư dân và DN, không đẩy DN và nông ngư dân đến chỗ phá sản, kéo theo những thiệt hại và đổ vỡ nghiêm trọng..., nhất là những người mới đổ tiền vào nuôi cá.

Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu và có biện pháp hỗ trợ các ngân hàng thương mại mua toàn bộ ngoại tệ mà các DN thu được từ xuất khẩu theo tỷ giá Nhà nước công bố, không thu phí.

Trước mắt, VASEP khuyến khích các DN thành viên sử dụng sang ngoại tệ khác như EUR, đồng bảng Anh, yên Nhật, đô la Australia... nhưng khó khăn hiện nay là các ngân hàng cũng không mặn mà lắm với việc sử dụng các loại ngoại tệ này. Việc đa dạng hoá thị trường cũng nên được DN coi trọng để thu về các loại ngoại tệ khác ngoài USD, mặc dù tính thanh khoản cũng không phải là cao.

Dự đoán, những ngày tới, giá mua thủy sản sẽ còn bất ổn bởi ảnh hưởng của tỷ giá. Ngoài cá tra, giá tôm sú có nhiều khả năng sẽ giảm do nguyên nhân trên, đồng thời, cũng vì ĐBSCL chuẩn bị vào vụ thu hoạch rộ. Theo ông Hải, 1kg cá xuất đi chỉ thu về khoảng 1USD, trong khi với tôm sẽ thu được đến 10USD. Một khi DN xuất khẩu tôm bị thiệt vì tỷ giá thì nông dân nuôi tôm sẽ là người gánh chịu hậu quả lớn nhất vì giá mua tôm của DN chắc chắn giảm mạnh.



Nguồn: Báo Thương Mại
Báo cáo phân tích thị trường