Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp phải trả thêm 2,2% đến 22,6% tiền điện
15 | 04 | 2009
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) vừa hoàn thành việc kiểm tra ảnh hưởng của cơ chế giá điện giờ cao điểm sáng đối với các doanh nghiệp (DN) thuộc tỉnh Tiền Giang, Long An và TP Hà Nội

Kết quả: Chi phí tiền điện tăng cao nhất thuộc về Công ty Cổ phần May 10 (Hà Nội) với số tiền phải trả tăng thêm cho tháng 3 vừa qua là 22,6%. Hệ quả, mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí là 0,76%. Cục Điều tiết điện lực phân tích, từ cuối năm 2007, theo xu thế chung của ngành dệt may, Công ty May 10 chuyển từ sản xuất 2 ca sang 1 ca (từ 7 giờ đến 18 giờ), thời gian sản xuất có rơi vào giờ cao điểm trong khi giờ thấp điểm lại không hoạt động.

Mức tăng thấp nhất, 2,2% thuộc về Công ty Cổ phần Gò Đàng (Tiền Giang), một DN chuyên chế biến thủy sản đông lạnh. Do có được mức tăng thấp nên mức tăng chi phí tiền điện trên tổng doanh thu chỉ là 0,04%.

Tại Công ty Thủy sản Hùng Vương (Tiền Giang), do đặc thù sản xuất, thời gian hoạt động của các thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng thường từ 9 giờ hôm trước tới 4 giờ hôm sau. Tính toán của Điện lực Tiền Giang cho thấy, giá điện bình quân của Công ty Hùng Vương trong tháng 3 tăng 0,68% khi áp dụng cơ chế giờ cao điểm mới (không tính phần tăng thêm do tăng giá bình quân). Chi phí tiền điện phải trả tăng thêm là 10,02% khi áp dụng giá mới. Do đó, mức tăng chi phí tiền điện trên giá thành sản phẩm là 0,19%.

Công ty TNHH giày Ching Luh (Long An) năm 2008 tiền điện phải trả, chiếm 3,24% tổng doanh thu, trong đó 50% sản lượng điện sử dụng trong thời gian bộ phận sản xuất 1 ca sử dụng, 50% còn lại là của các bộ phận sản xuất 3 ca. Tháng 3-2009, Công ty TNHH giày Ching Luh phải trả thêm 7,05% chi phí tiền điện. Do đó, mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí khi áp dụng cơ chế giờ cao điểm mới là 0,23%. Đoàn kiểm tra cho rằng, công ty vẫn có thể sắp xếp các bộ phận làm việc 1 ca bằng cách bố trí lại giờ làm việc hoặc nghỉ luân phiên thay cho nghỉ chủ nhật để giảm ảnh hưởng.

Cục Điều tiết điện lực đánh giá, các bộ phận sản xuất 1 ca của DN vẫn có khả năng sắp xếp để giảm công suất không cần thiết trong giờ cao điểm sáng. Mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất hoặc tổng doanh thu khi áp dụng cơ chế giờ cao điểm mới là rất nhỏ. Việc DN “kêu” khi mới áp dụng chỉ là do không phân biệt được chi phí tiền điện tăng thêm chung do tăng giá điện các giờ khác với khi áp dụng giờ cao điểm sáng.

Các ngành sản xuất của tỉnh Tiền Giang chủ yếu là công nghiệp nhẹ, 275/441 DN sản xuất 1 ca (7 giờ – 17 giờ ) nên các ý kiến đều tập trung chủ yếu ở địa phương này. Còn tại các KCN ở Hà Nội, Đồng Nai, số DN sản xuất 1 ca chỉ chiếm 8%-25% nên mức độ ảnh hưởng đến toàn khu vực của một KCN hay một địa phương là không lớn. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác ảnh hưởng của cơ chế này đến toàn bộ nền kinh tế, cần khảo sát toàn diện trên cả nước để có được tỉ trọng số đơn vị sản xuất làm việc 1 ca so với toàn bộ các đơn vị sản xuất cả nước.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường