Những tín hiệu khả quan
Không còn nhiều khó khăn như những tháng cuối năm 2008, đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN vừa và nhỏ tại một số địa phương đã có những tín hiệu khả quan. Nhà máy bột can-xít Phú Thọ (khu công nghiệp Thụy Vân, Phú Thọ), liên tục chạy hết công suất, hiện mỗi tháng nhà máy sản xuất được 3.000 tấn bột can-xít. Cuối năm 2008, công ty gặp không ít khó khăn do thị trường xuất khẩu lớn là Nga đã dừng ký hợp đồng. Còn tại thị trường trong nước, từ tháng 10-2008, Công ty giấy Bãi Bằng tạm ngừng mua hàng của công ty (trước đây lấy 700 tấn/tháng), một số doanh nghiệp nhựa trong nước cũng giảm lượng mua hàng... Thế nhưng từ cuối tháng 3 đến nay, lượng hàng tiêu thụ trong nước bắt đầu nhúc nhích, Công ty giấy Bãi Bằng đã mua của công ty 400 tấn, Công ty giấy Việt Trì mua 200 tấn, Công ty nhựa Tiền Phong mua 70-80 tấn... Thị trường xuất khẩu cũng tăng trưởng khi công ty ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu mới sang các thị trường Ấn Ðộ, Bangladesh... Vì vậy, doanh thu quý I năm nay của công ty đạt hơn 26 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận ước đạt 1 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Việt Vương (doanh nghiệp chuyên sản xuất cột ăng-ten, cột điện... tại Phú Thọ) có doanh thu quý I-2009 đạt 30 tỷ đồng, tuy thấp hơn so với kế hoạch nhưng theo lãnh đạo công ty thì kết quả này cũng đáng mừng, nhất là những tháng cuối quý I vừa qua, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty đã có dấu hiệu phục hồi. Tin tưởng vào triển vọng kinh doanh trong thời gian tới, công ty đang triển khai tuyển dụng thêm 50 lao động, mặc dù cuối năm 2008, công ty đã phải giãn việc của công nhân. Ðến thời điểm này, công ty đã ký thêm được nhiều đơn hàng mới, đủ việc làm cho người lao động đến hết quý III năm nay.
Không riêng DN tại các thành phố, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN khu vực nông thôn cũng bắt đầu đi vào ổn định hơn. Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) Nguyễn Ðức Dũng cho biết, quý III và IV-2008, hàng công ty sản xuất ra không bán được. Tuy nhiên, những tháng đầu năm vừa qua, sản phẩm của công ty đã bắt đầu được tiêu thụ, nhất là sản phẩm măng chế biến xuất khẩu, từ đầu năm đến nay đã xuất khẩu sang Ðài Loan (Trung Quốc) bốn container, công ty đang chuẩn bị xuất khẩu tiếp sáu container.
Giúp DN tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh một số DN vẫn còn khó khăn, nhiều DN vừa và nhỏ đã từng bước vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài sự nỗ lực, năng động, sáng tạo của từng DN thì những chính sách kích cầu của Chính phủ được coi là một trong những giải pháp hiệu quả, kịp thời giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN đạt kết quả khả quan nêu trên. Theo Chủ tịch HÐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất - thương mại Hữu Nghị Vũ Hùng Sơn, ngay giữa tháng 2 công ty đã tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ 4% lãi suất với tổng số tiền vay khoảng 10 tỷ đồng. Mọi năm công ty phải trả lãi vay ngân hàng 6 tỷ đồng nhưng với chính sách hỗ trợ lãi suất này, DN chỉ còn phải trả 4 tỷ đồng.
Với công ty cổ phần Việt Vương, số vốn vay hỗ trợ lãi suất mà công ty tiếp cận được là 15 tỷ đồng cùng với số tiền được giãn thuế trong năm 2009 là 1 tỷ đồng đã giúp công ty duy trì hoạt động và đến thời điểm này đang đẩy mạnh sản xuất để kịp giao hàng trong quý II. Còn với công ty cổ phần Yên Thành, vốn hỗ trợ lãi suất được vay là 1,2 tỷ đồng đã tạo điều kiện cho công ty tăng giá thu mua măng nguyên liệu của nông dân để có đủ nguyên liệu sản xuất. Giám đốc công ty Nguyễn Ðức Dũng cho biết, do công ty là DN nhỏ nên toàn bộ phần vốn lưu động đều phải đi vay ngân hàng. Năm 2008, có thời điểm, công ty phải vay ngân hàng 700 triệu đồng với lãi suất 21%/năm, nên làm bao nhiêu cũng chỉ đủ để trả lãi vay ngân hàng. Nay nhờ vốn hỗ trợ lãi suất, công ty đã khôi phục sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động.
Rõ ràng, những chính sách hỗ trợ lãi suất và giảm, giãn thuế cho DN đang dần phát huy hiệu quả, tháo gỡ một phần khó khăn cho DN. Số tiền DN được hỗ trợ lãi suất cũng như giảm, giãn thuế đã được các DN tiếp tục đưa vào sản xuất, kinh doanh, đem lại doanh thu và lợi nhuận cho DN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung. Chủ tịch HÐQT kiêm Giám đốc Vũ Hùng Sơn khẳng định, những chính sách hỗ trợ này được tích cực triển khai cho thấy Chính phủ đã "giang tay cứu" DN và nếu DN nào tận dụng được cơ hội này thì sẽ có điều kiện hồi phục nhanh và phát triển. Cùng chung quan điểm này, lãnh đạo Công ty cổ phần Việt Vương cũng cho rằng, DN nên nhanh chóng tranh thủ cơ hội này để vươn lên. Mặc dù công ty gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất do phải trả khoản nợ cũ 35 tỷ đồng thì mới được vay mới, nhưng công ty cũng đã năng động tìm kiếm được những hợp đồng mới để quay vòng vốn.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HÐQT kiêm Giám đốc Vũ Hùng Sơn, DN mong muốn kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ 4% lãi suất cho vay lưu động bởi thời gian hỗ trợ lãi suất này (chỉ trong tám tháng) là ngắn, nhiều DN còn chưa tiếp cận được. DN cũng rất phấn khởi khi Chính phủ quyết định tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho vay trung và dài hạn. Ðây chính là cơ hội để các DN có thể đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Có thể khẳng định, hai chính sách hỗ trợ lãi suất và giảm, giãn thuế đang tác động tích cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN vừa và nhỏ. Ðây chính là cơ sở để có thể tiếp tục triển khai có hiệu quả những chính sách hỗ trợ khác trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.